Chị Chal Thi |
Thạch Thị Chal Thi (31 tuổi, ở huyện Tiểu Cần, Trà Vinh) sinh ra trong gia đình nông dân. Tuổi thơ của chị là những ngày chăn vịt, cấy lúa... trên đồng. Cũng như nhiều nông dân khác ở huyện Tiểu Cần, bố mẹ chị quanh năm bám trụ trên những cánh đồng nhưng không đủ ăn, cảnh thiếu thốn vẫn bủa vây họ.
“Do miền Tây chịu biến đổi khí hậu nặng nề như đất phèn, nước mặn, thời tiết khắc nghiệt nên năng suất nông nghiệp rất thấp. Khi lúa chín, chỉ cần một trận mưa gió đổ ào xuống là lúa bị ngã rạp. Ngập nước, máy không thể vào gặt. Trong khi đó giá thuê người gặt quá cao, nếu thuê cũng chỉ đủ tiền vốn. Người dân làm để giữ ruộng chứ không thể đủ ăn”, chị nói.
Năm 2006, nhiều người dân trong đó có bố mẹ chị Chal Thi chuyển đổi mô hình sử dụng đất từ trồng lúa sang trồng dừa.
Nếu như trồng dừa ở đất Bến Tre, người dân có thể thu trái sau 4-5 năm thì ở Trà Vinh, đất không có nhiều phù sa nên sau 7 năm mới có thể thu trái.
Trong 7 năm đó, để có thu nhập, người dân vẫn tiếp tục các công việc làm ruộng, nuôi vịt để kiếm sống.
Đến thời điểm thu hoạch dừa, người dân lại một lần nữa lao đao khi giá dừa rất bấp bênh. Có những năm dừa rớt giá, thương lái không vào mua, người dân bỏ không cả vườn không buồn hái.
“Nếu muốn thu hoạch, chúng tôi phải thuê người hái. Tiền thuê hái nhiều hơn tiền bán vì 12 trái dừa chỉ bán được 20 ngàn đồng. Với mức giá đó, người dân để mặc cho dừa rụng đầy gốc, mọc mầm… nhìn rất xót xa”, chị cho biết.
Trà Vinh là vựa dừa lớn thứ 2 cả nước. |
Cảnh nghèo khó là động lực để cô gái dân tộc Khmer học tập. Chị là một trong số ít những người ở vùng quê này bước vào giảng đường đại học.
“Mình muốn ra ngoài để học hỏi thêm nhiều thứ, mình muốn làm gì đó để thay đổi cuộc sống quanh năm nghèo đói”, chị nói.
Thời gian học tại ĐH Sư phạm TP.HCM, chị vừa học vừa làm. Những ngày lễ Tết hay nghỉ hè, chị không về quê mà ở lại thành phố làm thêm.
“Dịp này, các công ty thường trả lương cao hơn ngày thường do thiếu người. Tôi làm đủ các việc như công nhân, nhân viên trong cửa hàng thực phẩm… để có tiền trang trải chi phí”.
Tốt nghiệp đại học, chị tiếp tục theo học Thạc sỹ Công nghệ thực phẩm tại ĐH Bách Khoa TP.HCM. Ra trường, Chal Thi làm cho các tập đoàn lớn với mức thu nhập ổn định. Năm 2015, chị kết hôn với anh Phạm Đình Ngãi, giảng viên một trường cao đẳng. Họ quen nhau 8 năm trước khi về chung một nhà.
Mặc dù làm ở TP.HCM nhưng vợ chồng chị Chal Thi đều mong ước có ngày được trở về quê hương.
“Lớn lên ở vựa dừa, tôi rất yêu loài cây này. Tôi dự định năm 40 tuổi sẽ trở về quê nghiên cứu để tạo ra sản phẩm từ dừa của riêng mình. Không ngờ dự định đó lại đến sớm hơn dự tính từ một sự cố vào cuối năm 2017”, chị nói.
Đó là cuộc điện thoại của bố chị Chal Thi khi giá dừa rớt thảm hại. Thương người nông dân trồng dừa và xót xa cho giá trị loại cây này, chị đã trở về quê, bắt tay tìm ra loại sản phẩm riêng biệt để nâng cao giá trị cây dừa.
Sau 1 năm 9 tháng, mật hoa dừa tươi đã được vợ chồng chị đưa ra thị trường.
Công nhân thu mật từ hoa dừa. |
Thời điểm tìm mật hoa dừa, chị Chal Thi đang mang thai. Suốt tháng đầu thai kỳ cho đến lúc gần sinh, chị đi khắp nơi để nghiên cứu thị trường, nghiên cứu cách tạo ra sản phẩm.
"Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi lại vỡ òa khi biết được đây còn là một ngành nghề truyền thống của người Khmer xưa đã bị thất lạc từ rất lâu. Điều này càng khiến chúng tôi quyết tâm phải nghiên cứu và dấn thân vào để góp phần khôi phục lại ngành nghề truyền thống tại địa phương’’, chị kể.
“Sinh con được 9 ngày, tôi lại tiếp tục vào guồng quay công việc. Hiện, mỗi buổi sáng tôi đều bắt đầu từ lúc 6h bằng việc đi kiểm tra vùng nguyên liệu, buổi chiều tôi xem thị trường, các đơn hàng. Công việc nhà máy kéo dài đến 12h đêm, đó cũng là lúc chúng tôi mới được nghỉ”, chị nói.
Đây cũng được xem là doanh nghiệp đầu tiên trên thị trường Việt sản xuất và chế biến các sản phẩm từ mật hoa dừa, hoàn toàn tự nhiên và giữ bản sắc địa phương.
Hiện sản phẩm của chị (mật hoa dừa cô đặc, mật hoa dừa tươi, đường hoa dừa, mứt dứa mật hoa dừa…) đã phân phối trên 20 tỉnh, thành và có mặt trên sàn thương mại điện tử Amazon, Alibaba và đại lý tại Nhật Bản.
Nhưng điều khiến chị Chal Thi hạnh phúc nhất là không chỉ giúp chính mình, chị còn giúp được cộng đồng.
Chị liên kết với 10 hộ dân quanh vùng để lấy mật dừa bằng cách hướng dẫn, chuyển giao công nghệ thu mật cho họ. Ngoài ra, chị tạo công ăn việc làm cho gần 20 công nhân với mức lương trên 5 triệu đồng/tháng.
“Tôi rất hạnh phúc khi trở thành người truyền cảm hứng cho những người phụ nữ muốn khởi nghiệp.
Tôi biết, phụ nữ ở các vùng quê phải chịu nhiều thiệt thòi. Không ít người phải nghỉ việc, chăm lo cho con cái, gia đình vì vậy họ phải sống phụ thuộc. Tôi mong, họ có thể tự lực cánh sinh vừa lo cho gia đình vừa có thu nhập để nuôi bản thân và thực hiện điều mình đam mê”, chị nói.
Mát xa hoa dừa, người phụ nữ Trà Vinh thu nửa tỷ mỗi tháng
Từ cuộc gọi “cầu cứu” của cha, chị Chal Thi từ Sài Gòn về Trà Vinh bắt tay tìm ra loại mật để “giải cứu” những mùa dừa rớt giá.
VietNamNet khởi động bình chọn “Nhân vật truyền cảm hứng 2020”
14 nhân vật được chọn trong danh sách đề cử “Nhân vật truyền cảm hứng 2020” xuất hiện trên VietNamNet, có đóng góp thiết thực, đôi khi là quyết sách táo bạo. Mời độc giả bình chọn tại đây.
Ngọc Trang