Việc Mỹ và Trung Quốc thiếu khả năng tự sản xuất chất bán dẫn trong nước là một nguy cơ đáng lo ngại trong bối cảnh thiếu hụt nguồn bán dẫn đang diễn ra trên toàn cầu.

Mỹ và Trung Quốc đang tiến hành một cuộc chiến công nghệ trên nhiều mặt trận nhưng cả hai cường quốc này đều đã tìm thấy một điểm chung đó là việc thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn. Điều này đã gây ra nhiều tác động đến phát triển kinh tế của cả hai quốc gia.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Joe Biden cầm một tấm silicon khi ông tham gia Hội nghị thượng đỉnh CEO về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và chất bán dẫn tại Nhà Trắng, ngày 12/4/2021. Ảnh: AP

Phát biểu trước một phiên điều trần tại Thượng viện diễn ra vào ngày 20/4 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho rằng, đất nước đang đối mặt với “cuộc khủng hoảng” do thiếu khả năng sản xuất chất bán dẫn, sự thiếu hụt này gây “rủi ro cho an ninh quốc gia và rủi ro cho an ninh kinh tế”.

Và để hỗ trợ đầu tư vào sản xuất chất bán dẫn trên đất Mỹ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã lên kế hoạch chi 50 tỷ USD cho lĩnh vực bán dẫn trong gói tái cấu trúc cơ sở hạ tầng và khôi phục nền kinh tế trị giá 2 nghìn tỷ USD.

Tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại Mỹ được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Huang Libin, một quan chức của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cho biết trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng, Trung Quốc sẽ khuyến khích các tổ chức tư nhân và nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn để củng cố chuỗi cung ứng. Bộ cũng đang cố gắng tổng hợp thông tin nhu cầu chip từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc để giúp họ tìm kiếm nhà cung cấp.

Các tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang cố gắng tăng cường khả năng tự chủ trong các ngành công nghiệp bán dẫn của họ và trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chip bán dẫn cho xe hơi trên toàn cầu hiện đã lan sang các sản phẩm điện tử tiêu dùng.

Mỹ được xem là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về thiết kế chip bán dẫn và sản xuất phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) nhưng đang bị tụt hậu về sản xuất chip bán dẫn, trong khi Trung Quốc đang phải vật lộn để cắt giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu các mạch tích hợp (IC) tiên tiến.

Theo một báo cáo của công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG) và Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) thì Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia lớn nhất thị trường bán dẫn, mỗi quốc gia chiếm 25% lượng bán dẫn tiêu thụ trên toàn cầu.

Báo cáo cho biết rằng, để cung cấp đầy đủ chuỗi cung ứng bán dẫn nhằm có thể đáp ứng mức tiêu thụ chất bán dẫn hiện tại của mỗi quốc gia thì cần phải đầu tư trực tiếp ít nhất 1 nghìn tỷ USD, điều này làm tăng chi phí của các vi mạch thành phẩm lên 65% và cuối cùng dẫn đến giá thành sản phẩm điện tử cao hơn.

Trong những năm gần đây, cả Mỹ và Trung Quốc đều phụ thuộc chủ yếu vào công ty đúc bán dẫn hàng đầu thế giới TSMC của Đài Loan trong việc sản xuất chất bán dẫn. Đây là công ty chuyên sản xuất chất bán dẫn cho các công ty công nghệ Mỹ như Apple, Intel, AMD, Nvidia và Qualcomm.

Mặc dù các công ty công nghệ trên của Mỹ vẫn kiểm soát tài sản trí tuệ của chip bán dẫn và có quyền truy cập vào phần mềm EDA, nhưng họ phải thuê TSMC chế tạo các tấm silicon để tiết kiệm chi phí.

Trong khi đó, báo cáo của BCG-SIA cho biết, các công ty sản xuất chip bán dẫn nội địa của Trung Quốc vẫn tụt hậu so với các công ty khác trên toàn cầu và phụ thuộc vào công nghệ có nguồn gốc nước ngoài để thiết kế và sản xuất chất bán dẫn.

Nỗ lực tự cung tự cấp chip bán dẫn của Trung Quốc đã được đẩy mạnh sau khi Mỹ tận dụng vị thế thống trị của mình trong lĩnh vực bán dẫn để làm tê liệt gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc, cấm họ mua các loại chip bán dẫn thương mại và dịch vụ sản xuất tấm wafer tại các xưởng đúc như TSMC.

Phan Văn Hòa (theo SCMP)

Áp lực của nhà sản xuất Đài Loan tại “Hồng Môn yến” ngành bán dẫn

Áp lực của nhà sản xuất Đài Loan tại “Hồng Môn yến” ngành bán dẫn

Sự thiếu hụt chip ô tô đã lan rộng sang các ngành nghề sản xuất khác, khiến TSMC buộc phải chịu sức ép lớn tại hội nghị thượng đỉnh do Tổng thống Biden tổ chức.