Trong phiên giao dịch ngày 21/10, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) tiếp tục trầm lắng với thanh khoản thấp, chỉ số VN-Index và đa số mã cổ phiếu giảm giá trong bối cảnh giới đầu tư thiếu thông tin hỗ trợ.
Tuy nhiên, trái với đà giảm chung trên diện rộng và sự suy giảm của đa số các cổ phiếu chủ chốt, nhóm cổ phiếu “họ Vin” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục tăng khá mạnh, trong đó ông lớn bất động sản Vinhomes (VHM) bứt phá lên mức cao nhất trong một năm qua trước thềm một thương vụ lịch sử.
Cổ phiếu Vinhomes tăng 2.550 đồng lên 47.800 đồng/cp, so với mức 34.000 đồng/cp hồi đầu tháng 8. Đây là mức giá cao nhất của cổ phiếu VHM kể từ đầu tháng 9/2023.
Giao dịch cổ phiếu Vinhomes cũng rất ấn tượng. Tổng cộng, hơn 21 triệu đơn vị được chuyển nhượng trong phiên 21/10, trị giá gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại mua hơn 4,3 triệu VHM và bán gần 2,1 triệu cổ phiếu VHM.
Cổ phiếu Vingroup (VIC) cũng tăng khá tốt, thêm 450 đồng, lên 42.250 đồng/cp. Còn Vincom Retail (VRE) tăng 350 đồng, lên 19.100 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu “họ Vin” tăng mạnh trong bối cảnh Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sẽ mua tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thoả thuận từ ngày 23/10 đến 21/11.
Việc mua lại cổ phiếu VHM, theo Vinhomes, là để đảm bảo quyền lợi của công ty và cổ đông do giá VHM đang ở mức thấp hơn so với giá trị thực của công ty. Tiền được dùng để mua lại là từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Đây được xem là thương vụ mua cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử TTCK Việt Nam. Thông tin về thương vụ được đề cập từ hồi đầu tháng 8 và được xem là yếu tố giúp giá VHM tăng gần 40% trong khoảng thời gian này.
Cổ phiếu Vinhomes tăng giá trong bối cảnh thị trường bất động sản nóng trở lại với giá căn hộ, các sản phẩm nhà liền kề, shophouse, biệt thự,... tại một số dự án được báo cáo tăng mạnh. Giá đấu giá bất động sản ở nhiều quận/huyện tại Hà Nội cũng leo thang.
Vinhomes cùng với VEF - một DN con của Vingroup - đã ra mắt dự án Vinhomes Global Gate (Vinhomes Cổ Loa) với tổng mức đầu tư 35.000 tỷ đồng. Cổ phiếu VEF gần đây cũng tăng mạnh và hiện có giá 217.900 đồng/cp.
Việc Vinhomes quyết định chi ra số tiền khổng lồ, có thể lên tới 17 nghìn tỷ đồng, để mua lại 370 triệu cổ phiếu VHM được xem là một cú hích cho cổ phiếu của tỷ phú Vượng. Vậy đích nào cho đợt tăng giá của VHM?
Theo các phân tích cơ bản, cổ phiếu VHM khá hấp dẫn với giá trị sổ sách cao, tới hơn 44.000 đồng/cp, thu nhập cơ bản mỗi cổ phiếu ấn tượng theo lợi nhuận khủng hàng năm của mã này. Trong khi đó, tỷ số thị giá/lợi nhuận mỗi cổ phiếu (P/E) đang quanh quẩn ở mức 9 lần, rất đẹp đối với một doanh nghiệp lớn như Vinhomes.
Việc Vinhomes khẳng định cổ phiếu VHM thấp hơn giá trị thật là dễ hiểu. Dù vậy, việc định giá một cổ phiếu, một doanh nghiệp khác nhau từng thời điểm. Hệ sinh thái DN của tỷ phú Vượng đang cần vốn tập trung phát triển VinFast, do vậy việc cầm cố tài sản là điều cần tính tới. Cổ phiếu Vinhomes không thể quá thấp như hồi tháng 8-9, nhưng có thể không lên quá cao. Bên cạnh đó còn là dòng vốn ngoại vào ra các DN thuộc hệ sinh thái Vin.
Triển vọng thị trường bất động sản khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản mới... vừa có hiệu lực cùng một mặt bằng giá mới, chi phí cho các dự án có thể tăng cao... cũng sẽ ảnh hưởng tới giá cổ phiếu địa ốc.
Trong phiên giao dịch ngày 21/10, trong nhóm 30 cổ phiếu trụ cột trên TTCK, có 3 mã tăng giá, 2 mã đứng giá, còn lại là giảm. Ngoài 3 mã “họ Vin” tăng giá còn có VPBank (VPB) và Thế Giới Di Động (MWG) tăng nhẹ 100 đồng, lên tương ứng 20.650 đồng và 65.800 đồng/cp.
Thị trường nói chung ảm đạm. Chỉ số VN-Index giảm 5,69 điểm (-0,44%) xuống 1.279,77 điểm. HXN-Index giảm 0,78%, còn Upcom-Index giảm 0,6%. Tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt 15,5 nghìn tỷ đồng, trong đó có hơn 14,3 nghìn tỷ đồng trên HoSE.