UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quyết định xử phạt tổng cộng 117 triệu đồng đối với Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang chủ đầu tư Khu du lịch đảo Hòn Tằm (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) với 2 hành vi vi phạm.
Theo đó, công ty bị xử phạt 110 triệu đồng về hành vi lấn chiếm đất nông nghiệp. Cụ thể, công ty này đã tự ý sử dụng đất, san ủi mặt bằng với diện tích hơn 2.300m2 trên đảo Hòn Tằm khi chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định.
Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang đã chiếm đất nông nghiệp (đất rừng sản xuất) tại khu vực đô thị và huỷ hoại đất làm biến dạng địa hình trên đảo Hòn Tằm. |
Ngoài ra, công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang bị xử phạt thêm 7 triệu đồng về hành vi hủy hoại đất với diện tích hơn 400m2. Công ty này đã san lấp đất làm biến dạng địa hình trong đó có hơn 228 m2 phần đất tiếp giáp mặt nước (nằm trong quy hoạch 1/500 sửa đổi được duyệt) và 172m2 đất nằm ngoài ranh giới dự án.
Đối với diện tích san lấp trái phép nằm ngoài ranh giới dự án, UBND tỉnh Khánh Hòa buộc chủ đầu tư phải khắc phục hoàn trả lại nguyên trạng trong 90 ngày. Đồng thời, Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang phải hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê theo quy định.
Trước đó, ngày 20/3, UBND TP Nha Trang cũng đã xử phạt 40 triệu đồng đối với doanh nghiệp này vì tổ chức thi công công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng trên đảo Hòn Tằm.
“Không thể cho phép nhà đầu tư được làm lời trên di sản bằng mọi giá dù đó là di sản cảnh quan, hay phi vật thể. Có tiền có thể làm được nhiều công trình to lớn, hoành tráng nhưng những cảnh quan thiên nhiên khi chúng ta đã phá đi rồi thì có bao nhiêu tiền cũng không thể mua được” - KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam. |
Ngoài vi phạm về trật tự xây dựng, báo cáo gửi UBND TP Nha Trang, ông Huỳnh Bình Thái – Trưởng Ban Quản lý Vịnh Nha Trang nêu rõ: “Qua lặn kiểm tra dưới đáy biển phát hiện đất, đá trong quá trình san lấp đã tràn xuống biển ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái khu vực này. Đặc biệt là hệ sinh thái rạn san hô bị hủy hoại, khó có khả năng phục hồi nguyên trạng ban đầu. Một lượng bùn đất không nhỏ theo dòng chảy tràn ra các khu vực xung quanh có nguy cơ ô nhiễm cục bộ tại khu vực vùng nước sát bờ phía Tây Nam đảo Hòn Tằm”.
Được biết, Hòn Tằm là một đảo rộng hơn 110ha nằm trong vịnh Nha Trang (1 trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới) và chỉ cách thành phố Nha Trang 7km về phía Đông Nam. Vịnh Nha Trang cũng là vịnh biển được bảo vệ và nghiêm cấm tất cả các hành vi lấn chiếm xây dựng.
“Có sự vô trách nhiệm trong quản lý”
Trao đổi về vấn đề này, theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, việc vi phạm như ở đảo Hòn Tằm không phải ngày hôm nay mới xảy ra mà trước đó đã có không ít dự án được quy hoạch xây dựng, phát triển du lịch, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn, hệ sinh thái vịnh biển.
Ông Tùng cho rằng, đó là hệ luỵ kéo dài của việc quản lý quy hoạch không tốt.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng, trong một ngõ nhỏ người dân chỉ cần đổ một bao cát, bao xi măng là thanh tra đến hỏi thăm ngay nhưng giữa một vịnh, một cảnh quan như vậy chủ đầu tư xây dựng ảnh hưởng không chỉ cảnh quan mà cả tầng đáy biển lại không ngăn chặn từ đầu. Đó là yếu kém trong quản lý, có sự vô trách nhiệm trong quản lý. |
Cũng theo vị Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, tài nguyên thiên nhiên là những thứ vô giá, con người không thể làm được.
“Chúng ta có thể bỏ tiền xây công trình thì được nhưng để khắc phục một cảnh quan thiên nhiên hay môi trường không phải đơn giản. Một khách sạn dù 5-6 sao có tiền là xây được nhưng chúng ta có tiền cũng không mua được tài nguyên, không mua được cảnh quan” – ông Tùng nhấn mạnh.
Trước những sai phạm Công ty CP Hòn Tằm biển Nha Trang tại Khu du lịch đảo Hòn Tằm (vịnh Nha Trang) vị Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam thẳng thắn đặt vấn đề: Tất cả những hành vi vi phạm của chủ đầu tư đều làm giữa thanh nhiên bạch nhật. Vậy ai cho làm? Chúng ta phải đặt vấn đề đó. Trong một ngõ nhỏ người dân chỉ cần đổ một bao cát, bao xi măng là thanh tra đến hỏi thăm ngay vậy tại sao giữa một vịnh, một cảnh quan như vậy chủ đầu tư xây dựng ảnh hưởng không chỉ cảnh quan mà cả tầng đáy biển lại không ngăn chặn từ đầu. Đó là yếu kém trong quản lý, có sự vô trách nhiệm trong quản lý ở đây.
“Theo tôi, Bộ Tài nguyên Môi trường, Tổng Cục Du lịch, Bộ Xây dựng cần vào cuộc để đánh giá lại xem tác động của việc vi phạm quy hoạch, vi phạm xây dựng, môi trường có tính huỷ hoại như vậy sẽ như thế nào. Đã đến lúc cần phải làm rất nghiêm túc vấn đề này. Không chỉ là nhắc nhở, không chỉ là đi tháo dỡ bởi tháo dỡ là tháo dỡ chỉ là phần hiện hữu nhưng ai trả lại những rặng san hô, ai trả lại cảnh quan, hệ sinh thái ở đây. Phải làm rõ trách nhiệm đó” – ông Tùng nêu ý kiến.
Clip: Toàn cảnh công trình không phép lấp đất đá lấn biển tại KDL đảo Hòn Tằm
Phong Vân
Lộ công trình không phép lấp đất đá lấn biển
Việc xây dựng các công trình không phép tại KDL đảo Hòn Tằm khiến đất, đá trong quá trình san lấp đã tràn xuống biển ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, hệ sinh thái rạn san hô bị hủy hoại, khó có khả năng phục hồi nguyên trạng…