Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng vừa ký ban hành Chỉ thị về định hướng phát triển ngành TT&TT, trong đó xác định 5G là hạ tầng rất quan trọng của kinh tế số, xã hội số do đó việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam. |
Bộ TT&TT khẳng định việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có thể sản xuất các thiết bị 5G. Bộ TT&TT sẽ tạo điều kiện và tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện sứ mệnh đầu tư vào nghiên cứu sản xuất các thiết bị 5G hướng tới mục tiêu thương mại hóa sản phẩm 5G vào năm 2020.
Bộ TT&TT cho biết, năm 2020, mạng thông tin di động 5G ở Việt Nam được triển khai thương mại cùng nhịp với những nước đầu tiên trên thế giới. Từ nay Việt Nam sẽ chủ động đi đầu cùng với thế giới về mặt công nghệ cũng như chủ động xây dựng lộ trình và phương án loại bỏ công nghệ di động 2G từ năm 2022. Đồng thời sẽ tiến hành đấu giá, cấp giấy phép băng tần thông tin di động 2.6 GHz để nâng cao chất lượng mạng lưới, tốc độ dịch vụ thông tin di động.
Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp viễn thông phải đảm nhiệm thêm vai trò và trách nhiệm là nền tảng của hạ tầng số, thanh toán số, mobile money, hạ tầng cho chuyển đổi số, phải làm chủ các công nghệ nền tảng cho chuyển đổi số như: công nghệ 5G, IoT, Big Data, AI… Mạng viễn thông là nền tảng của các nền tảng. Các doanh nghiệp viễn thông mang trong mình sứ mạng của doanh nghiệp nền tảng với trách nhiệm xã hội bảo đảm một nền tảng viễn thông cũng như các nền tảng khác chạy trên mạng viễn thông phải sạch.
Bình luận về việc triển khai 5G, ông Hoàng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel khẳng định: “Giữ vai trò tiên phong trong chiến lược chuyển đổi số ở Việt Nam, Viettel bày tỏ sự quyết tâm và cam kết đã sẵn sàng để cùng chính quyền, doanh nghiệp và người dân TP Hồ Chí Minh triển khai xây dựng nền tảng công nghệ cho đô thị thông minh. Đồng thời, tiên phong mang đến các nền tảng công nghệ số mới nhất, dẫn dắt tạo ra những nền tảng ứng dụng số cho xã hội, và đặc biệt dẫn đầu về việc bảo vệ một không gian số an toàn. Cùng với Cloud, hệ thống cáp quang rộng khắp, hạ tầng 3G, 4G đã được Viettel đầu tư trước đó, NB-IoT và 5G được chính thức đưa vào khai thác hôm nay là những nền tảng cốt lõi quan trọng cho việc xây dựng xã hội số và nền kinh tế số tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung".
Theo ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám Đốc Qualcomm khu vực Đông Dương, hạ tầng 5G là yếu tố thiết yếu để Việt Nam có thể hoàn thành CMCN 4.0 và chuyển đổi số quốc gia. Công nghệ này chính là chìa khóa làm thay đổi nền kinh tế của Việt Nam. Theo ông Nam, hạ tầng 5G là một trong những yếu tố thiết yếu để Việt Nam có thể hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số quốc gia. Công nghệ kết nối thế hệ mới này chính là chìa khóa mở ra các cơ hội mới, tạo ra các mô hình vận hành kinh doanh mới có khả năng làm thay đổi nền kinh tế, giúp Việt Nam bứt phá trở thành một nước lớn mạnh về mặt phát triển công nghệ.
Theo báo cáo “5G tại Đông Nam Á” vừa công bố, Việt Nam và Singapore dự kiến sẽ là 2 nước đầu tiên triển khai 5G trong khu vực. “Singapore sẽ triển khai mạng 5G từ năm 2020, trong khi đó, Việt Nam dự kiến sẽ vào năm 2021”, ông Naveen Menon, Chủ tịch Tập đoàn Cisco khu vực ASEAN nhận định.
Tổng số thuê bao 5G của ASEAN được dự đoán sẽ tăng lên con số 200 triệu trong 5 năm tới. Trong đó, Việt Nam được dự báo sẽ có khoảng trên 6 triệu thuê bao 5G, chiếm khoảng 6% tổng số thuê bao di động vào năm 2025 và đứng thứ 6 trong khu vực.
Phía Cisco cũng nhận định: “Khi mới bắt đầu triển khai, tỷ lệ thâm nhập thị trường của Việt Nam có thể thấp hơn một số nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan. Tuy nhiên, chúng tôi dự kiến tốc độ tăng trưởng tại Việt Nam sẽ nhanh hơn, tức là chỉ chậm hơn vào thời gian đầu và sau đó tốc độ tăng trưởng sẽ nhanh hơn các nước khác”.
Cung theo bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam: "Với quyết tâm triển khai 5G từ Chính phủ, từ các nhà viễn thông và với xu hướng các doanh nghiệp cũng đang chuyển đổi số hóa và ứng dụng CNTT mạnh mẽ để tăng năng suất, tăng hiệu quả và tăng tính cạnh tranh, chúng tôi hoàn toàn tin rằng số lượng đăng ký thuê bao 5G khi triển khai 5G sẽ tăng mạnh hơn nữa trong thời gian tới, không chỉ dừng lại ở con số 6 triệu như trong báo cáo này".
Việc sớm triển khai các dịch vụ 5G có thể giúp gia tăng doanh thu hàng năm của các công ty khai thác viễn thông Việt Nam lên đến hơn 300 triệu USD bắt đầu từ năm 2025. Tuy nhiên, các nhà mạng cũng cần phải đầu tư rất lớn cho 5G. Báo cáo nói trên dự kiến, các nhà mạng tại Việt Nam cần chi khoảng 1,5 – 2,5 tỷ USD cho 5G trong giai đoạn 2020 – 2025.