- Các giáo viên giỏi ngoài khả năng chuyên môn còn phải là những nhà tâm lý thực thụ và khéo léo để giải quyết vô vàn những lời đề nghị không chỉ từ học sinh mà từ cả những vị phụ huynh.

{keywords}

Các cô giáo đã thể hiện khả năng xử lý tình huống sư phạm tại Hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc năm 2017.

Các tình huống sư phạm này cũng được đưa ra để thử thách thức khả năng xử lý linh hoạt của các cô giáo tại Hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc năm 2017 vừa qua.

Trong phần thi xử lý tình huống sư phạm, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền (Trường Tiểu học, THCS và THPT Văn Lang, tỉnh Quảng Ninh) đứng trước tình huống khó nhằn khi một học sinh mắc lỗi và chuẩn bị đưa ra xét ở hội đồng kỷ luật nhà trường thì phụ huynh em vốn là người có chức vụ chủ chốt ở địa phương đến đề nghị cô giáo chủ nhiệm xin hội đồng kỷ luật chiếu cố và cho qua.

Cô Hiền cho rằng, những tình huống sư phạm sẽ được xử lý dựa trên tình thương, sự lắng nghe và chia sẻ song vẫn phải cần đảm bảo sự nghiêm khắc và không thể cho qua tất cả các lỗi lầm của học sinh.

Do đó, trước tình huống này, cô Hiền đưa ra hướng xử trí sẽ lắng nghe ý kiến của phụ huynh trong cuộc trao đổi. Sau đó sẽ chia sẻ quan điểm của mình với phụ huynh một cách thẳng thắn, nhưng khéo léo. “Giáo dục học sinh đòi hỏi có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Tôi sẽ chia sẻ để phụ huynh hiểu rằng là phụ huynh thì đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con mình, nhưng cần hiểu chúng ta vừa bao dung nhưng cũng phải nghiêm khắc, không bao che và học cách nhìn nhận khuyết điểm của con em mình. Như vậy mới có thể giúp các con phát triển, hoàn thiện hơn cả về nhân cách lẫn trí tuệ”.

Theo cô Hiền, chỉ cần một sự bao che rất nhỏ giờ đây thôi, qua từng ngày sự bao che ấy sẽ càng lớn dần lên và sẽ tạo nên một tâm lý ỉ lại từ các con cho phụ huynh cũng như nhà trường.

“Tôi sẽ cố gắng như một người bạn để chia sẻ và lắng nghe học sinh. Bởi tôi hiểu, việc chuẩn bị đưa ra xét kỷ luật thì tâm lý các em sẽ rất hoang mang và với những học sinh không làm chủ được mình thì sẽ trượt dốc rất nhanh. Vì vậy, ngoài việc phân tích, động viên phụ huynh học sinh hiểu rằng cần có những hình thức kỷ luật để đưa con em mình vào khuôn khổ, sau khi học sinh nhận mức kỷ luật tôi cũng sẽ cùng phụ huynh có những lời động viên để em học sinh cố gắng hơn trong thời gian tới.

Với tình thương của một giáo viên, tôi sẽ tâm sự và tiếp tục động viên học sinh để em có thể cảm nhận được bên cạnh việc mắc lỗi mình phải chịu một mức kỷ luật nhưng vẫn có thầy cô, bố mẹ bên cạnh để từ đó em có động lực tiếp tục học tập và rèn luyện nhân cách trên ghế nhà trường”, cô Hiền nói.

Cô Nguyễn Thị Hoài Phương (Trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật tỉnh Bến Tre) gặp tình huống có một học sinh vi phạm nghiêm trọng nội quy của nhà trường và ban giám hiệu yêu cầu cô giáo chủ nhiệm đưa em về nhà để nói chuyện với phụ huynh. Nhưng khi gặp và trao đổi, chưa kịp để cô giáo trình bày xong thì bố của em học sinh này đã tát em tới tấp vì đã làm xấu mặt gia đình.

Cô Phương chia sẻ đây là một tình huống mà bản thân cô cũng đã gặp trong thực tế. Khi đó, cô Phương đã tiến tới ôm lấy học trò và xin phép phụ huynh cho mình được trình bày hết câu chuyện thay vì đánh con trẻ như vậy.

“Tôi sẽ giải thích cho phụ huynh trường hợp của học sinh vi phạm nghiêm trọng nội quy nhưng cũng cần có sự quan tâm của gia đình. Phụ huynh cần xem ở nhà mình đã quan tâm con chưa. Vai trò của những người làm cha làm mẹ đối với việc giáo dục đạo đức của học sinh là rất quan trọng, chứ không phải để hết trách nhiệm cho nhà trường. Phải có sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội”.

Cùng đó, cô Phương cũng khuyên bố của học sinh đó rằng không nên có những hành vi như vậy đối với con trẻ bởi việc đó sẽ tác động lớn tới tâm lý của con. “Trẻ sẽ cảm thấy rất sợ, bởi gia đình chính là nơi nương tựa duy nhất khi trẻ gặp khó khăn và nếu phụ huynh hành động như vậy thì chả khác nào đã chối bỏ trẻ. Như vậy sau này, khi gặp điều gì khó khăn, trẻ sẽ không dám nói, chia sẻ với gia đình, cha mẹ của mình nữa. Rồi sao? Trẻ sẽ đi ra ngoài xã hội và bắt đầu có những suy nghĩ, hành vi lệch lạc”, cô Phương phân tích.

Cách giải quyết của cô Phương đã khiến vị phụ huynh nhận ra sai lầm và hứa sẽ quan tâm con mình hơn.

Cô giáo Nguyễn Trịnh Minh Hằng (Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lạng Sơn) gặp thử thách: “Đang trong giờ học có một học sinh giơ tay xin phát biểu và đề nghị cô giáo giải thích một vấn đề có liên quan đến bài giảng. Phát hiện ra đó là một vấn đề được ứng dụng trong thực tiễn mà cô giáo chưa nắm vững, cô giáo sẽ xử trí như thế nào?”

Cô Hằng cho rằng, việc chưa hiểu rõ một vấn đề nào đó cũng là một việc hết sức bình thường. “Nếu như được học sinh đề nghị giải thích thì tôi có thể đưa ngay câu hỏi ấy ra để làm đề tài cho các học sinh trong lớp cùng nhau trao đổi, giải quyết. Tôi nghĩ rằng học sinh bây giờ rất thông minh và năng động và có thể các em sẽ có một số cách giải quyết rất hay và phù hợp mà có thể ngay chính bản thân giáo viên chưa chắc đã hiểu và nắm được như các em. Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu giải quyết vấn đề của các em thì tôi sẽ chốt lại và đưa ra một số giải pháp phù hợp nhất dựa trên ý tưởng giải quyết vấn đề của các em”.

Cô giáo Phan Hồng Anh (Trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam, Hà Nội) gặp tình huống trớ trêu khi trong buổi trả bài kiểm tra, sau khi phát hết bài kiểm tra cho học sinh, thì một học sinh đứng dậy vo viên bài kiểm tra và ném về phía bục giảng.

Cô Hồng Anh đưa ra hướng xử trí: “Đầu tiên tôi sẽ yêu cầu học sinh đó hoặc một bạn học sinh cầm bài kiểm tra đấy để lên bàn giáo viên. Sau đó tôi sẽ dành một vài phút trong giờ trả bài kiểm tra này để trao đổi thằng thắn với học sinh”.

Cô Hồng Anh chia sẻ với học sinh: “Cô biết rằng bài kiểm tra này có thể con đạt kết quả chưa tốt nhưng dù sao đó cũng là công sức trong suốt cả 1 tiết làm bài kiểm tra của con và cũng là công sức của cô khi ngồi xem bài, chấm bài và chữa bài. Cô không biết con đã xem lại kỹ bài của mình chưa, nhưng nếu con đứng vào vị trí của cô thấy một học sinh vò bài kiểm tra như vậy thì con sẽ cảm thấy như thế nào?

Cô Hồng Anh tin rằng với cách chia sẻ vừa phải, mềm mại của mình thì học sinh sẽ có cách ứng xử tốt hơn. Ngoài ra sau giờ trả bài kiểm tra này, cô giáo có thể gặp riêng học sinh để có thể trao đổi riêng với học sinh về bài kiểm tra của mình. “Nếu em đạt kết quả chưa tốt thì cô sẽ chia sẻ và chỉ ra cho em những điểm em làm sai để em rút kinh nghiệm cho những bài kiểm tra sau”.

Những phần xử lý tình huống của các giáo viên trên nhận được những cái gật đầu từ phía ban giám khảo và đều đạt giải cao tại Hội thi Cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc năm 2017 dành cho khối Trung học.

Đây đều là những giáo viên giỏi tiêu biểu, xuất sắc đã vượt qua các vòng thi từ cấp cụm, cấp khu vực đến cấp tỉnh, thành phố, để trở thành đại diện tham gia Hội thi cấp toàn quốc.

Thanh Hùng​​​​