Nơi đất khách quê người, các em đã nhận được sự giúp đỡ từ chính những thầy cô trong ngôi trường mình theo học. Sự quan tâm, chăm sóc này dường như không khác gì những người cùng một nhà.

Chăm sinh viên như người nhà

Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, vì nhiều lý do, vẫn còn khoảng 200 sinh viên bám trụ lại ký túc xá. GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, rất nhiều em trong số đó có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Để giúp đỡ cho những sinh viên này, kể từ ngày 8/4, tập thể giáo viên nhà trường đã cùng chung tay quyên góp tài chính nhằm trao tặng những món quà thiết thực tới sinh viên đang gặp khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội. Ngoài ra, nhiều thầy cô còn đứng ra kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ thêm gạo, mì tôm và nhiều nhu yếu phẩm khác để tạo thành một kho lương thực lớn, sẵn sàng hỗ trợ khi sinh viên cần.

{keywords}
"Kho lương thực" hỗ trợ sinh viên do giảng viên và các mạnh thường quân Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn đóng góp

Ngoài KTX, hiện vẫn còn nhiều sinh viên của trường nằm rải rác ở các khu nhà trọ. Vì thế, nhà trường huy động xe ô tô để vận chuyển nhu yếu phẩm tới các điểm phát gần nơi sinh viên sống để các em không phải đi chuyển nhiều.

Bên cạnh gạo, mì tôm, xúc xích, trứng, khẩu trang, nước sát khuẩn, trường còn vận động mua thêm hoa quả cho sinh viên.

Cũng tại Hà Nội nhưng là ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ngày 15/4 nhà trường tổ chức đợt trao tặng thiết bị đầu tiên cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về thiết bị học tập, hỗ trợ các em học tập trực tuyến trong đợt dịch Covid-19.

Chỉ sau hơn một tuần phát động, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã nhận được hơn 3 tỉ đồng tiền quyên góp của cán bộ, cựu sinh viên và 75 máy tính do các doanh nghiệp tặng để hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều doanh nghiệp cam kết giảm giá máy tính, máy tính bảng từ 15% đến 20% cho sinh viên Bách khoa Hà Nội.

75 sinh viên được nhận thiết bị trong đợt xét tặng đầu tiên đều là con em gia đình hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Điểm chung là các em đều nỗ lực học tập, điểm số khá cao. Các em đều đang học tập bằng những chiếc điện thoại cũ. Với những sinh viên này, có một chiếc máy tính là một giấc mơ.

{keywords}
Đoàn Thị Hồng Hằng, sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, háo hức sử dụng chiếc máy tính mới lần đầu tiên trong đời em được sở hữu

Bên cạnh đó, từ nguồn tiền quyên góp của cán bộ và cựu sinh viên, trong đợt này, Nhà trường sẽ hỗ trợ cho khoảng 3.000 sinh viên (mỗi sinh viên 1 triệu đồng) để mua máy tính, máy tính bảng có giá không quá 8 triệu đồng. Bên cạnh đó, sinh viên sẽ được giảm giá gói dữ liệu tốc độ cao của các nhà mạng.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng có 97 sinh viên do hoàn cảnh khó khăn phải ở lại Sài Gòn làm thêm trong thời gian này, kể cả 25 sinh viên mồ côi đang theo học chương trình từ thiện đào tạo KTV Toyota. Tuy nhiên, do giãn cách xã hội các chỗ làm thêm đều đóng cửa, góc sẻ chia của trường lại ngưng hoạt động nên một số em khá khó khăn.

Các Mạnh Thường Quân, các cựu SV, giảng viên, cán bộ của trường đã đóng góp, hỗ trợ cho các em. Mà trước hết, thầy hiệu trưởng Đỗ Văn Dũng đã góp 10 thùng mì…

Trong những ngày cách ly toàn xã hội vì dịch Covid-19, có hơn 200 sinh viên Trường ĐH Nha Trang (Khánh Hòa) vẫn ở lại KTX.

Các em đều là những sinh viên học năm cuối. Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các em vẫn quyết ở lại KTX để làm đồ án tốt nghiệp. Ngày thường, khi tới bữa những sinh viên ở KTX ra ngoài hoặc ăn cơm trong căng-tin. Tuy nhiên trường chuyển qua học trực tuyến, đa phần sinh viên ở quê, nên căng-tin cũng tạm thời đóng cửa.

Để tránh tình trạng các em ra ngoài, hạn chế nguy cơ lây nhiễm, nhà trường quyết định hỗ trợ mỗi sinh viên 57.000 đồng/ngày để phục vụ các nhu cầu thiết yếu. Khoản kinh phí này được trích từ ngân sách của trường.

Trường bố trí luôn một đội ngũ ở trong KTX làm công tác nấu ăn. Mọi sinh hoạt của sinh viên cũng được cán bộ trường hỗ trợ, nếu cần đồ từ bên ngoài sẽ có người của trường đi mua hộ...

{keywords}
Trường ĐH Nha Trang bố trí đội ngũ ở lại nấu ăn phụ vụ sinh viên miễn phí

Những sinh viên đang nhận được sự hỗ trợ từ thầy cô đều thực sự xúc động. Đỗ Thị Bích Thùy, sinh viên K8-315 Trường ĐH Nha Trang biết ơn vì nhà trường đã quan tâm, chia sẻ những khó khăn với các em.

Sinh viên Trương Ngọc Anh (ngành Trung Quốc học, Khoa Đông phương học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia HN) bày tỏ “Của cho không quan trọng bằng cách cho. Em biết hiện có nhiều tổ chức và các gói hỗ trợ hướng đến các đối tượng yếu thế trong xã hội, nhưng cách nhà trường hỗ trợ khiến em cảm thấy rất ấm áp”.

Giảng viên gom nhu yếu phẩm cho khu cách ly

Sáng 16.4, “Cây gạo” của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU) đã đi vào hoạt động, phát gạo miễn phí hỗ trợ người khó khăn vượt qua dịch Covid-19.

NEU phối hợp với chính quyền quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) tổ chức phát gạo cho người nghèo, mỗi người 3 kg/tuần, triển khai liên tiếp trong14 ngày với quỹ gạo 15 tấn, và có thể kéo dài nếu có các đơn vị khác hỗ trợ, chung tay.

Để tránh phát tràn lan, thay vì ghi chép thông tin cá nhân, NEU đã áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để quản lý người đến nhận gạo. Trước khi nhận gạo, người dân sẽ phải đứng trước camera để cung cấp thông tin cá nhân, quá trình này mất khoảng 5 giây.

{keywords}
Giảng viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân chuẩn bị gạo để phát cho người nghèo

Tại điểm cách ly Trường ĐH Hà Tĩnh (xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), mỗi ngày tổ công tác hậu cần của lực lượng quân đội sử dụng gần 700kg gạo và hàng trăm kg thực phẩm phục vụ bữa ăn cho gần 1.000 người. Một nhóm giảng viên và sinh viên Trường ĐH Hà Tĩnh đã về từng thôn, xóm trên địa bàn, vận động người dân quyên góp nhu yếu phẩm mang về cải thiện bữa ăn trong khu cách ly.

Người dân tại địa phương đã rất đồng tình hưởng ứng và mang gạo, rau, củ, quả các loại ra ủng hộ. Cán bộ thôn hoặc giáo viên các trường tiểu học ở các xã đứng ra nhận và gom giúp lại một chỗ. Sau đó, nhóm giảng viên, sinh viên vận chuyển bằng xe cá nhân hoặc xe kéo của người dân đưa tới căng tin Trường ĐH Hà Tĩnh để lực lượng làm nhiệm vụ chế biến.

{keywords}
Giảng viên Trường ĐH Hà Tĩnh về từng thôn xóm gom nhu yếu phẩm phục vụ khu cách ly

Việc làm này không chỉ giảm áp lực về thực phẩm cho đơn vị phục vụ mà còn giúp đa dạng hóa khẩu phần ăn do nguồn thực phẩm bà con cung cấp rất đa dạng và phong phú, tươi mới.

Còn tại Trung tâm Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế, ngày 14/4, một chiếc máy phát gạo miễn phí đã được nhóm hảo tâm của tỉnh nghiên cứu lắp đặt. Người dân chỉ cần một cái nhấn nút, họ sẽ nhận được 2kg gạo từ chiếc máy tự động.

Máy ATM gạo này là ý tưởng của các giảng viên một số trường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế bao gồm Trường ĐH Dân lập Phú Xuân, Trường CĐ Sư phạm, Trường CĐ Công nghiệp Huế và được Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Giải pháp Công nghệ 1A hỗ trợ, lắp đặt.

{keywords}
Người dân thực hiện giãn cách đúng quy định khi đi nhận gạo tại "ATM gạo" ở Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Mai Trang-TTXVN

Với phương châm “Nếu khó khăn, cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”, nhóm thiện nguyện thực hiện mô hình ATM gạo để những bao gạo được trao đi đến đúng với những người dân thật sự cần trong mùa dịch.

Ngân Anh tổng hợp

Trường "nuôi cơm" chống dịch, sinh viên yên tâm làm đồ án tốt nghiệp

Trường "nuôi cơm" chống dịch, sinh viên yên tâm làm đồ án tốt nghiệp

 Trong những ngày cách ly toàn xã hội vì dịch Covid-19, có hơn 200 sinh viên Trường ĐH Nha Trang (Khánh Hòa) vẫn ở lại ký túc xá .