Cuối tháng 1 – đầu tháng 2/2024, Đoàn kiểm tra Đội quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT tỉnh Vĩnh Long kết hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh Vĩnh Long tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh quần áo may sẵn T (phường 2, thành phố Vĩnh Long) và hộ kinh doanh T.V.T (phường 9, thành phố Vĩnh Long), các hộ kinh doanh này đều có sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, Tiktok để bán hàng online.

Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện 02 hộ kinh doanh trên có hành vi kinh doanh hàng hóa là quần áo may sẵn và mỹ phẩm, đồ gia dụng có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa nhập lậu và hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đoàn kiểm tra tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với 2 hộ kinh doanh trên.

Gặp nhiều khó khăn

Từ đầu năm đến nay, Cục QLTT tỉnh Vĩnh Long đã xử lý 4 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), với 7 hành vi (bao gồm cả kiểm tra kỳ trước), xử phạt hành chính 60,5 triệu đồng, tịch thu hàng hóa trên 48 triệu đồng, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả hàng hóa vi phạm trị giá trên 31 triệu đồng.

Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng hóa có nhãn ghi không đủ các nội dung bắt buộc; hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Mặt hàng vi phạm chủ yếu là: bánh kẹo nước ngọt, quần áo may sẵn, mỹ phẩm, đồ điện, đồ gia dụng.

Thời gian qua, Cục QLTT tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp quản lý, ổn định thị trường nói chung và kinh doanh hàng hóa online nói riêng. Tuy nhiên, việc quản lý kinh doanh hàng hóa trên môi trường mạng hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn.

Nguyên nhân là do các đối tượng lợi dụng sự phát triển của khoa học, công nghệ để sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, hàng nhái bán trà trộn với hàng thật, có mạng lưới phân phối từ thành thị đến nông thôn.

B12_A1.jpg
Kinh doanh hàng hóa online ngày càng phát triển tại các địa phương. Ảnh minh họa

Mặt khác, việc bán hàng qua mạng không cần phải có kho chứa trữ hàng hóa, nguồn hàng được lấy từ nhiều nơi khác nhau, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối tượng.  

Hiện nay nhiều website bán hàng online và trang mạng xã hội không nằm trên địa bàn tỉnh, các thông tin về đối tượng tham gia hoạt động thương mại trên các website không cụ thể, không có thông tin về tên, địa chỉ và số điện thoại… Một số website có đăng ký, thông báo hoạt động TMĐT, có đăng ký địa chỉ nơi hoạt động nhưng khi lực lượng QLTT đến khảo sát thì không hoạt động tại địa chỉ đăng ký,...

Chủ động ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời

Thời gian tới, Cục QLTT tỉnh sẽ tăng cường công tác quản lý địa bàn, thường xuyên theo dõi tình hình giá cả hàng hóa, nắm bắt thông tin về hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách.

Tiếp tục triển khai Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động các cá nhân, tổ chức hoạt động thương mại tham gia ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm…  

Trong đó, chú trọng lĩnh vực TMĐT và các mô hình hoạt động kinh doanh trên ứng dụng công nghệ số, mua bán online thông qua các ứng dụng trên nền tảng di động, website bán hàng, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, Twitter,...

Qua đó, nhằm chủ động ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng lợi dụng lòng tin của người mua hàng trên mạng để gian lận về mẫu mã, giá cả, chất lượng của hàng hóa, đặc biệt là tình trạng các mặt hàng cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, hàng giả, hàng lậu, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.