Theo Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc, từ đầu năm đến nay, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý quy hoạch xây dựng và kiến trúc trên địa bàn tỉnh; rà soát, báo cáo UBND tỉnh hướng xây dựng quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, thẩm định 5 đồ án quy hoạch chung, 15 đồ án quy hoạch xây dựng; điều chỉnh cục bộ 23 đồ án quy hoạch đô thị nhằm đồng bộ giữa các quy hoạch đã được tích hợp để khai thác triệt để thế mạnh tổng hợp, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Đến nay, toàn bộ địa giới hành chính của tỉnh được lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng liên huyện, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, khu chức năng.

W-giaothong.png
Ảnh minh hoạ

Theo quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ phê duyệt, Vĩnh Phúc được định hướng phát triển theo 3 hành lang chính. Bao gồm: Hành lang kinh tế động lực phía Đông Nam liên kết các khu vực Vĩnh Tường - Yên Lạc - Bình Xuyên - Phúc Yên, đồng thời tăng cường liên kết hoạt động kinh tế với thành phố Hà Nội, tỉnh Thái Nguyên; hành lang phát triển du lịch - đô thị nghi dưỡng phía Bắc dọc theo chân dãy núi Tam Đảo kéo dài qua khu vực hồ Vân Trục hướng ra sông Lô, kết nối các điểm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch golf, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện (du lịch MICE); hành lang phát triển ven sông phía Tây liên kết các huyện Yên Lạc - Vĩnh Tường - Lập Thạch - Sông Lô, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp, các trung tâm logistics, chợ đầu mối nông sản.

Tỉnh cũng quy hoạch phân vùng không gian liên huyện thành 3 vùng. Trong đó, vùng liên huyện trung tâm, gồm thành phố Vĩnh Yên và các huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, một phần thành phố Phúc Yên (trừ xã Ngọc Thanh) và một phần huyện Bình Xuyên (trừ xã Trung Mỹ). Đây là vùng cửa ngõ quan trọng kêt nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận; trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh và là động lực phát triển của tỉnh, trung tâm phát triển kinh tế tổng hợp, đa ngành, định hướng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ, logistics của tỉnh và của vùng đồng bằng sông Hồng.

Vùng liên huyện phía Tây, gồm huyện Sông Lô và huyện Lập Thạch; là trung tâm phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp phụ trợ; vùng sản xuất nông nghiệp lớn, công nghệ cao gắn với sản xuất hàng hóa và du lịch. Vùng liên huyện phía Bắc gồm toàn bộ huyện Tam Đảo, phần còn lại của huyện Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên; là vùng phát triển dịch vụ du lịch, văn hóa thể thao, có vai trò quan trọng trong bảo tồn các giá trị văn hóa, thiên nhiên của địa phương; phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với ngành chăn nuôi...

Hiện nay, các quy hoạch xây dựng đang được tập trung triển khai như: Đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030; phê duyệt Đồ án quy hoạch chung đô thị loại IV các huyện Vĩnh Tường, Bình Xuyên; Quy hoạch xây dựng vùng huyện Yên Lạc; các chương trình, kế hoạch về phát triển đô thị…

Với quyết tâm xây dựng Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ trọng điểm của khu vực, phù hợp với phát triển đô thị quốc gia theo hướng thông minh, xanh, xứng tầm là đô thị cửa ngõ Thủ đô, ngành Xây dựng tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh việc phân cấp cho các địa phương liên quan đến quản lý quy hoạch xây dựng và kiến trúc. Rà soát, đề xuất khắc phục các tồn tại trong các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, đề xuất phương án xử lý, khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn trong quy hoạch, thực hiện đồng bộ các cấp độ quy hoạch".

PV