Viettel đang là một trong những doanh nghiệp tiên phong về Cách mạng Công nghiệp 4.0 ở Việt Nam, Viettel có định hướng như thế nào trong việc tìm hiểu và triển khai các sản phẩm, giải pháp mới, đưa công nghệ len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống?
Viettel là Tập đoàn về công nghệ nên có quá trình nghiên cứu xu thế và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác nhau trong lĩnh vực này. Từ đó, chúng ta tìm hiểu những công nghệ mới nào có thể đổi mới và tăng năng suất lao động các ngành nghề rồi triển khai thành các sản phẩm cụ thể. Tuy nhiên, những sản phẩm này không phải lúc nào cũng có thể đi ngay vào cuộc sống. Bởi thứ nhất, sản phẩm công nghệ thường rất trừu tượng; thứ hai, để có được sản phẩm chất lượng thì cần đầu tư lớn; thứ ba, các doanh nghiệp và người dân nếu chưa theo kịp xu thế phát triển thì sẽ hoài nghi về những điều mới.
Vì vậy, Viettel không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu và tạo ra sản phẩm mà còn chủ động triển khai trước và dùng hiệu quả để chứng minh. Có thể kể đến trong Dự án Chính phủ điện tử, Viettel hỗ trợ các cấp chính quyền phần mềm quản lý cư dân, quản lý cơ sở dữ liệu. Về quản lý đô thị, Viettel cung cấp các giải pháp tới từng lĩnh vực: giao thông, điện, nước, viễn thông, dịch vụ hành chính… Còn đối với người dân, khi họ thấy rằng thay vì trước đây phải xếp hàng tại các địa điểm hành chính, giờ có thể kê khai thông tin, nộp giấy tờ qua mạng thì đó là lúc họ đã nhìn ra được lợi ích của Chính phủ điện tử.
Với các dự án triển khai Chính phủ điện tử, Viettel sẽ đầu tư trước, vì sao Viettel lại đưa ra chủ trương này?
Chính phủ điện tử vẫn còn vướng rào cản về mặt pháp lý. Hiện tại vẫn chưa có thông tư về việc cho thuê hạ tầng cơ sở thông tin và chưa có nguồn ngân sách dành riêng cho Chính phủ điện tử. Nếu đợi tới khi hai điều kiện này được thỏa mãn thì không thể đáp ứng nhu cầu của Chính phủ và bắt kịp xu thế chung của thế giới. Việt Nam sẽ lỡ mất con tàu 4.0.
Vì vậy, Viettel lựa chọn tiến hành song song. Một mặt, Viettel kiến nghị để các Bộ, Ban, Ngành hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách. Mặt khác, Viettel đồng hành với Chính phủ và địa phương để xây dựng phương án, hệ thống. Như vậy, Viettel cần đầu tư trước về nhân sự chuyên trách, đầu tư trước các hạng mục nền tảng như hạ tầng mạng quang, hệ thống các phần mềm, công nghệ. Cho đến khi các giấy tờ pháp lý được thông qua, phần lớn các công việc nền tảng đã được Viettel giải quyết.
Mặc dù quá trình đầu tư trước có thể có những rủi ro nhưng Viettel xác định rằng, việc tạo ra một nền tảng tri thức, tạo ra sự đồng thuận trong nhận thức, tạo ra các hệ thống có lợi cho tương lai chính là trách nhiệm, nghĩa vụ mà Viettel cần phải làm. Vì vậy, Viettel vẫn lựa chọn và kiên định với nhiệm vụ này.
Viettel đã triển khai quá trình số hóa các Bộ, Ban, Ngành và các đại phương từ nhiều năm trước. Tính đến nay, hiệu quả của việc “đầu tư trước” này như thế nào thưa ông?
Hiện nay, các sản phẩm mang tính giải pháp mà Viettel cung cấp gồm 2 nhóm. Nhóm một là các sản phẩm Viettel đã nghiên cứu và phát triển để phục vụ nhu cầu của mình, sau đó nhận thấy hữu ích thì mở rộng việc cung cấp cho các doanh nghiệp, các Bộ, Ban, Ngành. Đơn cử như sản phẩm quản lý văn phòng không giấy tờ vOffice... Nhóm hai là các sản phẩm Viettel đã tiếp sức, đồng hành cùng các Bộ, Ban, Ngành có quy mô toàn quốc.
Sản phẩm S - Tracking đã được Viettel cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu nhằm hỗ trợ các tàu cá đi đúng luồng lạch, đảm bảo an toàn cho tàu trong tình hình phức tạp của Biển Đông hiện nay. Hồ sơ Sức khỏe Cá nhân do Viettel cung cấp cho ngành Y tế đã được triển khai 16 tỉnh, quản lý 3.850 tài khoản, có 16,2 triệu thông tin người dân và dữ liệu liên thông, số hồ sơ chia sẻ giữa các hệ thống phần mềm y tế là ~ 4,2 triệu hồ sơ. Về Giáo dục, hệ thống ứng dụng CNTT phục vụ thi THPT quốc gia và tuyển sinh Đại học hợp tác giữa Viettel và Bộ Giáo dục & Đào tạo năm 2018 đã giúp hơn 900.000 thí sinh đăng kí dự thi thành công trên hệ thống và 2 triệu nguyện vọng đăng ký xét tuyển, lọc ảo đảm bảo an toàn, hiệu quả. Đây đều là những con số biết nói về nỗ lực của Viettel trong việc số hóa cuộc sống của người dân, tạo dựng cơ sở dữ liệu cho Chính phủ điện tử.
Các sản phẩm, thiết bị này được Viettel tận dụng khả năng nghiên cứu sản xuất, đưa vào công nghệ mới để sản xuất mà không cần nhập ngoại, tiết kiệm chi phí. Phương châm Viettel đặt ra là: Làm chủ công nghệ, đẩy nhanh tiến độ sản xuất và đảm bảo tính hiệu quả các sản phẩm do mình cung cấp.
Việc triển khai các dự án Chính phủ điện tử cần nguồn nhân lực rất lớn. Vậy Viettel đã giải quyết bài toán nhân sự như thế nào?
Các dự án về CNTT thường kéo dài, đi từ bước xây dựng dự án, ứng dụng, tạo ra hiệu quả rộng khắp rồi quy mô tăng dần lên. Nếu như mình không tổ chức theo mô hình quản trị dự án xuyên suốt thì khó để đảm bảo tính thành công. Với mỗi dự án như vậy, Viettel đều đánh giá hiệu quả, có người phụ trách theo suốt, cùng chủ động trong việc xây dựng nhu cầu, bài toán để tạo ra sản phẩm phù hợp nhất cho khách hàng. Sau đó tiến hành xây dựng thành các sản phẩm và theo suốt vòng đời của sản phẩm đấy, tới khi thành công thì tổ chức nhân rộng.
Để giải quyết vấn đề nhân sự, bộ máy, vào ngày 15/10/2018, Viettel đã thành lập Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel với sứ mệnh là chuyên cung cấp nền tảng công nghệ, giải pháp cho Chính phủ và doanh nghiệp. Cơ cấu hoạt động của Tổng Công ty giống như mô hình của các Tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Google, Facebook, Amazon. Đó là thành lập các nhóm dự án theo từng tổ chức. Nhóm dự án này có nhiệm vụ tiếp xúc khách hàng, “đầu tư trước” cho khách hàng, triển khai thực hiện và tối ưu giải pháp thực tế, chăm sóc khách hàng, bảo dưỡng sản phẩm. Những nhân sự trong nhóm sẽ thực hiện đến cùng với các tổ chức. Việc này giúp đảm bảo nhân sự thực hiện là những người am hiểu rõ nhất về khách hàng, tạo dựng và củng cố niềm tin.
Cảm ơn ông