4 ngày kể từ khi tham gia vào công tác phòng chống dịch, Hà Thị Hằng (Sinh viên Y4, ngành Y tế công cộng, Trường ĐH Y Hà Nội) đã dần quen với nhịp công việc chung tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội. Hằng là một trong số 27 sinh viên của Lớp Y tế công cộng viết đơn tình nguyện đến các “điểm nóng” để hỗ trợ công tác phòng chống dịch.

Vui sướng và tự hào, đó là cảm xúc đầu tiên cô sinh viên năm cuối cảm nhận được khi nhận quyết định điều động. Với Hằng, đây vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội để học tập và cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc.

Ngày chuẩn bị lên đường, Hằng nói với mẹ: “Bây giờ con đã học ngành y rồi, lại là ngành Y tế công cộng. Đây là lúc con hiểu được những việc sau này ra trường mình sẽ phải làm. Thế nên bố mẹ cứ yên tâm. Nhà trường và đơn vị thực tập đã trang bị những biện pháp tốt nhất để chúng con tự bảo vệ bản thân”. Dù lo lắng nhưng khi nghe con nói vậy, người mẹ cũng chỉ có thể dặn dò con phải cẩn thận hết sức.

“Cố gắng lên vì đất nước đang cần”

Ngày 19/3, sau khi được tập huấn kiến thức về Covid-19 và phản ứng nhanh với những trường hợp liên quan tới dịch, gần 130 sinh viên của Trường ĐH Y Hà Nội đã lên đường tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch trực tiếp theo đề nghị của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Bộ Y tế và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19. Trong số đó có 97 sinh viên đang theo học năm cuối, hệ Bác sĩ Y học dự phòng và 27 sinh viên năm cuối hệ Cử nhân Y tế công cộng.

Lớp của Hằng gồm 27 sinh viên được phân thành các nhóm nhỏ. Có những sinh viên đã được cử tới sân bay, tham gia vào việc khai thác thông tin các chuyến bay và nơi hành khách đã đi qua; nhóm khác tham gia trực tổng đài y tế, thống kê và nhập thông tin dịch tễ học.

Hằng cùng 9 bạn trong lớp tham gia nhiệm vụ hỗ trợ CDC thu thập thông tin dịch tễ học tại các khu cách ly tập trung những người từ vùng dịch trở về. 

Trước khi bắt đầu công việc, những sinh viên năm cuối đã được tập huấn kỹ càng từ việc mặc và cởi đồ bảo hộ ra sao, cần chú ý những điều gì trong quá trình thu thập thông tin dịch tễ.

Sau mỗi ca đi thu thập về, tất cả sẽ phải khử trùng và cởi bỏ toàn bộ trang phục y tế vừa sử dụng.

{keywords}

Hà Thị Hằng cùng các bạn tình nguyện tham gia phòng chống dịch (Ảnh: NVCC)

Một ngày, nhóm của Hằng sẽ chia thành 2 ca, mỗi ca kéo dài từ 4-6 tiếng để đảm bảo sức khỏe. “Chống dịch như chống giặc”, vì thế Hằng động viên các bạn chia nhỏ ca như vậy để có thể “đi đường dài”.

Dù đã quen với việc đi viện nhưng những sinh viên trường y vẫn có cảm giác căng thẳng với “trách nhiệm lớn”. “Cũng có một chút tự hào. Chúng em thường đùa nhau rằng: “Cố gắng lên vì mấy khi đất nước cần”. Nói vậy nhưng chúng em ai cũng hiểu, đây là cuộc chiến thực sự và chúng em phải cố gắng hết sức có thể”, Hằng nói.

Cô sinh viên năm 4 cũng cảm thấy may mắn khi ở trường chỉ học lý thuyết, nhưng giờ đây có thể vận dụng ngay những gì đã học vào thực tế. “Em cảm thấy vui sướng và tự hào vì hoá ra mình cũng có thể làm được”.

Trong lần tham gia chống dịch này, Hằng còn cảm thấy biết ơn những cán bộ y tế đã liên tục động viên, hỏi han tình hình và nhắc nhở nhóm: “Ăn uống đủ để lấy sức chiến đấu tiếp”.

Nữ sinh cũng không ít lần xúc động trước sự chu đáo của các chiến sĩ, dù phải vất vả túc trực 24/24 nhưng vẫn nhiệt tình sắp xếp nơi ăn, chốn ở cho những người Việt Nam trở về trong thời gian cách ly.

“Em biết người Việt vốn rất quan tâm, đùm bọc lẫn nhau. Nhưng qua lần này em mới cảm nhận được rõ hơn thứ tình cảm ấy. Rất nhiều người Việt, du học sinh từ các nước trở về, thế nhưng đất nước vẫn luôn sẵn sàng mở rộng vòng tay đón lấy. Khoảnh khắc đó thật ấm lòng”.

“Mọi người đều vất vả, chúng em có sá gì”

Cùng lớp với Hằng có Nguyễn Cao Duy, hiện đang tham gia làm nhiệm vụ tại sân bay Nội Bài.

Công việc của Duy tại sân bay thay đổi theo từng ngày. Bắt đầu tham gia điều động kể từ ngày 19/3, nhóm của Duy gồm 6 bạn, chia thành 3 ca trực. Mỗi ca trực thường kéo dài 24 tiếng, từ 6 giờ sáng hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.

“Do yêu cầu công việc tại sân bay gấp gáp, chúng em không thể chia nhỏ ca vì như thế sẽ khó bàn giao và cũng không tiện đi lại”.

Bắt đầu từ 0 giờ ngày 21/3, hành khách khi nhập cảnh bắt buộc phải cách ly 100% và khai báo y tế tại nơi cách ly. Do vậy, công việc của Duy hiện tại đỡ vất vả hơn một bước. Kể từ ngày 22/3, cậu chuyển sang việc nhập liệu phiếu khai báo y tế.

Nhưng việc trực 24/24 giờ khiến Duy phải “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”. “Cao điểm nhất là vào khung giờ có nhiều chuyến bay một lúc, mọi người sẽ phải vất vả hơn. Thỉnh thoảng vào những khung giờ ít chuyến bay hoặc không có chuyến bay về, chúng em chia cả để đi ăn”.

Có những khi bữa trưa của Duy thường bắt đầu từ 2-3 giờ chiều và bữa tối sẽ ăn vào lúc 1-2 giờ sáng. Việc ngủ cũng phải gấp gáp, đôi khi chỉ là phút chợp mắt ngay trên ghế.

“Chúng em cứ thay phiên nhau, trực 1 ngày nghỉ 2 ngày. Nhưng em không thấy mệt bởi ngoài tụi em còn có rất nhiều cô chú, anh chị công an, hải quan, bộ đội cũng phải làm việc liên tục suốt 24 giờ. Khó khăn chung nên chúng em động viên nhau mỗi người cố gắng một chút.

Ngoài sinh viên trường Y còn có các bạn sinh viên ĐH Ngoại ngữ cũng tham gia vào mảng phiên dịch tại sân bay 24 tiếng mỗi ngày”.

Dù làm việc liên tục nhưng Duy cảm thấy vui bởi “mỗi người nỗ lực một chút sẽ đẩy lùi được dịch bệnh”. 

“Ngay từ khi xác định thi vào đại học, bọn em đã nhận ra phần nào vai trò và trách nhiệm của mình. Em cảm thấy tự hào, sau đó hiểu được trách nhiệm mà mình cần phải đóng góp cho đất nước trước tình hình khó khăn này”.

Cả Duy và Hằng đều là sinh viên năm cuối trường y. Cả hai cùng hào hứng tham gia chống dịch với hành trang mang theo là sức khoẻ, kiến thức và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Đối với Hằng, dù chưa biết thời hạn kết thúc đợt chống dịch nhưng nữ sinh mong sẽ giống như dự đoán của thầy cô mình, “đợt dịch này sẽ giảm dần và kết thúc vào tháng 4”.

Còn Duy chỉ mong rằng, đợt dịch sớm kết thúc, bởi dịch kéo dài đã khiến kế hoạch học và thi của cậu phải đẩy lùi xuống ít nhất 1 tháng. 

Tháng 6 này, những sinh viên năm cuối sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp. Những sinh viên như Duy và Hằng vẫn đang tranh thủ từng ngày vừa tham gia chống dịch, vừa sắp xếp việc học và củng cố lại kiến thức ôn thi tốt nghiệp.

“Với những nỗ lực mà chúng ta đã làm, chắc chắn cuộc chiến này sẽ thành công”, Duy nói.

Thúy Nga

Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội: “Nếu sợ, chúng tôi không cử sinh viên đến điểm nóng”

Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội: “Nếu sợ, chúng tôi không cử sinh viên đến điểm nóng”

 - Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, ông Tạ Thành Văn cho biết, nếu có một nhân viên y tế hay sinh viên trường y dương tính với Covid-19, điều đó hoàn toàn không bất ngờ. “Chúng tôi đã lường trước được điều đó” - ông nói.