Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện được quy hoạch 19 khu công nghiệp, trong đó có 16 khu công nghiệp được thành lập và có quyết định chủ trương đầu tư; 9 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.
Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường. Vĩnh Phúc đã thực hiện nhiều chương trình, đề án và kế hoạch để bảo vệ môi trường; đồng thời tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng, tăng cường phối hợp quản lý, kiểm tra, giám sát môi trường đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp.
Hiện nay, một số địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động lên kế hoạch tăng cường các biện pháp nhằm ứng phó với sự cố chất thải.
Thành phố Vĩnh Yên là nơi có nhiều doanh nghiệp đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh, các khu công nghiệp tại Vĩnh Yên có nhiều nhà máy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Mặc dù đã được quy hoạch, đầu tư đi vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, nhưng trên địa bàn Vĩnh Yên còn có 7 doanh nghiệp hoạt động có phát sinh chất thải theo 17 loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ có thể xảy ra sự cố chất thải gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản của nhân dân và môi trường xung quanh.
Để ứng phó, xử lý nhanh sự cố chất thải trên địa bàn, thành phố đã xây dựng lực lượng chuyên trách tại các khu công nghiệp; đồng thời, trang bị phương tiện phục vụ như xe tải, xe téc, xe ca, xe cứu thương, xe cứu hộ đa năng, quần áo phòng da, phòng độc. Cùng với đó, phối hợp hiệp đồng các đơn vị, khi xảy ra sự cố UBND thành phố báo cáo ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, UBND tỉnh huy động lực lượng, phương tiện để tham gia ứng phó, khắc phục sự cố.
Ngoài ra, hàng năm, thành phố cũng tiến hành đánh giá nguy cơ ô nhiễm chất thải rắn, chất thải lỏng, chất thải khí. Trên cơ sở lực lượng, phương tiện hiện có, lực lượng phương tiện tăng cường, phối hợp và lực lượng hiệp đồng; thành phố có khả năng ứng phóvà khắc phục sự cố chất thải ở mức độ vừa và nhỏ.
Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc có 156 doanh nghiệp có phát sinh chất thải theo 17 loại hình sản xuất kinh doanh dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Để chủ động bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp đều đầu tư, lập hồ sơ bảo vệ môi trường và thiết kế vận hành các hạng mục công trình, như hệ thống thoát nước mưa, hệ thống xử lý nước thải tập trung, khu vực lưu giữ chất thải rắn, hệ thống quan trắc nước thải tự động và các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khác…
Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng đồng bộ và tuân theo quy định, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, quy chuẩn kỹ thuật môi trường có liên quan, các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng tại các khu công nghiệp cũng thành lập bộ phận chuyên trách bảo vệ môi trường, có trách nhiệm vận hành hệ thống xử lý nước thải, giám sát chặt chẽ hoạt động xả thải của doanh nghiệp.
Để khắc phục tình trạng bị động trong ứng phó, giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của các sự cố môi trường đến con người, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh, mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch về ứng phó sự cố chất thải của tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2030.
Theo kế hoạch, tỉnh xây dựng các kịch bản ứng phó với từng loại sự cố có thể xảy ra gây nguy hại cho con người, môi trường trên địa bàn quản lý như: Sự cố chất thải ở dạng chất thải rắn, chất thải lỏng, chất thải khí, tại các khu vực có nguy cơ cao. Đồng thời, triển khai các giải pháp xử lý chất thải bằng phương pháp sử dụng công nghệ như: Hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ tương ứng phù hợp như dung dịch kiềm, nước; hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ như than hoạt tính, geolit...; xử lý khí thải bằng công nghệ UV để xử lý các loại khí độc hoặc xử lý khí thải bằng công nghệ Plasma nhằm giảm nồng độ bụi trong không khí, loại bỏ khí độc hại..., nhằm ngăn chặn, dừng phát tán chất thải ra môi trường.
Trên cơ sở lực lượng, phương tiện hiện có, lực lượng phương tiện tăng cường, phối hợp và lực lượng hiệp đồng, Vĩnh Phúc hoàn toàn có khả năng ứng phó và khắc phục sự cố chất thải ở mức độ vừa và nhỏ; thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” và "3 sẵn sàng” quy định tại pháp luật phòng, chống thiên tai; phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động ứng phó sự cố chất thải.
Với sự chủ động triển khai các chương trình, kế hoạch và tăng cường các giải pháp ứng phó, giúp cho việc xử lý nhanh các tình huống, sự cố chất thải trên địa bàn.