-Ngán ngẩm với Những mức giá trên trời chỉ có ở sân bay Việt Nam, nhiều bạn đã gửi ý kiến về Báo VietNamNet.
TIN BÀI KHÁC:
Quá choáng với giá cả tại sân bay.
Đó là cảm nhận chung của nhiều bạn đọc.
Lời than phiền của bạn Nguyễn Văn Quý: Lần đầu mình ăn ở sân bay Nội Bài vào cuối năm 2012. 3 anh em ăn 3 bát mỳ tôm khi đứng dậy thanh toán mà giật mình, hết 215 nghìn đồng! Quá choáng với giá cả tại nơi đây. Email tarodtt@yahoo.com phụ họa: Cách đây 2 năm tôi có vào sảnh phục vụ khách đi quốc tế ăn 1 bát phở thôi mà cũng gần 150k/bát, giờ đã lên đến 200k rồi thì không biết tốc độ tăng của 1 bát phở tại sân bay trong vài năm tới sẽ là bao nhiêu nữa? Nếu thực sự bát phở ngon, hành khách có thể chấp nhận trả số tiền đó với tâm lý là ngon nhưng đắt và ăn cũng bõ, nhưng thực sự cũng chỉ là 1 bát phở bình thường thôi mà. Ý kiến của Thanh Danh: Vào nhà hàng chất lượng phục vụ cao, có em bón tận mồm cũng không đến 40.000 đồng một tô mỳ tôm không người lái như ở sân bay của ta!
Ảnh minh họa |
Bạn Do Duc “hay đi máy bay và cũng hay uống cafe ở sân bay, nói chung là không thể chấp nhận được giá cả ở đây. Nói là chất lượng cao thì tôi không hiểu cao ở chỗ nào? Cũng một hộp mì tôm như thế, chỉ cho thêm mấy miếng thịt lều phều hoặc miếng giò cuốn mà chém gấp 10 lần”.
Bạn Đức so sánh: Giá một chai nước khoáng tại sân bay Tân Sơn Nhất là 95 ngàn đồng, còn tại Incheon quy ra tiền Việt là 40 ngàn. Có lẽ do thu nhập của dân Hàn Quốc thấp nên giá rẻ hơn? Email nguyenghi54@yahoo.com tiếp chuyện: Các sân bay bước ngoài luôn có nước tinh khiết đặt mọi nơi cho khách uống, còn sân bay của Việt Nam bán “cắt cổ” 20- 30 ngàn đồng một chai nước ½ lít. Bạn Tiệp Đồng Văn bổ sung: Mình cũng đã ăn quả đắng, không riêng giá ăn uống ở sân bay đắt mà vào các khu vui chơi giải trí cũng đắt gấp nhiều lần so với bên ngoài.
Sân bay Cam Ranh qua nhận xét của Linh Nguyen: Thu phí xe vào sân bay cũng đắt vô lý. Thời gian đậu xe chia làm các block, nhưng mỗi block chỉ được 40 phút, tình trạng máy bay đến trễ nhưng không thông báo thường xuyên xảy ra và các tài xế khi đón khách phải khóc dở mếu dở móc tiền túi ra bù vào phí đậu xe. Phí đậu xe thì giá trên trời, nhưng khu vực sân bay thì dơ bẩn hết chỗ nói! Nước trong nhà vệ sinh thì hôi mùi dầu còn quanh sân bay thì rác rưởi ngập ngụa. Lác đác chỉ có vài thùng rác làm vì. Nhìn rác ở khu vực bãi xe thì biết ngay là ít nhất phải 3-4 ngày chưa hề có nhân viên thu dọn! Thật là xấu hổ khi đưa khách đi ra bãi đậu xe, đặc biệt là khi khách quốc tế - Nga, Hàn Quốc bay những chuyến bay charter đến Cam Ranh.
Thử tìm nguyên nhân “chặt chém” ở sân bay
Email nuidoi@yahoo.com cho rằng: Theo quan niệm của những người này thì đã đi máy bay thì nhiều tiền nên phải “phân phối lại thu nhập”!
Theo email ledinh@libero.it thì: Tất cả là do độc quyền, một mình một chợ mà ra. Nếu cho nhiều người đấu thầu, cạnh tranh lành mạnh thì làm gì có chuyện đó.
Góc nhìn của Tiệp Đồng Văn lại khác: Do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là ở cơ quan chức năng lơ là việc quản lý, muốn thêm lợi nhuận từ việc cho thuê địa điểm các khu vực bán hàng với giá cao. Cho nên các chủ cửa hàng khu vực này bán với giá đó. Bạn Do Duc cũng hiểu là “có sự ăn chia giữa các bên liên quan khi tổ chức kinh doanh ở đây”.
Giọng Nguyen Huu Co như thách thức: Cứ vào sân bay, liên lạc với các sếp quản lý sân bay và thuê mặt bằng kinh doanh, rồi lúc đó sẽ hiểu ra! Bạn Nguyễn Văn Thọ cũng nghĩ giá thuê mặt bằng cũng là tác nhân trong việc này!
Emại pham_hoainhan@yahoo.com.sg thắc mắc: Không hiểu mấy cái quán này sẽ bị đánh thuế như thế nào? “Vấn đề là quản lý chặt khâu bán hàng bằng hóa đơn tài chính. Nếu có, tôi nghĩ khách hàng không tiếc thêm vài nghìn nếu tiền của mình (bị tăng cao quá) đều được đóng góp cho nhà nước thông qua thuế. Cái bất bình của người tiêu dùng là tiền thu cao của mình vào túi tư nhân”. Đó là ý kiến của email tatheanh76@gmail.com.
Với giọng khôi hài, Lộc Phú Hà “rút kinh nghiệm từ lâu rồi, cứ mang đủ ở nhà đi cho chắc ăn, vừa sạch sẽ, an toàn và rẻ nữa. Dịch vụ sân bay chỉ dành cho người thừa tiền thôi, không phải ai đi máy bay cũng thừa tiền cả”.
Phản ứng “yếm thế” của Hoàng Tuân: Thì thôi đừng ăn nữa, bán hàng mà không có người mua thì tự người bán sẽ chết thôi mà. Kêu than làm gì cho mệt, đừng tiêu dùng nữa tự người bán sẽ biết cách mà điều chỉnh nếu muốn sống.
Còn ý kiến của Minh Anh là: Đừng dại gì vào ăn ở mấy chỗ đó, vừa đắt vừa không nuốt nổi, thử hỏi cả ngày họ chỉ bán được vài người khách thì làm gì có thực phẩm tươi ngon bán, nấu nồi canh phở để cả ngày bán cho vài người khách là chuyện không thể, tốt nhất nên dẹp mấy quán ăn kiểu này!
Nỗi day dứt của Huỳnh Xuân: Mấy bác quản lý sân bay cũng đi nhiều nước rồi biết rõ hơn nhiều người nhưng làm ngơ hay là không thể quản lý? Có thể nói sân bay là bộ mặt cuối cùng trước khi khách rời khỏi đất nước, nếu ấn tượng như thế này thì làm sao họ còn muốn quay lại nữa?
Ban Bạn đọc