Khi gửi con về, chị Ngân nghĩ cho các con nghỉ hè một vài tuần, sau đó sẽ đón con lên để chuẩn bị cho năm học mới. Nhưng không lâu sau, Hà Nội bắt đầu giãn cách đợt đầu tiên. Từ đó đến nay, cả hai vợ chồng chị không thể đón con quay trở lại Hà Nội.

“Bé lớn nhà mình đang học lớp 3, còn em gái năm nay đang học lớp mẫu giáo lớn. Điều khiến mình lo lắng nhất là làm sao để đảm bảo việc học cho cậu con trai lớn”.

Theo chị Ngân, con tiếp tục học online nhưng ông bà lớn tuổi không thể kèm cặp được cháu.

“Đợt hè vừa rồi trường của con ở dưới Hà Nội cho học sinh làm nốt bài kiểm tra các môn. Đợt đó, mẹ cũng phải gọi điện thoại để giục liên tục. Con vẫn còn mải chơi nên mình rất sốt ruột”.

Vì thế, khi nắm bắt được chủ trương các địa phương có thể tiếp nhận học sinh từ vùng dịch về quê học tập, hai vợ chồng chị Ngân đã bàn tính phương án xin cho con học tạm ở quê.

“Đây là phương án khả thi bởi nếu đến lớp, con sẽ được trực tiếp nghe cô giáo giảng bài và có thể hiểu bài hơn. Mặt khác, trong suốt 2 năm qua, con cũng phải học online khá nhiều. Vì thế, mình cũng mong con sẽ được tới lớp học trực tiếp”.

Hỏi ý kiến của con và được con đồng ý, chị Ngân quyết định xin cho con về học tạm tại Trường Tiểu học Phú Hộ II (Phú Hộ, TX Phú Thọ).

“Khi ấy, mình đã liên hệ với Ban giám hiệu. Cô hiệu trưởng nói Sở GD-ĐT cũng đã có chủ trương xuống các trường, nên nếu có nhu cầu cho con về học, phụ huynh chỉ cần viết đơn nộp cho nhà trường.

Ở Hà Nội, mình liên hệ với cô giáo chủ nhiệm lớp con đang theo học và cũng được hỗ trợ làm đơn. Nhờ vậy, sau khai giảng, con đã được đến trường học luôn cùng các bạn”.

Tuy nhiên, điều chị Ngân mong muốn vẫn là dịch bệnh đỡ căng thẳng, chị sẽ được đón con quay trở lại Hà Nội để có thể kèm cặp con học tập.

{keywords}

Các trường học tại Hà Nội tiển khai dạy trực tuyến ngay sau ngày khai giảng (Ảnh minh họa)

Cũng giống như chị Ngân, gần 2 tháng nay, chị Trịnh Thu Ngọc Ánh (Hà Đông, Hà Nội) không thể gặp con do con đang về quê với ông bà tại thành phố Yên Bái.

Thấy dịch bệnh căng thẳng, dù đã đăng ký cho con vào học lớp 1 tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hà Đông), vợ chồng chị Ánh vẫn gửi giấy tờ của con về quê để cho con học tạm lớp 1 tại Yên Bái.

“Trong thời điểm này, con được tới trường gặp bạn bè, thầy cô đã là một may mắn. Có một điều mình hơi hụt hẫng là trong ngày đầu tiên đến trường, con lại không có mẹ ở bên. Nhưng dẫu sao, con cũng rất vui vẻ khi được đi học”, chị Ánh nói.

Lo 'vênh' giữa các địa phương

Cuối tháng 5 vừa qua, vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Pháp (Quận 1, TP.HCM) gửi con gái là bé Nguyễn Ngọc Thảo Phương về quê với ông bà nội ở Đồng Tháp.

“Mọi năm, chúng tôi vẫn cho bé về khoảng 2 tuần khi trường mầm non nghỉ hè. Năm nay, chúng tôi cũng cho con về quê, nhưng từ đó đến giờ chưa đón lên được vì TP.HCM liên tục gia hạn các đợt giãn cách”, anh Pháp nói.

Càng gần đến ngày vào năm học mới, yêu cầu giãn cách ở TP.HCM càng nghiêm ngặt hơn, hai vợ chồng anh không có cách gì đón con về được. Vì vậy, khi Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1, TP.HCM) – nơi bé Thảo Phương năm nay sẽ học lớp 2 - thông báo học online hết học kỳ I, vợ chồng anh Pháp khá bối rối.

“Ở quê hai ông bà đều đã lớn tuổi không thể kèm cháu học được, phương tiện học không có vì ông bà chỉ dùng điện thoại loại cũ, vì thế lúc đầu chúng tôi định xin cho cháu học trường ở quê đến hết học kỳ I và đã báo với cô giáo chủ nhiệm”.

Tuy nhiên, sau đó hai vợ chồng anh bàn tính lại.

“Ở trường, bé đang học chương trình Tiếng Anh tích hợp, nhưng ở quê lại không có chương trình này. Nếu học một học kỳ ở quê thì về lại thành phố khó chuyển đổi.

Do đó, hai vợ chồng anh Pháp “chốt” cho con học online theo Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, phương tiện học thì nhờ điện thoại của người chị họ sống gần nhà ông bà nội của bé. Khi nào trường ở quê bắt đầu học, anh chị sẽ xin cho bé đến “ngồi ké” nghe cô giáo giảng bài trực tiếp, không lấy điểm kiểm tra, không cần xác nhận có theo học.

“May mắn là trường quê cũng sẽ học theo bộ sách Chân trời sáng tạo như ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tuy nhiên, SGK ở đây dù đã đặt mua nhưng tôi chưa nhận được, trường ở quê cũng chỉ có SGK cho những bé đăng ký mua từ trước. SGK bản mềm thì cháu xem rất khó”.

Giải pháp tạm thời của anh Pháp là in ra một số bài rồi tìm cách gửi trước về quê, khi nào có bộ SGK “xịn” anh sẽ gửi về cho con. Dù vậy, điều anh mong mỏi vẫn là có thể đón được con về thành phố càng sớm càng tốt.

“Cứ khi nào gọi điện là con cũng giục đón con về đi, con nhớ bố mẹ lắm rồi” – anh Pháp chia sẻ.

Nhà chị Thanh Quyên (Quận 10, TP.HCM) cũng đang trong cảnh "một chốn đôi nơi". Chị có 3 cậu con trai, bé đầu năm nay lên lớp 3, bé thứ hai lên lớp 1 và bé thứ 3 gần 4 tuổi.

Chỉ 1 tuần sau khi TP.HCM cho học sinh các cấp nghỉ học hồi đầu tháng 5, chị Quyên đã phải gửi bé đầu và bé thứ hai về nhờ ông bà ngoại ở Cần Thơ trông giúp.

“Nhà tôi ở chung cư, cả ba cậu con trai cùng nghỉ học thì quậy không chịu nổi. Tôi cũng nghĩ chỉ đến giữa tháng 6 là bé út đi học mầm non trở lại, các bé khác cũng sẽ có những lớp học hè thì sẽ đón con về, nào ngờ xa con từ đó đến giờ”.

Chị Quyên chưa tính đến chuyện cho con học ở quê với ông bà, vì theo chị, năm nay là năm đầu tiên bé đi học sẽ khá vất vả, ông bà đã cao tuổi, khó chỉ dạy bé theo chương trình học online. 

“Dù sao cũng vẫn còn hai tuần nữa để quyết định. Tôi vẫn hy vọng sau ngày 15 này có thể đón các con lên lại thành phố” - chị Quyên bày tỏ.

Thúy Nga – Ngân Anh      

10 cách để phụ huynh giúp con học trực tuyến hiệu quả hơn

10 cách để phụ huynh giúp con học trực tuyến hiệu quả hơn

Cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh không thể xem học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế, PGS.TS Trần Thành Nam khẳng định không chỉ giáo viên mà phụ huynh cũng cần có hình thức hỗ trợ để trẻ có thể hào hứng với phương pháp học này.