Khu cách ly các công dân từ Lào, Thái Lan trở về nước nằm ở cổng B, thuộc Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn) những ngày này có hàng trăm người đang lưu trú.

{keywords}
Cô Hương (phải sang) cùng cô Vân xem việc tự nguyện giúp người dân ở khu cách ly là việc đáng làm và mang lại niềm vui

Dãy nhà phía đối diện và nằm tách biệt khu vực cách ly là nơi dùng để nấu ăn phục vụ những suất cơm miễn phí cho công dân từ nước ngoài trở về.

Trong khu bếp, cô giáo Bùi Thị Mai Hương – Phó hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Diệm cùng hàng chục người khác đang hối hả làm việc để kịp buổi cơm trưa.

Cô Hương là người đầu tiên tự nguyện đến khu cách ly đăng ký nấu ăn cho các công dân trở về nước, truyền cảm hứng cho nhiều cô giáo, người dân đến giúp đỡ cơ quan chức năng phục vụ người cách ly.

{keywords}
Nước mắt cô Hương chực rơi khi nói về việc tự nguyện giúp người dân tại khu cách ly
{keywords}
Mỗi ngày khu bếp nấu ăn cho người cách ly có hàng chục lượt người đến phụ giúp

Chồng cô Hương là cán bộ xã. Những ngày chuẩn bị cho việc thành lập khu cách ly, anh luôn bận rộn. Thấy chồng công việc bộn bề, nhiều đêm cô suy nghĩ cần phải có hành động thiết thực để giúp lực lượng chức năng cùng chống dịch.

“Ngày 19/3, khu cách ly đón đoàn người đầu tiên từ nước ngoài trở về. Số lượng hơn 100 người, tôi có đến khu vực nấu ăn thấy các anh chị bộ đội làm việc khá vất vả nên quyết định đăng ký giúp họ cùng nấu ăn phục vụ người dân” – cô Hương nói.

Ngày 20/3, khu cách ly đón gần 400 người trở về cũng là ngày đầu tiên cô Hương đến phụ nấu ăn. Mặc dù công việc khá nhiều nhưng cô Hương có kinh nghiệm nấu ăn cho trẻ nhỏ nên nhanh chóng bắt nhịp công việc.

{keywords}
Những suất cơm đầy tình nghĩa sau khi nấu xong được đưa lên xe chở đến khu cách ly phát cho các công dân từ nước ngoài về

Mỗi ngày trôi qua, lượng người về nước càng đông đồng nghĩa với khối lượng công việc tăng lên, cô Hương đã về vận động thêm một số người hàng xóm cùng đến phụ giúp lực lượng chức năng.

Thế nhưng, sau khi khu cách ly có người dương tính với Covid-19, những người được cô rủ đi phụ nấu ăn họ không còn dám đi nữa. Riêng bản thân cô cũng bị hàng xóm nói bóng gió, một số người còn ngại gặp cô.

Lúc ấy, tôi cũng buồn lắm, tôi giải thích mình làm phía ngoài khu cách ly nên khá an toàn. Tuy nhiên, một số người vẫn không hiểu, họ còn bảo tôi phải cẩn thận đừng mang bệnh về cho hàng xóm”.

Bỏ ngoài tai những lời dị nghị, hàng ngày cô Hương vẫn đều đặn đến phụ giúp nấu ăn cho người cách ly. Đến nay, cô đã phụ giúp nấu ăn cho người cách ly 17 ngày.

“Tôi tự nguyện đi theo tiếng gọi con tim vì đây là giai đoạn cả hệ thống chính trị vào cuộc chiến chống dịch, đóng góp được thêm tí công sức nào thì quý từng ấy".

"Góp công sức là việc nên làm"

Một trong những người từ những ngày đầu sát cách với cô Hương tự nguyện giúp lực lượng chức năng phục vụ người cách ly là cô giáo Nguyễn Thị Thúy Vân – Giáo viên Trường tiểu học Sơn Tây (huyện Hương Sơn).

{keywords}
Mặc dù buổi tối cô Vân tham gia dạy trực tuyến cho học sinh nhưng ban ngày vẫn tranh thủ đến phụ nấu ăn cho người cách ly

Nhà cô Vân cách khu vực cách ly tại cổng B khoảng 5km. Khi nghe tin người dân ở nước ngoài về khu cách ly nhiều, cô đã tự nguyện đến xin phục vụ bếp núc cho người dân.

“Tâm sự với chồng về ý định của mình và được chồng ủng hộ nên tôi càng có quyết tâm tự nguyện đi giúp người dân” – cô Vân nói.

Những ngày đầu, cô vẫn có cảm giác lo lắng; nhưng sau đó cô nghĩ, ngày xưa người dân không tiếc xương máu để bảo vệ tổ quốc, nay mình góp phần nhỏ công sức chống dịch cùng dân là điều nên làm.

Cũng như cô Hương, sau khi khu cách ly có ca bệnh dương tính với Covid – 19, hàng xóm ngại tiếp xúc với gia đình cô.

{keywords}
Những người tự nguyện đến phụ nấu ăn cho người cách ly đều rất nhiệt tình và vui vẻ

“Do họ không hiểu dù tôi phụ nấu ăn nhưng không trực tiếp tiếp xúc với những người đang cách lý nên họ có tâm lý lo lắng. Biết tâm lý của họ nên mỗi lần tôi đi làm về đều ở trong nhà “tự cách ly” không dám ra ngoài gặp hàng xóm” – cô Vân cho hay.

Chia sẻ với phóng viên, cô Vân nói lúc đầu có lo lắng nhưng không sợ hãi.

"Tôi được những người ở đây tiếp thêm sự tự tin, vì vậy, lỡ có nhiễm bệnh khi phục vụ dân tôi cũng không hối hận” – cô Vân nói.

{keywords}
Khu cách ly những công dân từ Lào, Thái Lan sau khi trở về nước tại cổng B (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh)

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Sơn Nguyễn Trường Giang cho biết, việc cô Hương, cô Vân đi tiên phong trong việc đã tự nguyện phụ giúp nấu ăn cho người cách ly rất đáng trân trọng.

Sau hai cô giáo trên, có thêm nhiều cô nữa cũng mong muốn đến giúp người dân, do đó, phòng đã tổ chức lập danh sách thành lập các tổ khác nhau để các cô thay phiên nhau đến giúp người dân.

“Hiện toàn huyện thành lập 16 tổ, mỗi tổ 10 thầy cô giáo, mỗi ngày 1 tổ luân phiên nhau đến phụ giúp nấu ăn cho người dân được cách ly” – ông Giang nói.

Lê Minh

Chàng trai kể cuộc sống chân thực trong khu cách ly qua tranh vẽ

Chàng trai kể cuộc sống chân thực trong khu cách ly qua tranh vẽ

- Chứng kiến nỗ lực làm việc vất vả và sự quan tâm chân thành đến từ các bác sĩ và nhân viên khu cách ly, Nguyễn Tăng Quang (du học sinh trở về từ Anh) đã vẽ những bức tranh tái hiện kỷ niệm đáng nhớ ở nơi này.