Cụ Lê Xuân Hòa

Cuối năm, có việc lên phố Nguyễn Thái Học, thấy bày bán nhiều thư pháp, bỗng nhớ Cụ Lê Xuân Hoà, Nhà Thư pháp số 1 Việt Nam, người mà tôi có nhiều kỷ niệm khó quên. 

{keywords}
Cụ Lê Xuân Hoà, Nhà Thư pháp số 1 Việt Nam.

Hồi năm 1999, anh bạn thân người Thanh Hoá chơi với nhau từ năm 1973, khi học cùng trường ở Moskva, rủ: “Ông là dân chữ nghĩa, tôi đưa ông tới gặp Cụ Lê Xuân Hoà, hợp duyên, Cụ cho chữ về treo cho đẹp nhà”.

Chiều chủ nhật, tôi theo anh đến khu tập thể Nguyễn Công Trứ, đi qua khu Chợ Nguyễn Công Trứ luộm thuộm, đủ thứ mùi, leo lên cầu thang cũ kỹ, tróc vữa vào nhà. Chào. Cụ không ngẩng mặt, chỉ đáp ậm ừ, vẫn cặm cụi viết.

Nhìn Cụ quắc thước, râu bạc phơ, đôn hậu, đang viết thư pháp trên tờ giấy duplex khổ rất lớn, tráng phấn một mặt.

Do có thời gian làm trong Bộ Công nghiệp nhẹ, có hiểu biết về giấy, tôi thắc mắc: sao Cụ lại viết trên giấy tráng phấn? Cụ ngưng viết, bỏ bút, nhìn và hỏi, thế anh bảo tôi viết giấy gì?

Tôi nói một lèo: Cháu vừa tới, chưa biết gì, nhưng thấy Cụ viết thư pháp mà trên giấy này là không phù hợp. Duplex tráng phấn một mặt là giấy mới, thường dùng in bao bì, không hút mực, nên Cụ viết ào ào như múa, chữ đẹp, nhanh như vậy, có lẽ để bán chứ không để chơi. Ngoài ra, mực Cụ đang dùng, tốt, nhưng cũng không hợp.

“Ơ cái anh này, tốt nhưng không hợp là sao? Tôi viết chữ bao năm, cho chữ bao người, toàn người cao sang, tôi sống được bằng chữ, chưa ai chê chữ tôi, chê tôi viết, có anh là người đầu tiên”, Cụ nhìn tôi nói.

Tôi nhã nhặn đáp, cháu không dám chê chữ Cụ, cũng như Cụ viết, vì cả 2 đều có một không hai, cái cháu nói là giấy và mực Cụ dùng. Đúng ra mực phải là mực thỏi, dùng đến đâu mài đến đó ra cái đĩa sành, ai lại dùng mực bình sản xuất công nghiệp đổ ra bát thế này.

Cụ xuôi xuôi, “tôi chịu anh. Anh là người hiểu biết. Cậu này (Cụ chỉ vào anh bạn đi cùng) dẫn anh tới tôi, anh phải là người tư cách lắm”.

Tôi đáp, cháu với anh đây học với nhau từ hồi ở Liên Xô, khi mới 18, 20 tuổi. Mấy chục năm thân thiết, về nước, cháu làm ở điện than, mỏ than, công nghiệp nhẹ, công nghiệp, nay làm ở Văn phòng Chính phủ. Cháu là con nông dân, muốn theo kịp người phải cố gắng hết sức. Mấy câu cháu thưa với Cụ cũng xuất phát từ tâm nguyện, ý thức thật thà, dân dã, Cụ đại xá.”

Nghe xong, Cụ bảo, “mấy chữ tôi đang viết là cho mấy anh lãnh đạo cấp cao đấy. Thư ký của các anh ấy tới nhờ viết, ít thấy họ trực tiếp đến xin chữ như anh. Cũng chưa thấy ai nói chuyện như anh. Thôi, nay tôi không viết nữa, ngồi nói chuyện với anh cho mới người.”

Hôm đó, tôi và Cụ hàn huyên đủ thứ trên đời. Khi về, Cụ dặn, năng qua chuyện trò. Chủ nhật sau tới để Cụ cho chữ, cho chữ cả con cái nữa. Tôi hứa sẽ tới, mang cả giấy gió và mực thỏi đến để Cụ cho chữ. Cụ gật đầu bảo, anh khá lắm!

Tôi lập tức lùng tìm giấy gió hoặc giấy bản khổ lớn và mực tầu thỏi. Mực kiếm dễ. Giấy thì khó vô cùng.

Lên Hồ, về Làng tranh cổ ven sông hỏi thì mới biết giấy gió không làm được khổ lớn, tối đa chỉ 40cm, mà giờ cũng chẳng ai làm nữa. Nhưng giấy bản có thể tìm ở phố cổ, may thì có khổ lớn.

Lên Hàng Đào, tôi đi bộ hết chẵn sang lẻ mà cũng không có. Hôm sau, vẫn thất vọng. Tận chiều thứ sáu có ông gọi điện báo: “thấy rồi, một chiều 50, một chiều 80 cm”. Bạn kể, người bán bảo, từ khi bán giấy bản đến giờ mới có người mua hết sạp, khổ này nằm lay lắt bao lâu nay, chẳng ai hỏi đến.

Tâm trong trong bình ngọc 

{keywords}
Chữ TÂM

Chủ nhật, sẵn sàng giấy mực, tôi và anh bạn đến gặp Cụ Hòa.

Hào hứng mở cuộn giấy, tôi khoe, cháu có 10 tờ. Nhìn mấy tờ giấy khổ lớn, cụ bảo, anh làm khó tôi rồi, dễ chục năm nay tôi không làm thư pháp trên loại giấy này. Anh có tâm, tôi cho anh chữ TÂM, nhưng chữ TÂM tôi cho có ý khác chữ TÂM tôi cho người khác.

Tôi nài, cháu mài mực để Cụ viết nhé. Cụ xua tay, cái đứa pha nước vừa rồi, lâu nay nó vẫn mài mực giúp tôi, nó thạo hơn anh, để nó làm.

Hóa ra lâu nay, Cụ vẫn dùng mực thỏi!

Trải chiếu xuống sàn gạch men, cẩn thận lót mấy tờ carton, cầm bút lông nét nhỏ, từng nét chữ bay ra theo tay Cụ. Hàng bên trái từ trên xuống viết trước, hàng dưới từ phải qua trái viết thứ hai, hàng bên phải từ trên xuống viết thứ ba.

Thú thật, tôi chưa bao giờ chứng kiến ai viết chữ nho đẹp, phóng khoáng, cao sang đến thế. Nghĩa của các dòng, mình mù tịt, nhưng không hỏi, sợ ảnh hưởng đến tập trung.

Cụ lấy bút lông nét to, quệt đậm mực rất kỹ, tay trái kéo ống tay áo phải, dồn tâm lực vào bút, nét đầu tiên trên giấy, đậm mực, giấy co lại, rách miếng cỡ 2 ngón tay.

Cụ thở dài, buông bút, hỏng rồi. Tiếc quá, phí công 3 dòng nhỏ đẹp!

Lấy tờ khác, lại bắt đầu từ bên trái, dưới, rồi bên phải, những con chữ, lạ, giống hệt trước, mình tự nhủ đang đứng trước bậc kỳ tài trong thiên hạ và băn khoăn có phiền Cụ không? Chữ TÂM, được hai nét, lại hỏng.

Thở dài. Cụ nhấp chén chè, vẻ suy tư.

Lát sau, Cụ quả quyết, giờ nhất định được, biết sao rồi.

Các thao tác lại lặp lại, đến chữ TÂM, tôi thấy lần này Cụ như đưa bút nhẹ hơn và cái phẩy tay cũng dứt khoát hơn, mực không đọng rách giấy, nhưng vẫn làm co giấy tạo ra những nếp nhăn ảo diệu.

Xong. Thở phào.

Cụ bảo, tôi trọng cái tâm của anh. Chữ tôi cho anh nghĩa ở dòng ngang bên dưới là: Một cái Tâm trong trong bình ngọc. Còn dòng bên trái là: Thanh Hoằng Khê Lê Xuân Hoà tự; nghĩa là ông Lê Xuân Hoà ở Làng Phú khê Huyện Hoằng Khuê Tỉnh Thanh Hoá viết. Dòng bên phải là tặng Phạm Viết Muôn năm Kỷ Mão.

Cảm kích về chữ, nghĩa Cụ cho với tấm lòng của Cụ đối với tôi, người mới gặp, ôm chặt Cụ, nước mắt rưng rưng. Tôi thưa muốn được biếu Cụ chút tiền để chè nước, mong Cụ chấp nhận. Cụ bảo tôi thấy tâm anh rất trong, tôi nhận, nhưng ít thôi.

Chữ TÂM Cụ Lê Xuân Hoà cho, từ năm 1999 đến nay, tôi luôn treo trang trọng, chính giữa phòng khách và luôn sống đúng với nghĩa của chữ TÂM ấy.

Nhưng, năm ngoái (2018), một người bạn rất giỏi tiếng Trung đến chơi, xem chữ TÂM Cụ Hoà viết, đọc nghĩa các dòng, anh khen hết lời.

Nghe anh lẩm bẩm, tặng Phạm Viết Muôn năm Tân Mão, tôi giật mình cãi, Kỷ Mão chứ, năm 1999 là kỷ Mão, Cụ Hoà cũng đọc tôi nghe là Kỷ Mão, sao lại Tân. Mở lịch, tra, đúng 1999 là Kỷ Mão, còn Tân Mão gần là 1951 và 2011. Năm 1951 thì tôi chưa ra đời, còn năm 2011 thì không thể vì Cụ mất năm 2008.

Nghĩ mãi! Hóa ra trong đầu Cụ lúc đó nghĩ là Kỷ, nói là Kỷ, nhưng viết lại là Tân. Còn tôi lâu nay tôi cứ coi chữ Tân là chữ Kỷ!

Giờ Cụ đã ra người thiên cổ. Tôi có thêm một kỷ niệm với Cụ Lê Xuân Hòa mới được phát hiện ra, thú vị thật!

Ngẫm kỹ thì thấy đúng thật! Những chuyện tâm phải là cơ duyên, phải có tâm, tâm sáng thì Tân Mão vẫn là Kỷ Mão, trắng có nói là đen thì vẫn trắng. Hay nói như Lermantov: Tượng thờ dù đổ vẫn thiêng; Miếu thờ bỏ vắng vẫn nguyên Miếu thờ.

Trong thời khắc năm cũ sắp qua, năm mới đang tới, tôi viết lại những kỷ niệm này như một nén nhang thơm, thành kính dâng lên bàn thờ Cụ Lê Xuân Hòa, nhà thư pháp tài hoa.

Phạm Viết Muôn 


Thời thơ ấu, được thân phụ là cụ tú kép Lê Duy Bá rèn cặp, Lê Xuân Hòa đã trở thành người viết chữ đẹp nhất làng.

Cứ mỗi dịp xuân về, nhiều người lại tìm đến với cụ để xin một chữ "phúc", một chữ "đức", một chữ "tâm", một chữ "nhẫn"... được viết từ nét bút tài hoa của Lê Xuân Hòa, và trang trọng treo trong nhà để răn dạy bản thân và gia quyến hãy hướng theo những điều tốt đẹp.

Nhà sư Mạn Ðà La từ nước Pháp về xin Cụ viết cho bốn chữ chân Trúc lâm thiền viện và câu đối Nôm của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn để khắc lên gỗ, treo tại ngôi chùa của người Việt Nam tại Thủ đô Paris của nước Pháp.

Năm 1990, NXB Khoa học Xã hội xuất bản toàn tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1991, NXB Ngoại văn dịch Nhật ký trong tù sang tiếng Pháp và năm 1992, tiếp tục dịch sang tiếng Anh. Cả ba lần xuất bản này cụ đều đảm nhận trách nhiệm chép 133 bài thơ chữ Hán trong tập thơ của Bác Hồ.

Tết Quý Dậu (1993), tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, vui mừng trước sự đổi thay của đất nước, cụ viết bốn chữ lớn Quốc phú dân cường tặng Tổng Bí thư Ðỗ Mười và bốn chữ Quốc phú dân an tặng Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh.

Các lớp học chữ Hán - Nôm được mở tại nhà cụ ở làng Hoàng Mai. Học trò đến lớp tự nguyện, vẫn giữ lễ theo nếp xưa và không đóng học phí.

Nhà văn, nhà thư pháp Giả Ðồng Huy của nước bạn Trung Quốc, khi đến thăm Việt Nam đã vẽ tặng cụ bức tranh với dòng chữ "Kính trình cụ Lê Xuân Hòa đại sư" để ca ngợi và tỏ lòng kính trọng.

Năm 2005, Ban Chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phong tặng nhà thư pháp Thanh Hoằng Khê - Lê Xuân Hòa danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian.