Trần Quốc Đạt hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Vật lý năng lượng cao tại Đại học Houston (Mỹ). Trước đó, Đạt ừng đi du học từ thời phổ thông, có bằng cử nhân tại một trường Liberal Arts.
Cậu cũng từng giành học bổng tiến sĩ tại 8 trường đại học của Mỹ là Đại học Ohio, Đại học Houston, Đại học Rutgers, Đại học Colorado State, Đại học Kentucky,… Cuối cùng, 9X lựa chọn theo đuổi chương trình tiến sĩ kéo dài 5 năm tại Đại học Houston.
Trần Quốc Đạt - Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Vật lý năng lượng cao tại Đại học Houston (Mỹ).
“Học tiến sĩ rất cạnh tranh”
Đạt nói, trước khi đưa ra quyết định sẽ học lên tiến sĩ, bản thân cậu cũng từng phải đắn đo rất nhiều. “Nhiều người khuyên tôi nên đi làm một vài năm đã, sau đó hãy quyết định có nên học tiếp hay không, bởi việc theo đuổi học vị tiến sĩ cần phải có một cam kết dài hạn. Rất có thể, khi bạn bè đã ổn định và có hướng đi rõ ràng cho sự nghiệp, mình vẫn còn đang theo đuổi một đề tài không hồi kết và chưa chắc đã cho ra một kết quả khả quan”.
Tuy nhiên, vốn yêu thích nghiên cứu lĩnh vực Vật lý năng lượng cao, Đạt vẫn quyết định đi theo con đường này.
Vừa vào năm thứ nhất bậc tiến sĩ, cậu nhanh chóng nhận ra, không chỉ riêng ngành Vật lý, các ngành STEM và khoa học kỹ thuật nói chung đều có sự cạnh tranh rất cao.
“Tôi từng làm việc trong cùng phòng lab với một đồng nghiệp đã tốt nghiệp tiến sĩ từ rất lâu và làm chuyên môn rất giỏi. Nhưng một ngày đẹp trời, phòng lab quyết định cắt giảm nhân sự và ông bị cho ngưng hợp đồng. Lúc đó, tôi cũng rất băn khoăn về con đường lựa chọn của mình”, Đạt nói.
Theo Đạt, khác với lầm tưởng của nhiều người, thực tế cơ hội nghề nghiệp của những nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp có thể bị thu hẹp hơn so với những người có tấm bằng thạc sĩ, cử nhân.
Bởi lẽ, sau khi tốt nghiệp, các tiến sĩ thường tham gia vào những tổ chức nghiên cứu hay trở thành giảng viên đại học. Nhưng hàng năm, số lượng tốt nghiệp thường nhiều hơn các vị trí mà những tổ chức này cần tuyển dụng. Do đó, cơ hội việc làm cũng bị thu hẹp lại và các vị trí công việc đều rất cạnh tranh, thậm chí trên quy mô toàn cầu.
Đó cũng là lý do khiến Đạt quyết định ngoài nghiên cứu còn làm thêm một công việc kinh doanh khác liên quan đến phát triển các chương trình đào tạo.
“Ở ngành Vật lý nói riêng và các ngành khoa học nói chung, mọi người thường rất định kiến với chuyện vừa nghiên cứu, vừa đi làm một công việc khác không liên quan ở bên ngoài. Nhưng chuyện một người có kinh nghiệm làm việc lâu năm bỗng nhiên mất đi công việc yêu thích chỉ trong thời gian ngắn đã khiến tôi quyết định mình phải làm thêm một điều gì đó.
Điều này cũng xuất phát từ mục tiêu của tôi khi làm nghiên cứu là phải tận tâm, tận lực với nó bằng niềm đam mê và có thể trao đi giá trị cho người khác. Do đó, tôi không muốn vì tiền bạc mà không thể toàn ý với khoa học.
Tất nhiên, với một người trẻ, thẳng thắn mà nhìn nhận, kinh nghiệm nghiên cứu còn chưa đủ mạnh. Chấp nhận đi theo con đường này cũng phải xem đây là một kế hoạch dài hạn và sẽ tốn nhiều thời gian”.
Để cân bằng giữa hai công việc một lúc, mỗi ngày, Đạt đều có lịch làm việc cụ thể và quản lý thời gian hiệu quả.
“Tôi coi việc học tiến sĩ giống như một công việc toàn thời gian. Vì thế, tôi luôn cố gắng hoàn thành công việc vào lúc 6 giờ chiều, sau đó là khoảng thời gian 2 – 3 tiếng cho việc kinh doanh. Áp lực chắc chắn là có, thậm chí có lúc cao điểm, tôi chỉ ngủ 4 - 5 tiếng/ ngày.
Nhưng tôi đã học được một điều từ thầy tôi, rằng những người trẻ ở tuổi 20 – 30 không nên nghĩ đến chuyện chơi quá sớm. Phải hy sinh và học hỏi, tới 30 – 40 tuổi mình mới có được những thứ mà người khác mơ ước”.
Lợi ích trong thời gian làm nghiên cứu sinh
Trước khi làm nghiên cứu sinh, Đạt từng có suy nghĩ, “trong 2 năm đầu chỉ cần tập trung vào việc học, nghiên cứu và được trả tiền”. Nhưng theo cậu, đây là một suy nghĩ sai lầm.
“Ở nhiều nơi thường xem người học tiến sĩ giống như những nhân viên của trường hơn là một sinh viên. Do đó, những nghiên cứu sinh vẫn phải tham gia vào các tiết giảng dạy, chấm bài, soạn giáo án. Có nghĩa rằng, ngoài công việc nghiên cứu, nghiên cứu sinh vẫn còn nhiều nhiệm vụ khác nữa”.
Nhưng bù lại, theo Đạt, họ cũng sẽ nhận được một mức lương ổn định hàng tháng cùng một số phúc lợi khác như tiền bảo hiểm, chi phí đi lại,… và có thể sống đủ trong suốt quãng thời gian làm nghiên cứu sinh mà không phải lo lắng nhiều về mặt tiền bạc.
9X cho biết, thực tế, mức lương trung bình của một nghiên cứu sinh năm nhất tại Mỹ hiện nay khoảng 2.000 – 2.200 USD, trong khi tại một số bang mức sống có thể lên tới 3.000 – 4.000 USD. Mức thu nhập có thể sẽ tăng dần trong những năm tiếp theo dựa trên kinh nghiệm và năng lực.
Khoản thu nhập này, ngoài đến từ những công việc giảng dạy, nghiên cứu ở trường, còn đến từ những khoản học bổng có thêm của chính phủ hoặc từ những nguồn tài trợ của các đơn vị, tổ chức bên ngoài,…
Đây là một mức thu nhập, theo Đạt là không thấp, giúp nghiên cứu sinh có thể sống được và toàn tâm với việc lĩnh hội kiến thức chuyên ngành.
Quốc Đạt trong một buổi đi làm trợ giảng tại đại học Mỹ
Một lợi ích khác nghiên cứu sinh có được trong quá trình học tiến sĩ là cơ hội được đi tới nhiều nơi, có nhiều trải nghiệm tại các hội nghị, hội thảo để trình bày nghiên cứu của mình trước đồng nghiệp, chuyên gia trong cùng lĩnh vực.
Thông qua đó, nghiên cứu sinh sẽ được tiếp xúc, gặp gỡ với những người cùng chung đam mê và mối quan tâm, từ đó được phát triển và đóng góp thêm kiến thức mới cho chuyên ngành. Trong tương lai, theo Đạt, rất có thể, họ cũng sẽ là những người cộng sự tốt trong nghiên cứu và những công việc chuyên môn khác.
Trong quá trình 5 năm theo đuổi chương trình tiến sĩ, Quốc Đạt cho rằng, tính chủ động là rất quan trọng. Nếu có suy nghĩ “đợi giao việc rồi mới làm và mỗi tháng được trả lương” thì khi bắt đầu làm nghiên cứu độc lập, nghiên cứu sinh sẽ gặp phải rất nhiều trở ngại. Tuy nhiên, nếu chủ động lên kế hoạch, trình bày ý tưởng, kết nối tốt với các chuyên gia khác trong ngành và không ngừng trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm, thì 5 năm chương trình tiến sĩ không chỉ là một công việc mà còn là quá trình rèn luyện mình trở thành nhà khoa học đúng nghĩa. |
Thúy Nga
Cú 'bẻ lái' của tiến sĩ Việt từng làm việc ở nhiều nước trên thế giới
Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM rồi nhận được học bổng tiến sĩ tại ở Hàn Quốc, sau 12 năm làm việc ở Mỹ, Canada, Singapore… TS Trương Văn Tiến quyết định về nước.