Trong kỳ thi PISA 2015, Singapore đã đạt được kết quả thần kỳ khi đứng đầu bảng xếp hạng thành tích của học sinh tuổi 15. Nhiều người đã cố gắng diễn giải thành công này của Singapore. 

Bài viết sau đây của phó giáo sư Amanda Wise, đại học Macquarie (Australia) trên trang tin điện tử Quartz hỗ trợ cách nhìn khách quan về các yếu tố góp phần phát triển thành công của Singapore.

{keywords}
Ảnh: David Loh (Reuters)

Giới thiệu

Singapore đứng đầu bảng xếp hạng về thành tích của chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA các môn Toán, Khoa học và Đọc hiểu, trong khi các quốc gia như Australia, Pháp và Anh quốc đứng sau trong cùng nhóm các nước OECD. Vậy Singapore đã làm được điều gì, và các nước khác có nên bắt chước không?

Chắc chắn là có những điều để học. Singapore đã đầu tư rất nhiều vào hệ thống giáo dục. Giáo viên của họ là những người giỏi nhất, thông minh nhất, và họ đã phát triển được các tiếp cận sư phạm rất thành công trong dạy Khoa học, Toán, Kỹ nghệ và Công nghệ (STEM), ví dụ như tiếp cận “Maths Mastery”.

Về văn hoá, người Singapore có cam kết rất cao đối với thành tích học tập, và sự chú trọng ở tầm quốc gia đối với sự xuất sắc về giáo dục.

Thành công ở bảng xếp hạng PISA và các bảng so sánh quốc tế khác là một phần quan trọng của "thương hiệu" Singapore. Học giả người Singapore- Christopher Gee - gọi đó là "chạy đua vũ trang giáo dục". Học tập cạnh tranh cao đã trở thành chuẩn mực.

Vai trò của dạy thêm

Các tranh luận công khai ở Australia về chuyện vì sao không giỏi bằng người Singapore chủ yếu tập trung vào những gì diễn ra ở trong nhà trường ở đó.

Thế nhưng có một điều không được nhắc đến trong các báo cáo về thành công của Singapore: vai trò và vị trí của việc dạy thêm (các gia sư và các trường dạy thêm) trong thành tích tổng thể của học sinh ở quốc gia-thành phố tí hon này. Đây là một số con số đáng ngạc nhiên:

• 60% học sinh trung học và 80% học sinh tiểu học có học thêm

• 40% học sinh mầm non có học thêm

• Học sinh mầm non bình quân học thêm 2 giờ một tuần, trong khi học sinh tiểu học học thêm ít nhất ba giờ một tuần

Tám trong số 10 học sinh tiểu học ở Singapore có học thêm, gia sư phụ đạo hoặc dạy thêm tại trường. Năm 1992, con số này là khoảng 30% ở trung học và 40% ở tiểu học. Số giờ học thêm gia tăng ở cuối cấp tiểu học, và học sinh THCS của các gia đình trung lưu học nhiều hơn các gia đình ít có điều kiện.

Số lượng các trường dạy thêm đã tăng theo hàm mũ trong thập niên vừa qua, lên đến con số 850 trung tâm có đăng ký năm 2015, tăng từ 700 năm 2012.

Tác động đến thu nhập gia đình

Theo khảo sát chi tiêu hộ gia đình của Singapore, học thêm ở Singapore (một quốc gia có 5,6 triệu dân) là một ngành có quy mô 1,1 tỷ đô la Singapore (tương đương 768 triệu đô la Mỹ), cao gần gấp đôi số chi năm 2005 (650 triệu đô la Mỹ). Vậy ở cấp hộ mức chi ra sao?

Bốn mươi ba phần trăm những người có con đang học thêm chi từ 500 đến 1.000 đô la mỗi tháng mỗi con, có 16% chi tới mức 2.000 đô la.

Xét theo nhóm: một phần năm các hộ có thu nhập thấp nhất thu được khoảng 2000 đô la mỗi tháng - nhóm tiếp theo khoảng 5000 đô la - đây là một phần rất lớn của ngân sách gia đình. Hãy hình dung một gia đình có 2 đến 3 con thì ta sẽ nhận thức được sự bất bình đẳng kinh tế xã hội tiềm tàng khi sự thành công trong giáo dục phụ thuộc vào học thêm.

Các khảo sát cho thấy chỉ có 20% của hai nhóm thu nhập thấp nhất (thu nhập hàng tháng thấp hơn 4000 đô la) có một con được học thêm.

Các trung tâm gia sư

Các trung tâm gia sư và trường dạy thêm có từ các trung tâm khu phố hay cộng đồng cho tới các trường dạy thêm "có thương hiệu" quốc gia với các chi nhánh tại các trung tâm thương mại chính trên hòn đảo này.

Chất lượng của việc học thêm cũng gắn liền với khả năng thanh toán. Đây là một hình thức kinh doanh lớn.

Chiến lược tiếp thị của các trường dạy thêm giỏi ở chỗ tạo ra sự lo âu cho phụ huynh về nỗi sợ thất bại nếu không sẵn sàng chi sớm cho trẻ em.

Nhiều phụ huynh phàn nàn là các trường 'dạy ngoài sách giáo khoa". Điều này có nghĩa là mọi người nhận thấy/ giáo viên cho rằng tất cả học sinh đều có học thêm và sẽ dạy ở trình độ cao hơn sách giáo khoa. Hãy hình dung tác động đến số ít trẻ em không được học thêm.

Bắt đầu từ bé

Kỳ thi kết thúc tiểu học của Singapore (Primary School Leaving Exam PSLE) là một kỳ thi căng thẳng, không chỉ ở chỗ xác định xem học sinh đó sẽ vào trường trung học nào mà còn là học sinh đó sẽ được phân luồng vào trường để nhanh chóng đưa học sinh đó vào trường đại học.

Người Singapore không có quyền tự động đưa con vào nhập học tại trường trung học 'địa phương'. Tất cả các trường trung học đều có tính cạnh tranh và những trường tốt nhất sẽ hớt được số giỏi nhất trong kỳ PSLE. Học sinh tiểu học sẽ được phân luồng vào 4 loại trung học: số tốt nhất đưa trẻ em vào thẳng đại học qua các kỳ thi A-Level, trong khi các trường "kỹ thuật" và "luồng bình thường" dưới đáy sẽ đưa các em đến các trường trung cấp và cao đẳng kỹ thuật, với con đường học hành phức tạp hơn trước khi đến đại học.

Kỳ thi PSLE khiến các em 11 và 12 tuổi lo âu chả kém gì các em thiếu niên thi Chứng chỉ tốt nghiệp trung học (Higher School Certificate HSC) hay chứng nhận giáo dục của bang Victoria (Victorian Certificate of Education VCE) ở Australia. Nhiều phụ huynh trung lưu tin là cuộc "chạy đua" còn bắt đầu từ sớm hơn.

Ngày càng có nhiều phụ huynh tin rằng trước khi đến trường các em tuổi mẫu giáo đã phải biết đọc và viết, có kiến thức làm toán cơ bản - và điều này thường đạt được nhờ các trường mầm non tư và dạy "thêm".

Trong khi có nhiều điều đáng nể về thành tích của giáo dục Singapore, vẫn còn đó câu hỏi về vai trò của doanh nghiệp tư nhân (các trường dạy thêm tư) trong định hình tuổi thơ và tạo ra sự lo âu ở phụ huynh.

Điều cần quan tâm có thể là khi dạy thêm cá nhân đã đạt điểm bão hòa khi mà nhà trường cho rằng trình độ của "học sinh học thêm" là mức cơ sở của dạy học trên lớp.

Nhiều phụ huynh Singapore mà tôi có cơ hội trao đổi tỏ ra đau buồn về môi trường siêu cạnh tranh buộc con cháu họ phải học thêm hàng giờ, ảnh hưởng đến thời gian và quan hệ gia đình và đánh mất cơ hội vui chơi, tạo lập quan hệ bạn bè hay đơn giản là sự nghỉ ngơi thực sự của tuổi thơ. Nhiều người cảm thấy mình không hề có sự lựa chọn.

Người Singapore có một từ cho căn bệnh này: “Kiasu,” có nghĩa là "sợ bị thua hay tụt hậu". Các nhà hoạch định chính sách cần ý thức được điều gì thực sự tạo ra những câu chuyện giáo dục bên lề này.

Đây không phải để nói rằng sự thành công hoàn toàn do học thêm bên ngoài nhà trường. Tuy nhiên với mức độ học thêm như vậy cần phải xem đó là phần quan trọng.

Người dịch: TS. Lê Đông Phương (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam)

Nguồn: http://qz.com/860356/pisa-singapores-competitive-private-tuition-system-helps-students-ace-the-worlds-biggest-education-test/