Nếu như Mường Tè là huyện xa xôi nhất của tỉnh Lai Châu thì Pa Ủ là xã khó khăn nhất, nhì huyện này. Nơi đây vốn là xã biên giới, tất cả người dân địa phương là người dân tộc La Hủ.
Vì cuộc sống khó khăn, muốn duy trì sĩ số lớp, các thầy cô giáo phải thường xuyên trèo đèo, lội suối về các thôn bản, vận động từng phụ huynh để đưa học sinh đến trường.
Con đường thầy cô Mường tè đón học sinh tới lớp
Cô Bùi Minh Khuyên là giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Pa Ủ đã được 13 năm. Dù không còn lạ lẫm với việc phải đến từng bản làng để đón học sinh, nhưng trước mỗi mùa khai giảng, việc này lại đem đến cho cô nhiều cảm xúc đặc biệt.
“Điểm chung của học trò nơi đây là sự khó khăn, thiếu thốn. Vì thế, vận động ra sao, thuyết phục như thế nào để học trò bám lớp, bám trường luôn là một bài toán khó với giáo viên”.
Các thầy cô phải bỏ ra hàng giờ đồng hồ leo đồi núi hay vượt qua những dòng suối chảy xiết, những con đường đầy sỏi đá để đón học trò.
Con đường đầy đá sỏi mà thầy cô của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Pa Ủ phải đi qua để đến đón học sinh
Để chuẩn bị ngày khải giảng, các thầy cô đã chuẩn bị kỹ càng từ cuối tháng 8, từ dọn dẹp lau chùi phòng học, bếp ăn đến giặt giũ chăn màn thơm tho.
Cô Khuyên cho biết ngày trở lại trường, học trò đều cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, bởi các em được thầy cô chuẩn bị đầy đủ sách vở, quần áo, giày dép.
Mỗi học sinh được phát 2 bộ quần áo ngắn và dài tay. Đến cuối buổi học, các em được hướng dẫn cách giặt giũ, giữ gìn quần áo luôn sạch sẽ.
Ngoài ra, để học trò yên tâm ở lại trường, thầy hiệu trưởng còn thuê nhân viên là người La Hủ có uy tín ở các bản Hà Xi, Pha Bu, Ứ Ma, Nhú Ma… để các em cảm thấy quen thuộc.
Học trò Pa Ủ ngày trở lại trường
Cô Khuyên tiếc nuối vì năm nay không có tiết mục văn nghệ nào do không tập trung được học sinh từ sớm, nhưng các nghi thức như chào cờ, hát quốc ca vẫn được cô trò thực hiện đầy đủ.
Cũng giống như mọi năm, ở điểm trường trên đỉnh núi đầy mây này, lễ khai giảng tuy không rực rỡ cờ hoa nhưng thầy cô và học trò vẫn cảm thấy vui vẻ, ấm áp.
Các cô giáo của Trường Mầm non Tà Tổng cõng học sinh tới lớp
Mong ước một cây cầu
Cách đó hơn 30 km, các cô giáo của Trường Mầm non Tà Tổng (Mường Tè, Lai Châu) cũng tất bật đón học sinh của bản Nậm Dính quay trở lại trường.
Nậm Dính là một điểm trường lẻ của Trường Mầm non Tà Tổng với 70 học sinh. Để đưa các em trở lại trường, các cô giáo phải đến từng nhà đón và cõng các em qua suối.
Mùa cạn, việc đón học sinh không quá vất vả do các em lớn có thể tự đi. Nhưng khoảng thời gian tựu trường là mùa nước lũ tràn về, các cô phải theo sát từng bước để đảm bảo an toàn cho học trò.
Cô trò dắt tay nhau qua suối
Nếu có một cây cầu, cô trò nơi đây sẽ dễ dàng tới lớp, tới trường hơn
Ước mơ của cô trò Trường Mầm non Tà Tổng là có một cây cầu bắc qua con suối của Nậm Dính, giúp học sinh dễ dàng tới lớp, tới trường. Bởi vì, các cô giáo ở đây cũng như cô Khuyên rút ra sau hơn mười năm dạy học ở mảnh đất vùng cao này là chỉ có giáo dục mới có thể đổi thay của học trò.
“Khi đến trường, các con biết tự lấy cơm ăn, thu rửa gọn gàng hay tự biết gội đầu, giặt quần áo qua sự hướng dẫn của thầy cô. Việc giữ gìn sự sạch sẽ, thơm tho khiến các con cảm thấy yêu và gắn bó với ngôi trường. Từ đó, tỉ lệ đi học chuyên cần cũng sẽ tăng lên, các con không còn vẻ nhút nhát của những cô bé, cậu bé tóc khét mùi nắng như ngày nào”.
Trường Giang
Ảnh: Cô Bùi Minh Khuyên - Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Pa Ủ
Lễ khai giảng giữa núi đồi của 34 học trò và 2 cô giáo trẻ
- Không rực rỡ cờ hoa, không áo quần xúng xính, lễ khai giảng của 34 học trò tại điểm trường vùng cao xa nhất của tỉnh Quảng Nam vẫn diễn ra ấm áp và đầy cảm xúc.