- Lân la bên ngoài phòng thi trong những ngày thi đại học vừa qua, chúng tôi được nghe nhiều nỗi lòng đầy mâu thuẫn của những người làm cha làm mẹ. Kể về sự kỳ vọng với con trai mình, một ông bố thốt lên: “Nó không thi được thì "chết” với tôi!". Xong rồi, lại ngậm ngùi: Nhưng nó được thì thì tôi cũng “chết” với nó”.


{keywords}

Nhặt từng cân thóc lấy tiền đi thi

Đợi con gái làm bài thi vào Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), bác Nguyễn Thị Hảo (54 tuổi, quê Bình Giang, Hải Dương) như ngồi trên đống lửa.

Bác bảo: “Con cái học hành vất vả 12 năm, thi cử quyết định trong vài tiếng đồng hồ, không sốt ruột sao được? Làm cha làm mẹ, không thi hộ được cho con, chỉ có thể động viên tinh thần nó thôi”.

Vợ chồng bác Hảo đều làm nông nghiệp, chồng làm thêm nghề phụ hồ những lúc nông nhàn nhưng kinh tế gia đình khá khó khăn. Bác sinh hạ được 3 người con, cô con gái lớn năm nay thi đại học, 2 thằng con trai kế tiếp thì ốm dặt ốm dẹo, uống thuốc nhiều hơn cả ăn cơm hàng ngày.

Con gái lớn học hành sáng dạ, được thày cô, bạn bè ngợi khen nên hai bác cũng cố gắng cho con được đi thi đại học, mong rằng tương lai con sán lạn, bằng bạn bằng bè. Xác định lên Hà Nội thi cử là tốn kém nên bác Hảo cùng chồng đã cố gắng dành dụm tiền cả năm trời, nhặt nhạnh từng mớ rau đến quả trứng gà đem bán để có tiền cho con đi thi.

{keywords}

Bác bảo: “Vụ lúa vừa rồi, tôi đi gặt thuê gặt mướn cho người ta cũng được dăm bảy trăm nghìn. Hết người thuê, tôi lại đi mót lúa. Mỗi ngày, chịu khó nhặt nhạnh cũng được khoảng chục cân thóc, cả mùa mót cũng được gần tạ thóc, kiếm thêm vài trăm nghìn đưa cháu đi thi”.

Người mẹ lam lũ giãy bày: “Đời tôi khổ, cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc nhưng tôi mong con cái tôi được đổi đời, khổ mấy tôi cũng chịu. Làm sao cháu cứ thi cử cho tốt là tôi vui rồi”.

Không kể nhiều về những khó khăn của gia đình, chú Trần Văn Tú (48 tuổi, quê Kim Bảng, Hà Nam) làm thợ xây nói về con mình với niềm tự hào dâng đầy trong ánh mắt.

Chú kể, nhà chú nghèo nhưng may mắn là con cái học hành đến nơi đến chốn. Con gái lớn là học sinh giỏi nhiều năm liền, học lớp chọn trường chuyên, tham gia nhiều hoạt động đoàn, đội. Năm nay cũng thi đại học.

Cậu con trai thứ đang học lớp 8 khá ngoan ngoãn, chăm chỉ, học hành tốt. Chú bảo: “Con cái là tài sản lớn nhất của đời người, tôi không giàu có nhưng được cái con cái ngoan, học hành tốt, thế là mãn nguyện rồi”.

Trong thời gian ôn thi đại học, cô con gái lớn vẫn giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà, dạy em học, thậm chí có buổi nghỉ vẫn đi cấy, đi gặt giúp vợ chồng chú. Chú động viên con nghỉ ngơi, ôn thi cho tốt nhưng cô bé vẫn nhất quyết ra đồng làm việc cùng bố mẹ.

Dõi ánh mắt về cổng trường thi, chú hồi hộp: “Không biết ở trong đó, nó làm bài có tốt không”?

“Không biết có nuôi được không?”

{keywords} 

Nói về các con, tự hào về các con nhưng không ít phụ huynh tỏ ra lo lắng khi nghĩ đến ngày con mình đỗ đạt.

Cùng cảnh nghèo khó, cô Vũ Thị Liên ( 45 tuổi, quê Vụ Bản, Nam Định) tỏ ra bồn chồn: “Lúc cháu đi thi, tôi cũng chẳng o ép, chỉ động viên cháu nó làm bài cho tốt, được thua thì bàn tính sau. Mình đi buôn còn có ngày lỗ ngày lãi, các cháu nó thi cử cũng có điều nọ điều kia, học tài thi phận. Nhưng vợ chồng tôi tính rồi, nếu nó đỗ đại học, vợ chồng tôi chắc vất vả nhiều”.

Cô Liên tính toán, nhà ở quê có mấy sào ruộng, cấy hái quanh năm không đủ ăn, chưa nói đến tiền phân bón, thuốc sâu. Nếu con đỗ đại học, vợ chồng cô dự tính sẽ đi làm ăn xa, kiếm tiền mỗi tháng trang trải việc học hành cho con. Cô nói: “Học ở Hà Nội phải tiêu dùng nhiều, cái gì cũng đắt đỏ, không có tiền thì không sống được. Đi làm ăn xa nhà, thiếu thốn đến mấy vợ chồng tôi cũng chịu, miễn là cháu nó đỗ đạt, học tốt”.

Đồng quan điểm với cô Liên, chú Đặng Văn Hòa (56 tuổi, Thái Thụy, Thái Bình) tỏ ra cứng rắn: “Cho con đi thi đại học mà lo ngay ngáy, nó mà đỗ rồi thì không biết có nuôi được nó không? Bố con nói chuyện vui với nhau, nó bảo nó không thi được đại học thì nó “chết” với tôi, nhưng thi được thì tôi “chết” với nó. Mà “chết” thật đấy, mỗi tháng mấy triệu bạc, nhà nông tiền đâu mà nuôi. Nhưng nó không đỗ thì nó làm gì, rồi ở nhà lang thang à? Mình lại càng “chết” hơn”.

  • Khổng Chiêm

NGƯỜI NGHÈO VÀ CÁNH CỬA ĐẠI HỌC