Nhiều hãng chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất

Dưới tác động của Covid-19, nhiều công ty lớn dần dịch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, hướng đến một số quốc gia Đông Nam Á nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Việt Nam trở thành một trong những điểm đến được chú ý do sở hữu nguồn nhân công giá rẻ và các ưu đãi cho đầu tư nước ngoài. 

Epson, một hãng được biết đến tại Việt Nam ở lĩnh vực máy in, vừa mở thêm mảng kinh doanh robot dùng trong các nhà máy. Có lịch sử lâu đời chuyên sản xuất robot song phải đến gần đây công ty mới mở rộng lĩnh vực kinh doanh này tại Việt Nam do nhiều nguyên nhân khác nhau.

“Một số nhà máy đối tác của chúng tôi dịch chuyển khỏi Trung Quốc, tiến sang một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Do đó, chúng tôi mở rộng mảng robot tại Việt Nam để cung ứng cho khách hàng”, ông Vivekanand Patil, Trưởng phòng cấp cao Robotics khu vực Đông Nam Á của Epson, nói với VietNamNet.

Một cánh tay robot có thể sử dụng trong nhà máy. (Ảnh: Epson)

Làn sóng dịch chuyển nhà máy sản xuất khỏi Trung Quốc diễn ra gần chục năm nay, theo Nikkei, do giá nhân công tại đây tăng lên và một số nguyên nhân khác. Gần đây, căng thẳng thương mại với Mỹ khiến hàng hoá sản xuất tại Trung Quốc bị áp thuế cao hơn cũng khiến nhiều công ty lớn chọn giải pháp sản xuất bên ngoài đất nước tỷ dân.

Đại dịch Covid-19 khiến các hãng nhìn ra việc phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia sẽ khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, thúc đẩy làn sóng tìm kiếm điểm đến mới diễn ra nhanh hơn.

Mới đây nhất, Xiaomi đã đặt nhà máy đối tác tại Việt Nam để sản xuất điện thoại thông minh và TV. Từ đây, hàng hoá sẽ bán ra cho toàn khu vực Đông Nam Á. 

Theo số liệu của Nikkei, trong số 200 nhà cung cấp hàng đầu của Apple, số lượng công ty đặt nhà máy tại Việt Nam tăng từ 17 công ty năm 2018 lên 23 công ty vào năm 2020.

Trước đó, Intel, Samsung, LG, Canon và nhiều hãng lớn khác đều xây nhà máy tại Việt Nam để phục vụ thị trường toàn cầu. Nokia cũng có nhà máy đối tác sản xuất thiết bị mạng viễn thông tại Việt Nam, bán ra cho toàn thế giới.

“Việt Nam cần chớp lấy cơ hội này để phát triển ngành tự động hoá nói riêng, nhà máy thông minh nói chung”, ông Vivekanand Patil nói.

Trong một triển lãm mới đây tại Việt Nam, hãng công nghệ Nhật Bản giới thiệu 3 mẫu robot nhỏ gọn, có thể đặt ở không gian nhà xưởng khác nhau, tập trung vào tốc độ và độ chính xác cao. Các mẫu robot có thể ứng dụng trong ngành công nghiệp ô tô, điện tử, đóng gói... Một số nhà máy tại Việt Nam đã ứng dụng những sản phẩm này nhằm nâng cao năng lực tự động hoá cho dây chuyền sản xuất.

Tự động hoá là việc cấp thiết nhưng vẫn tồn tại khó khăn

Việt Nam không phải là điểm đến mới đây của các dây chuyển sản xuất. Các hãng lớn mở nhà máy từ nhiều năm trước, chủ yếu nhờ nhân công giá rẻ và chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài của Chính phủ.

Tuy vậy, lợi thế về nhân công có thể mất đi khi các nhà máy áp dụng chu trình tự động hoá nhiều hơn. 

Tiến sĩ Ngô Công Khánh, Trưởng Khoa Quản trị, Viện đào tạo Quốc tế (ISB - ĐH Kinh tế TP.HCM), cho rằng việc chuyển đổi số tại các nhà máy hiện nay là chuyện sống còn chứ không chỉ “nói cho có”. Doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng chuyển đổi số nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất không chỉ nội địa mà của toàn cầu.

Ông Khánh lấy ví dụ nhà máy sản xuất giày của Salomon (Pháp) đã tự động hoá dây chuyền, từ việc sử dụng 500 nhân công giảm xuống còn 50 người. Dự kiến trong năm 2025, nhà máy tự động hoàn toàn, có thể sản xuất 500 ngàn đôi giày/năm.

Khi nâng cao năng lực sản xuất, Việt Nam vừa có lợi thế nhân công, chính sách lẫn nhà máy thông minh để cạnh tranh với quốc gia khác.

Bên trong một nhà máy sản xuất của VNPT. (Ảnh: Hải Đăng)

Cùng quan điểm này, ông Daisuke Hori, Tổng Giám đốc Công ty Epson Việt Nam, cho rằng tự động hoá là phần quan trọng của chuyển đổi số nói chung và nhà máy thông minh nói riêng - là những chủ trương đang được Việt Nam tập trung thúc đẩy.

Hồi tháng 5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, mục tiêu nâng cao đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế. Trong đó có việc tiếp thu, làm chủ và phát triển công nghệ sản xuất thiết bị phụ trợ cơ bản trong tự động hóa, công nghệ robot, dây chuyền sản xuất tự động.

Nhằm đón đầu các xu hướng này, nhiều doanh nghiệp nước ngoài mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, thành lập văn phòng, mở rộng trung tâm giải pháp để đào tạo nhân lực.

Khó khăn hiện tại, theo Epson, chính là lực lượng lao động đủ kỹ năng vận hành, bảo trì, sửa chữa còn khan hiếm. Do đó, công ty đang phối hợp với các cơ sở để đào tạo nguồn nhân lực đủ chuyên môn trong lĩnh vực mới mẻ này.

Theo Nikkei, nhiều công ty chỉ dời công đoạn thô sơ khỏi Trung Quốc, những chu trình phức tạp khác vẫn phải giữ lại. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang sở hữu ngành công nghiệp sản xuất hoàn chỉnh, nhân công chất lượng cao, hạ tầng đáp ứng tốt.

Như vậy, không chỉ hiện đại hoá dây chuyền sản xuất, tiến tới tự động hoá, bản thân lực lượng nhân sự trong nước cần được đào tạo để nâng cao năng lực. Ở phía ngược lại, các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam cũng góp phần nâng cao tay nghề cho lao động Việt qua những khoá đào tạo nâng cao.

Không chỉ khó khăn về nhân lực vận hành, mảng robot tại Việt Nam vẫn thiếu một hệ sinh thái cung ứng khép kín, doanh nghiệp trong nước chưa thực sự am tường về lĩnh vực này.

Hải Đăng