Theo đó, đối tượng vay vốn là học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, có bố hoặc mẹ mất do dịch Covid-19 và chưa có máy tính để học tập trực tuyến (đối tượng học sinh, sinh viên khó khăn được hỗ trợ bám sát theo chủ trương hỗ trợ của Chương trình “Sóng và máy tính cho em”), chưa được hưởng chính sách hỗ trợ máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến dưới mọi hình thức.
Về hồ sơ xác nhận đối tượng vay vốn, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng giao UBND cấp xã, phường xác nhận đối tượng được vay vốn để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho vay.
Mức cho vay được đề xuất tối đa là 7 triệu đồng/học sinh, sinh viên. Với mức này, dự kiến tổng nguồn vốn cho vay là khoảng 3.500 tỷ đồng.
Thời hạn cho vay dưới 1 năm, tương tự như đối với chính sách hỗ trợ cho vay trả lương theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Lãi suất cho vay là 0%/năm; lãi suất nợ quá hạn là 6,6%/năm (bằng lãi suất cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội hiện nay).
Thời gian giải ngân từ ngày Quyết định của Thủ tướng có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/3/2022 (thời gian giải ngân căn cứ vào tình hình dịch bệnh).
Về nguồn vốn để cho vay, trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai gói tín dụng 7.500 tỷ đồng từ nguồn vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ để cho vay trả lương cho người lao động.
Tuy nhiên, đến nay số hồ sơ đề xuất vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội từ người sử dụng lao động là chưa lớn. Do đó, để kịp thời triển khai hỗ trợ cho học sinh, sinh viên tham gia học trực tuyến, đại diện các bộ, ngành đã đề xuất Chính phủ và Thủ tướng cho bổ sung hỗ trợ đối tượng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn được vay vốn ưu đãi từ gói này.
Thanh Hùng
Những đứa trẻ không thể học online và nỗi lo của cô giáo Sài Gòn
Trong 3 tuần đầu năm học mới, cô giáo Trần Thị Duyên, chủ nhiệm lớp 6A4 Trường THCS Chi Lăng (Quận 4, TP.HCM) chưa thể nhìn thấy 5 học sinh của lớp mình trong lớp học trực tuyến.