Bộ Xây dựng: Sốt đất chính thức lắng xuống

Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) quý I/2021 trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các địa phương và các cơ quan liên quan.

Đánh giá về thị trường BĐS những tháng đầu năm nay, Bộ Xây dựng cho biết, các chỉ số cơ bản của thị trường bất động sản như: nguồn cung, lượng giao dịch, lượng vốn đầu tư, tín dụng, hoạt động của các doanh nghiệp vẫn duy trì sự ổn định. Trong các chỉ số của thị trường chỉ có chỉ số về giá bất động sản có nhiều biến động, giá bất động sản nhìn chung đều có tăng và có hiện tượng sốt đất nền cục bộ tại một số khu vực của các địa phương.

{keywords}
Tình trạng giá đất tăng nóng cục bộ tại một số địa phương chỉ diễn ra trong thời gian ngắn đến nay đã lắng xuống

Bộ Xây dựng chỉ ra rằng, giá giao dịch đất nền trong khu dân cư tại thời điểm nửa cuối quý I/2021, đặc biệt là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán đã xảy ra hiện tượng tăng nóng ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước như: Hà Nội (các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất,…), TP.HCM (TP. Thủ Đức), Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên), tỉnh Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn), tỉnh Ninh Bình (huyện Gia Viễn), tỉnh Bình Thuận (thành phố Phan Thiết và thị xã La Gi), tỉnh Bình Phước (huyện Hớn Quảng), tỉnh Quảng Trị (huyện Gio Linh),…

Cụ thể, tại Hà Nội, theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường thì một số khu vực đất đai người dân quản lý tại các vùng ven đô, quy hoạch nâng cấp lên quận đều bị đẩy lên tương đương 30 – 50 triệu/m2; bình quân các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20 – 30%.

Tại TP.HCM, giá nhà đất ở khu vực thành phố Thủ Đức liên tục tăng nhiều đợt từ trước thời điểm thành lập Thành phố đến nay (ví dụ trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng…,  vị trí đất mặt đường đã lên tới hơn 100 triệu đồng/m2 thậm chí gần 200 triệu; tại phường Trường Thọ, giá đất trước đây chỉ khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2 đã tăng lên tới 70 - 90 triệu đồng/m2 thậm chí 100 triệu đồng/m2).

Giá đất nền tại một số điểm cục bộ của một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao như: vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (46%), Bắc Ninh (20%), Hưng Yên (26%) và mới đây là Thanh Hóa; tại TP. Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP. Hồ Chí Minh; Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai,…

Tuy nhiên, Bộ này cũng cho hay, giao dịch chính thức được ghi nhận trên thực tế hầu như rất ít.

“Hình thức giao dịch tại các khu vực này chủ yếu là đặt cọc sau đó chuyển nhượng ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu mua” – Bộ Xây dựng nêu lên chiêu thức giao dịch.

Trong cơn sốt đất vào tháng 3 vừa qua tại Hạ Long (Quảng Ninh), theo lãnh đạo UBND TP Hạ Long có hoạt động “làm thị trường” của các nhóm đầu cơ có tổ chức, có kịch bản đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.

{keywords}
Nhiều căn biệt thự bỏ hoang ở khu đô thị Hà Phong (Mê Linh, Hà Nội)

Các đối tượng đầu cơ này đã âm thầm chuẩn bị mua đất tại các dự án trên từ trước với mức giá rẻ, sau đó lợi dụng thông tin về quy hoạch phát triển đô thị đã bằng mọi cách tung ra thị trường các tin gây “sốt” để đẩy giá đất tăng cao trong thời gian ngắn nhằm tạo “sóng ảo” về nhu cầu khiến giới đầu tư và người dân thấy bất động sản khu vực này đang giao dịch rất sôi động. Nhưng thực chất là các hoạt động mua đi bán lại với nhau trong chính các nhóm môi giới đang thao túng thị trường tạo ra các giao dịch “mồi” để dụ khách hàng.

Đến thời điểm này, Bộ Xây dựng nhìn nhận, tình trạng giá đất tăng nóng cục bộ tại một số địa  phương chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống sau khi chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các chỉ đạo, thông báo công khai cũng như cảnh báo tới các nhà đầu tư, người dân về quy hoạch, kế hoạch thực hiện, tình hình triển khai các dự án trên địa bàn (như thông tin quy hoạch sân bay Tec-nich tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại Đà Nẵng,…). 

Cuối tháng 4 vừa qua, tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2021 của Bộ TN&MT, ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng cho biết, sau khi các địa phương công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… tình trạng sốt đất đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

Siết phân lô bán nền, đẩy mạnh thanh kiểm tra

Nhìn nhận từ cơn sốt đất thời gian qua, Bộ Xây dựng cho rằng, mặc dù hiện tượng sốt đất nền mới chỉ diễn ra ở quy mô cục bộ của từng khu vực, dự án nhưng cũng cho thấy dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro của thị trường cần có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, cần có sự theo dõi kiểm soát và ngăn chặn, xử lý kịp thời của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương để tránh tình trạng lan rộng, mất kiểm soát, trở thành "bong bóng" BĐS.

Bộ này thông tin, trong thời gian tới, các Bộ, ngành tiếp tục khẩn trương hoàn thiện thể chế chính sách và triển khai có hiệu quả các chính sách, Nghị định mới ban hành về đầu tư, xây dựng, kinh doanh BĐS.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng hoàn thiện quy định pháp luật để công bố hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về đất đai, quản lý sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp,…không để chuyển nhượng trái pháp luật, sử dụng sai mục đích.

Ngân hàng nhà nước Việt Nam theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tránh rủi ro kép, ngăn chặn việc sử dụng nguồn vốn cho vay sản xuất, tiêu dùng vào đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Cùng với đó, các địa phương sẽ tổ chức công bố công khai thông tin về thị trường bất động sản, về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính,… để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi.

Đồng thời, có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, "phân lô, bán nền" tại các khu vực chưa được phép đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng.

Quản lý, kiểm soát việc mua đi, bán lại các giao dịch BĐS trao tay nhiều lần thông qua biện pháp quản lý tốt các tổ chức, cá nhân môi giới BĐS.

Các địa phương cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh BĐS không đúng quy định, nhất là các dự án "ma", không đủ hồ sơ pháp lý, không đủ điều kiện kinh doanh.

Đề xuất cần sớm đánh thuế bất động sản

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) để trị sốt đất, sốt giá nhà, Hiệp hội đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét áp dụng mức thuế suất rất cao nếu bán, chuyển nhượng lại nhà đất trong năm đầu tiên và giữ mức thuế suất cao trong năm thứ hai, thứ ba. Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà đất sau khi tạo lập được 3 năm hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng nhà đất là chính đáng thì áp dụng thuế suất bình thường.

Với người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở hoặc không sử dụng để sản xuất, kinh doanh thì chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Với người chậm đưa đất vào sử dụng cũng bị đánh thuế cao nhằm triệt tiêu ý chí "găm giữ" đất, chống đầu cơ đất đai. Trong trường hợp thị trường bất động sản bị đầu cơ thì có thể áp dụng thuế suất rất cao để triệt tiêu ý chí đầu cơ.

Ngoài ra, HoREA cũng nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính về việc cần thiết xem xét ban hành "thuế bất động sản" đánh trên giá trị nhà và đất. Hiện nay, người sở hữu nhà chưa phải nộp thuế tài sản nhà ở mà mới chỉ phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, trong đó có "đất ở", với thuế suất đối với "đất ở" trong hạn mức là 0,03% bảng giá đất, nên mức nộp thuế gần như không đáng kể.

Thuận Phong

Bộ Tài chính nói về đề xuất đánh thuế cao chặn đứng cơn sốt đất điên đảo

Bộ Tài chính nói về đề xuất đánh thuế cao chặn đứng cơn sốt đất điên đảo

Theo Bộ Tài chính, để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bất động sản thì việc nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách thuế liên quan là cần thiết, cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành.