Thấy được biên bản sao kê, phụ huynh bức xúc khi nhận thấy trong học kỳ I năm học 2020-2021, trường thu dư của phụ huynh hơn 20 triệu đồng.
Số tiền này, Ban giám hiệu nhà trường không thông báo cho phụ huynh có con gửi bán trú. Khi các phụ huynh phát hiện thì toàn bộ số tiền này được hiệu trưởng chi từ dịp Tết Nguyên đán 2021.
Cùng với việc trên, chị P.T.B.T. – phụ huynh có con đang học lớp 2 và lớp 5 tại Trường Tiểu học Trưng Vương còn phàn nàn về điều kiện bán trú ở đây.
Trường Tiểu học Trưng Vương (xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình).
Chị T. thông tin, một buổi trưa khoảng thời gian cuối năm học 2020-2021, con trai của chị ốm nên cô giáo chủ nhiệm gọi điện cho gia đình đón về.
“Khi đón con thì tôi bất ngờ vì ở chỗ nằm của con, các bàn học được xếp lại với nhau, trên bàn là những tấm chiếu rách tả tơi dùng để lót cho con nằm”, chị T. nói.
Sau khi con đỡ đau, tôi hỏi thì cháu xác nhận chiếu các cháu và bạn lót để ngủ bị rách. “Điều bức xúc là tôi đã đóng 300.000 đồng khi con mới vào lớp 1 để sắm chiếu mới và đồ dùng cá nhân cho học sinh. Tôi cũng băn khoăn vì sao số tiền dôi dư đó không mua đồ dùng cá nhân và chiếu?”.
Xem xét để báo cáo lên Chủ tịch huyện
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Vương Lê Thị Yên xác nhận tổng số tiền thu dư là 20,9 triệu đồng.
Bà Yên thông tin, học kỳ I năm học 2020-2021, có 220 - 240 học sinh đăng ký bán trú tại trường (gồm 2 điểm trường thôn Thanh Ly và Liễu Thạnh). Nhà trường thu mỗi học sinh 140.000 đồng/tháng. Học sinh ăn và nghỉ trưa tại trường 4 ngày/tuần.
Trung bình một ngày, trường chi tiền ăn 18.000 đồng/học sinh gồm bữa ăn chính (cơm trưa) và bữa ăn phụ (sữa chua, bánh…).
Số tiền còn lại, trường chi lương cho 4 cấp dưỡng (2,3 triệu đồng/người) và các cán bộ, giáo viên tham gia quản lý, quản sinh.
Trong đó, quản lý gồm 4 người là hiệu trưởng, hiệu phó, kế toán và thủ quỹ (mỗi người 1,5 triệu đồng), cấp dưỡng 4 người, còn các quản sinh là 18 giáo viên (trung bình một giáo viên nhận gần 400 nghìn đồng/tháng).
Về việc chi 20 triệu đồng nhưng không thông báo với phụ huynh, bà Yên xác nhận dùng số tiền thu dư của học kỳ I của năm học 2021-2022 hỗ trợ cho quản lý và giáo viên tham gia công tác quản sinh.
“Lý do là vì tháng 1/2021, học sinh tham gia bán trú rất ít, thu nhập của đội ngũ phụ trách bán trú cũng không được bao nhiêu nên tôi linh động dùng số tiền dư để hỗ trợ thêm cho họ nhân dịp Tết.
Tôi tự ý dùng khoản tiền này vì đầu mỗi năm học, phụ huynh thống nhất giao hẳn cho nhà trường tự chủ, điều hành công tác bán trú”, bà Yên nói.
Hiệu trưởng trường Tiểu học Trưng Vương Lê Thị Yên (áo trắng, bên trái).
Về việc tấm chiếu rách, bà Yên cho hay, từ đầu năm học 2020-2021, trường đã không sử dụng chiếu để trải nằm mà chuyển qua nằm bằng nệm xốp.
“Số tiền 300 nghìn đồng đó được thu cho 1 em học sinh trong vòng 5 năm để mua sắm đồ dùng cá nhân như: chén, dĩa, chiếu…
Những chiếc chiếu đó do để quên và gác trên đầu tủ nên phụ huynh thấy chứ trường hoàn toàn không dùng từ lâu”, bà Yên giải thích.
Bà Yên cũng cho biết thêm, trường đã làm báo cáo gửi lên phòng GD-ĐT huyện trong ngày 21/1 và đang đợi quyết định của huyện.
Trao đổi với VietNamNet, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thăng Bình Phan Văn Tuyển cho biết đã nhận được báo cáo.
“Hiện tôi đang đi công tác nên chỉ nghe anh em thông tin đã có báo cáo của trường gửi chiều hôm qua (21/1). Chúng tôi sẽ kiểm tra thông tin và báo cáo lên Chủ tịch huyện, khi nào có thông tin cụ thể sẽ báo lại sau”, ông Tuyển nói.
Công Sáng
Học sinh trường huyện ở Quảng Trị đóng tiền ăn gấp đôi giáo viên
Hơn 600 học sinh Trường Tiểu học số 1 Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) phải đóng tiền ăn bán trú gấp đôi so với giáo viên.