Bước vào năm học mới, khi câu chuyện dạy thêm học thêm lại bắt đầu thấp thoáng xuất hiện. Cô Nguyễn Thanh Huyền (giáo viên văn Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) đã có bài viết chia sẻ quan điểm về vấn đề này. VietNamNet giới thiệu bài viết của cô Nguyễn Thanh Huyền.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nhân vật trong ảnh không liên quan tới bài viết (Ảnh: Đinh Quang Tuấn) |
Rất cá nhân, tôi không hề thích chữ "cấm", chữ "dẹp", chữ "nạn" để nói về chuyện dạy thêm học thêm. Tuy nhiên, cảm giác cá nhân của tôi không mấy quan trọng. Thái độ và cách nhìn nhận, đánh giá của cộng đồng mới quan trọng.
Dạy, và học nữa, đều là công việc chính đáng, là quyền chính đáng của con người, nhất là khi chúng ta đang sống ở thời kì dân chủ. Dạy thêm, học thêm có bất chính không? Không, nếu nó thực sự xuất phát từ nhu cầu và vì lợi ích của người học.
Vậy tại sao việc dạy thêm học thêm lại bị lên án gay gắt đến thế?
Có nhiều nguyên do.
Việc học chính ở nhà trường vốn đã đủ nặng nề, lịch học thêm chồng chéo khiến trẻ con, và cả trẻ lớn nữa, cảm thấy ngạt thở (đã có bức tâm thư của học sinh chia sẻ cảm giác sợ hãi khi nghĩ đến chuyện học đó thôi). Lẽ đương nhiên, khi trẻ đi học thêm thì cũng kéo luôn cả gia đình vào cuộc: người chầu chực đưa đón con, người lo cơm nước cho bọn trẻ (trong khi lẽ ra, những đứa trẻ tầm tuổi THCS trở lên có thể giúp bố mẹ việc này để giảm bớt áp lực cho những người lớn trong gia đình). Và những bữa cơm không đủ thành viên trong gia đình đã trở thành chuyện thường ngày ở... thành phố.
Không hiếm những thầy cô giáo, vì sinh kế, vì lòng tham mà ép học sinh đi học thêm để tăng thêm thu nhập. Để ép, tất yếu phải có những chiêu trò, như là điểm số, như là thái độ với em học sinh đó trên lớp, cho đến khi em và bố mẹ em tặc lưỡi: thôi thì...
Cũng không hiếm những thầy cô, như dư luận và báo chí phản ánh, đã cắt xén chương trình trên lớp để đưa vào những buổi dạy thêm, khiến học sinh nếu không tham gia lớp học thêm sẽ không thể hiểu bài, và đương nhiên cũng không thể đáp ứng yêu cầu của các bài kiểm tra mà người ra đề là thầy cô và người chấm cũng chính là thầy cô đó.
Vậy, tại sao học sinh và phụ huynh học sinh vẫn đưa con đến những lớp học thêm?
Vì sợ ư? Nếu quả thực là vì sợ, thì từ phía học sinh, tôi có thể hiểu. Các cháu còn nhỏ, chưa biết cách để chống đỡ lại những sự tệ hại từ phía người lớn. Nhưng nếu là nỗi sợ từ phía phụ huynh, thì chính các vị là người đầu tiên đáng trách trong chuyện này.
Các vị đã quên quyền lực của chính mình, quên sự hỗ trợ của truyền thông, của mạng xã hội.
Gần đây, chẳng phải đã có một trang mạng xã hội facebook được học sinh và phụ huynh lập ra để phản đối việc dạy thêm ở một ngôi trường nọ, và kết quả là nhà trường phải dừng việc tổ chức dạy thêm đó thôi.
Nếu chỉ sợ và kêu ca, và nói xấu sau lưng, chúng ta chẳng thể làm thực tế trở nên tốt đẹp hơn, mà chỉ bôi thêm một vết đen vào tâm hồn con cháu chúng ta mà thôi.
Còn điều này nữa, xin các vị hãy nói thật đi, có phải chính trong lòng các vị cũng có cái ý nghĩ cho con đi học thêm, không phải vì để bổ trợ kiến thức, mà để lấy lòng cô giáo, thầy giáo, mong có được sự ưu ái nhất định của thầy cô cho con mình, chí ít là về mặt điểm số, để có một bảng điểm đẹp trong học bạ hay sao?
Vậy thì ai sai ở đây? Chắc các vị đã nhận ra: chúng ta đều sai. Vậy tại sao lại cho mình cái quyền kết án?
Vì cần? Có, chắc chắn có.
Nhu cầu học thêm là có thật, và nhu cầu ấy cũng xuất phát từ nhiều nguyên do.
Ở thời điểm hiện nay, trình độ giáo viên, phương pháp và kĩ năng sư phạm của giáo viên thực sự là không đồng đều, chưa nói còn có sự chênh lệch rất lớn, rất rõ rệt.
Nếu con em mình được học thầy cô giỏi, có tâm với nghề, tận tình chỉ bảo, tháo gỡ để có thể tiến bộ, đấy là điều may mắn rất lớn cho cả học sinh và phụ huynh. Nhưng nếu không may, thầy cô dạy lớp con em mình có trình độ yếu kém, lại không có tâm với nghề, thì đấy quả thực là một thảm họa. Trẻ sẽ chán học, sẽ đánh mất ý chí phấn đấu, và tệ hại hơn, sẽ từ chỗ coi thường thầy cô mà buông lỏng bản thân mình, cho phép mình trôi xuôi.
Ý thức được điều này, nên phụ huynh nào cũng mong muốn khi con vào trường là sẽ được học thầy ấy, cô ấy. Và, đầu mỗi năm học, luôn có một "cuộc chiến" giữa các chi hội phụ huynh học sinh để tranh giành những giáo viên tốt nhất cho lớp con em mình. Chuyện này, dù không ai nói ra, nhưng những người trong cuộc thì đều hiểu cả, biết cả.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nhân vật trong ảnh không liên quan tới bài viết (Ảnh: Thanh Hùng) |
Một thực tế nữa, là do trình độ, thiên hướng của chính các em học sinh cũng rất khác nhau, nên các thầy cô dù giỏi, nhưng chưa chắc đã khiến các em hiểu và thích thú với môn học.
Chuyện học sinh hợp với cách dạy của thầy cô này mà không thể hợp với cách dạy của thầy cô khác là có thật. Cũng khó có thể yêu cầu thầy cô thay đổi phương pháp hoặc linh hoạt đến mức có thể đáp ứng nhu cầu cho mấy chục đứa trẻ trong lớp. Vì nó không hề dễ như người ta vẫn hô khẩu hiệu hàng ngày, không dễ chút nào. Nhất là ở những giáo viên đã có tuổi, đã có danh, đã khẳng định mình trong nghề, đã có đủ cơ sở để cho mình cái "quyền" được áp đặt.
Và, cũng do trình độ học sinh chênh lệch, tâm lý học sinh rất khác nhau dù cùng lứa tuổi, nên sự phân hóa trong lớp học là không thể tránh. Lại cộng thêm tâm lý phụ huynh, kì vọng quá nhiều, lo lắng thái quá, cũng không muốn con mình thua kém bạn bè, hoặc muốn con mình xuất sắc hơn nữa.
Cuộc sống bây giờ cũng không quá thiếu thốn, một bộ phận không nhỏ những gia đình Việt Nam, dù thành thị hay nông thôn có điều kiện và sẵn sàng đầu tư cho con. Đó là xuất phát điểm của nhu cầu học thêm, theo cái nghĩa chính đáng nhất có thể.
Cá nhân tôi cho rằng, cần hạn chế và giảm thiểu tình trạng học thêm tràn lan, vô tội vạ.
Bởi vì nó chỉ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả những cá nhân có liên quan, bao gồm học sinh, phụ huynh và cả thầy cô giáo nữa.
Khi học sinh bị ép đi học, chúng chẳng học được gì nhiều đâu, có chăng là vở ghi chép thì ngày càng dày lên mà đầu óc thì vẫn thế, thậm chí còn mụ mị hơn. Khi phụ huynh phải căng mình ra đưa đón con, lo chi phí vượt khả năng kinh tế, thì sự oán thán, chán ghét, khinh khi sẽ đè nặng trong lòng họ.
Khi giáo viên phải dùng chiêu trò để ép học sinh đi học, là khi họ tự đánh mất mình, bao gồm cả tư cách người thầy và nhân cách con người.
Và, khi việc "dạy chui" của ai đó bị cáo giác và đưa ra phán xét một cách "thành công" - dù từ phía học sinh, phụ huynh hay đồng nghiệp của chính giáo viên đó, thì tất cả chúng ta đều thảm bại.
Nhưng nếu cấm triệt để, loại bỏ hoàn toàn việc dạy thêm học thêm, thì hoặc là không thể, hoặc vô cùng bất nhẫn.
Hãy cho phép các thầy cô dạy thêm, nếu đó không phải là những học sinh trực tiếp học thầy cô trên lớp. Bất kì giáo viên nào tổ chức dạy thêm cho những học sinh mà mình được phân công dạy trong nhà trường phải bị xử lý kỉ luật đích đáng.
Hãy cho phép học sinh có quyền đăng kí học thêm với những thầy cô dạy giỏi, theo nguyện vọng thật sự của các em, mà không phải lo lắng bất kì sự trù dập nào từ phía giáo viên dạy trên lớp, trong nhà trường. Khi học thêm là tự nguyện, hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu có thực, từ lợi ích chính đáng của người học, thì còn ai kêu ca than phiền nữa làm gì.
Các bạn đồng nghiệp của tôi, tôi muốn nói thêm với các bạn điều này: các bạn đừng lấy cái cớ lương ít ra để biện minh cho chuyện dạy thêm học thêm nữa. Vì nghe nó tội nghiệp lắm, đáng thương lắm.
Nhà giáo chúng ta có cần trở nên đáng thương đến vậy không?
Không đâu, chúng ta không cần. Nếu chúng ta thực có năng lực nghề nghiệp, phụ huynh và học sinh cần đến chúng ta, chúng ta sẽ sống được bằng nghề. Còn nếu năng lực nghề nghiệp chưa giỏi, chúng ta hãy chấp nhận mức lương đó, hoặc chuyển làm nghề khác.
Đừng kêu ca, than phiền để mong nhận sự cảm thông của xã hội nữa, không đáng đâu!
Nguyễn Thanh Huyền (giáo viên văn Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương)