Top 10 tỉnh tăng trưởng cao nhất

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra chủ trương “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu quan trọng này trong tình hình hiện nay, đòi hỏi phải có những giải pháp vừa mang tính sách lược trước mắt, lại vừa mang tính chiến lược lâu dài.

Có thể khẳng định, cơ cấu lại nền kinh tế là một nội dung lớn, quan trọng và cấp bách đối với Việt Nam hiện nay, nhất là khi nước ta đang nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh thế giới và trong nước thay đổi sâu sắc sau dịch bệnh Covid-19.

Là một trong những tỉnh ghi nhận nhiều kết quả đáng khích lệ, đặc biệt giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022, Vĩnh  Phúc nằm trong top 10 tỉnh tăng trưởng cao nhất.

Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển. Ảnh: Thanh Hương.

Tỉnh đã tập trung triển khai các biện pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, xây dựng hoàn thiện, đồng bộ thể chế phát triển.

Một số chính sách của Chính phủ thúc đẩy sản xuất kinh doanh như giảm thuế giá trị gia tăng, giảm 50% phí đăng ký trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước đã thúc đẩy doanh số tiêu thụ hàng hóa của một số mặt hàng chủ lực.

Quản lý chi ngân sách được tăng cường, kiểm soát chi chặt chẽ, quản lý chi theo dự toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ước tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đạt 7.024 tỷ đồng, đạt 39% dự toán và bằng 93% so với cùng kỳ năm 2021.

Hoạt động ngân hàng, tín dụng tăng trưởng khá, các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả; ưu tiên tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, hộ nghèo và các đối tượng chính sách, hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tình hình đầu tư xây dựng được tập trung triển khai. Đã có 168 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư. Toàn tỉnh giải phóng mặt bằng đạt 449,4 ha, bằng 40,5% kế hoạch năm, trong đó 1 số dự án lớn đã giải phóng mặt bằng được phần lớn diện tích như: Dự án Trung tâm logistic ICD Vĩnh Phúc đã giải phóng mặt bằng 80,5/83,8 ha; Dự án Khu công nghiệp Sơn Lôi đã giải phóng mặt bằng 92/180 ha; Dự án Khu công nghiệp Bá Thiện đã giải phóng mặt bằng 93,6/103,8 ha, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khởi công theo kế hoạch.

Ước giải ngân đến hết 30/6/2022 đạt 2.380 tỷ đồng, đạt khoảng 24,4% so với tổng kế hoạch (bao gồm vốn kéo dài và vốn kế hoạch năm 2022) và bằng 34,3% so với kế hoạch Trung ương giao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (đạt 22% kế hoạch) và cao hơn trung bình trung của cả nước (ước đạt 27,86% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Cơ cấu lại tổng thể, đồng bộ ngành kinh tế

Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Vĩnh Phúc đặt ra mục tiêu tổng quát, phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước.

Tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng 8,5-9,0%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130-135 triệu đồng. Đồng thời, thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 6- 8%/năm.

Trên cơ sở Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, tỉnh định hướng đến năm 2025 sẽ "Từng bước điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp từ chủ yếu dựa trên số lượng sang dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp".

Cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Ảnh: Thanh Hương. 

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đề ra 5 nhiệm vụ, trong đó là "Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao; chuyển mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo hướng tăng năng suất lao động trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo". Một trong 3 "khâu đột phá" được xác định là: "Ưu tiên thu hút phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước".

Tỉnh tiếp tục khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô, xe máy; điện tử, tin học; cơ khí chế tạo; sản xuất vật liệu xây dựng; dệt may, da giày,…

Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt phát triển dịch vụ chất lượng cao. Khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ cùng với duy trì phát triển các ngành sản xuất và lắp ráp phụ tùng ôtô, xe máy; linh kiện điện tử; các sản phẩm điện tử hoàn chỉnh... 

Trên lĩnh vực dịch vụ thương mại, Vĩnh Phúc định hướng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại cùng với hệ thống chợ truyền thống. Trong đó, khuyến khích, xây dựng cơ chế hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ trong các hoạt động tài chính, tín dụng và các dịch vụ thanh toán, thương mại.

Tỉnh cũng cũng xác định phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Về vấn đề này, địa phương sẽ chú trọng triển khai làm tốt quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển du lịch; xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch gắn các giá trị văn hóa, lịch sử, bản sắc dân tộc.

Vĩnh Phúc thực hiện phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp” tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, tiếp cận đất đai; giải quyết kịp thời các vướng mắc, kiến nghị hợp lý của các nhà đầu tư. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ để hộ gia đình, cá thể kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Khuyến khích hình thành các doanh nghiệp lớn để làm đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân.

Sáu tháng đầu năm tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư/chủ trương đầu tư cho 10 dự án FDI và 7 dự án DDI. Tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn các dự án FDI đạt 225,47 triệu USD, bằng 76% so với cùng kỳ năm 2021 và các dự án DDI đạt 7.743,46 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2021. 

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng những cơ chế thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, như phát triển 19 khu công nghiệp, hoàn thiện quy hoạch hạ tầng giao thông, quy hoạch năng lượng để phục vụ đầu tư, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển công nghiệp trong vòng 10 - 20 năm tới.

"Tỉnh Vĩnh Phúc vẫn nhất quán với quan điểm coi nhà đầu tư là người bạn đồng hành của tỉnh, từ đó tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp hoạt động", ông Lê Duy Thành khẳng định.

Giai đoạn 6 tháng cuối năm và các giai đoạn tiếp theo, Vĩnh Phúc tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại đồng bộ, tổng thể nền kinh tế.

Trong đó tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như: Cơ cấu lại đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, từng bước cơ cấu lại ngân sách nhà nước. Cơ cấu lại và giải quyết có kết quả vấn đề nợ xấu, bảo đảm an toàn nợ công. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ; ưu tiên phát triển những ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động theo cơ chế thị trường, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; doanh nghiệp nhà nước tập trung vào những lĩnh vực quan trọng và địa bàn chiến lược. Tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân để tạo động lực nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Rà soát, sửa đổi pháp luật, chính sách để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, nhất là các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản phẩm có giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa cao...

Quỳnh Nga