Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 514 di tích lịch sử đã được xếp hạng gồm 3 di tích quốc gia đặc biệt, 65 di tích đã được xếp hạng là di tích quốc gia, 446 di tích cấp tỉnh.
Thời gian qua, công nghệ số đã góp phần mang lại trải nghiệm mới mẻ cho du khách. Tận dụng làn gió chuyển đổi số để thúc đẩy công bảo tồn và truyền đạt di sản văn hóa, đồng thời giúp tăng cường khả năng truy cập và sử dụng thông tin về di sản từ xa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, học tập và thưởng thức di sản một cách linh hoạt và hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 52 về việc số hóa và ứng dụng trên nền tảng số hồ sơ khoa học, tư liệu di sản văn hóa Vĩnh Phúc, giai đoạn 2022 - 2030.
Với bước đi này, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thực hiện số hóa 100% dữ liệu hồ sơ khoa học, tư liệu các di tích cấp tỉnh; 100% di sản tư liệu, hiện vật, nhóm hiện vật, cổ vật quý hiếm, có giá trị tiêu biểu hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh; 100% dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục kiểm kê, có giá trị đặc sắc hoặc có nguy cơ mai một…
Cùng với công tác số hóa tài liệu giới thiệu các điểm di tích, hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa vào hoạt động ứng dụng thông tin du lịch; ứng dụng công nghệ 3D trong quảng bá du lịch nhằm đem đến cho du khách trải nghiệm thú vị.
Bên cạnh đó, hệ thống dữ liệu của 60 điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã được kết nối liên thông với nhau, góp phần từng bước xây dựng bản đồ du lịch số.
Để tăng hiệu quả quảng bá du lịch cũng như bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích, mới đây, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc, đơn vị quản lý thiết chế Văn miếu tỉnh đã phối hợp với đơn vị cung ứng dịch vụ, quản lý phần mềm ứng dụng du lịch thông minh “63S Travel” – một ứng dụng về du lịch đang được triển khai trên cả nước, tích hợp các nội dung thuyết minh giới thiệu kết hợp nhiều hình ảnh ấn tượng của Văn miếu tỉnh ở các góc độ khác nhau lên nền tảng ứng dụng. Vì thế, công chúng ở mọi lúc mọi nơi có thể tự tìm hiểu và khám phá.
Từ đó, tạo lập các mã QR để du khách có thể sử dụng thiết bị thông minh truy cập vào ứng dụng hoặc quét mã QR tại chỗ để nghe thuyết minh tự động giới thiệu về Văn Miếu tỉnh bằng 4 ngôn ngữ gồm tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hàn và tiếng Nhật kèm theo hình ảnh minh họa trực quan, sinh động.
Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh và quét mã QR có sẵn được gắn lên các văn bia hoặc được bố trí ở các khu vực tại Văn miếu tỉnh, bất cứ ai khi đến cũng có thể tra cứu được rất nhiều thông tin hữu ích, giới thiệu về sự hình thành, ra đời, tổng quan các khu vực và hiện vật chi tiết có tại Văn miếu tỉnh.
Lãnh đạo Bảo tàng tỉnh cho biết, công trình gắn mã QR được xem như cuốn cẩm nang du lịch số bao gồm tài liệu giới thiệu; hình ảnh, video tham quan thực tế, tích hợp với tính năng chỉ đường giúp du khách dễ dàng tìm kiếm, trải nghiệm, tìm hiểu di tích lịch sử.
Chỉ trong thời gian ngắn triển khai, đến nay đã có hàng nghìn người dân về trẩy hội và quét mã QR tại Văn Miếu tỉnh là minh chứng sống động cho thấy hiệu ứng tích cực mang lại từ chuyển đổi số.
Thanh Sơn