TS Lê Kim Ngân (sinh năm 1984), hiện là giảng viên khoa Toán tại Đại học Monash (Úc). Tuy nhiên, xuất phát điểm của chị không phải từ một học sinh chuyên Toán.

Sinh ra ở Gò Vấp, chị Ngân từng theo học chuyên Tin ở Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), sau đó đỗ vào lớp Toán - Tin của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên năm 2002. Nhưng chị Ngân nói, ngay từ sớm, trong mình đã hình thành tình yêu với toán học.

“Thời cấp 2, ba tôi – một thầy giáo dạy toán – luôn muốn con phải ngồi vào bàn học tiếng Anh 1 tiếng mỗi ngày. Nhưng tôi khi ấy lại không thích học tiếng Anh. Ngồi suốt 1 tiếng như thế, tôi lén lôi sách toán lớp 8 ra để tự giải. Càng làm, tôi càng cảm thấy thích thú nên đã xin ba mua thêm cho sách nâng cao để giải hết từ quyển này đến quyển khác.

Tôi nhớ mãi năm lớp 9, trong những giờ không học môn Toán, tôi thường giấu cuốn sách toán dưới ngăn bàn, mở ra xem đề, sau đó lại lấy giấy nháp để giải ở trên. Có lần, cô giáo môn khác bắt được đã phạt tôi phải đứng góc lớp”.

Nhưng cũng chính những ký ức đẹp đẽ đó cùng tình yêu với Toán học đã thôi thúc chị quay trở lại con đường làm Toán.

“Thực ra, việc học Tin ở trường Năng khiếu hay ở ĐH Khoa học Tự nhiên đều rất thú vị. Nhưng trong tôi vẫn thường hay thắc mắc, tại sao những thuật toán ấy lại luôn đúng. Tôi muốn tự mình chứng minh thuật toán ấy là đúng. Cuối cùng, tôi nghĩ mình phải quay trở lại việc học Toán. Mọi thứ diễn ra như một lẽ rất tự nhiên, chủ yếu là do tình yêu với Toán học dẫn lối”.

{keywords}

TS Lê Kim Ngân hiện là giảng viên khoa Toán tại Đại học Monash (Úc)

Năm 2008, chị Ngân học lên thạc sĩ theo chương trình PUF hợp tác với Pháp để “được thỏa mãn đam mê học Toán” chứ chưa nghĩ tới việc sẽ học lên tiến sĩ, làm toán ứng dụng hay đi du học. Tuy nhiên, đến khi theo đuổi chương trình này, chị có 4 tháng sang Pháp để làm luận văn. Thời điểm đó, chị Ngân nhận được hai lời mời cho học bổng tiến sĩ tại Pháp.

Vì lý do gia đình, chị từ chối, sau đó cùng chồng – cũng là bạn học thời phổ thông – sang Úc làm việc.

“Trước khi lên đường sang Úc, tôi có tới gặp để chia tay thầy tôi, GS Dương Minh Đức. Thầy khuyên tôi nên tiếp tục học lên tiến sĩ, đồng thời giới thiệu thầy Trần Thạnh cũng làm về phương trình đạo hàm riêng mà tôi có thể kết nối khi qua Úc”.

May mắn, khi sang Úc, chị Ngân giành được học bổng của chính phủ Úc dành cho nghiên cứu sinh quốc tế. Sau đó, chị cũng lựa chọn theo hướng giải tích số cho phương trình đạo hàm riêng ngẫu nhiên vì cho rằng đây là hướng đi có nhiều ứng dụng thực tế hấp dẫn.

Chuyện dạy Toán ở nước Úc

Học tiến sĩ tại Đại học New South Wales trong vòng 3,5 năm, sau đó tiếp tục làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (postdoc), chị Kim Ngân có cơ hội được giảng dạy ở một số môn liên quan đến Toán tại ngôi trường này.

“Quả thực, đó là những kinh nghiệm giảng dạy rất hữu ích và cũng giúp cho tôi rất nhiều trong quãng thời gian sau này”.

Theo chị Ngân, muốn trở thành một giảng viên ở Úc đòi hỏi hai yếu tố. Thứ nhất, phải có kỹ năng và kinh nghiệm giảng dạy. Ngoài ra, ứng viên cũng cần phải có một số lượng bài báo nhất định đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín.

Với kinh nghiệm giảng dạy, theo chị Ngân, những người từng làm postdoc ở châu Âu hoặc ở Mỹ sẽ có nhiều lợi thế hơn do họ thường có cơ hội được giảng dạy ở các lớp lý thuyết. Nhưng khi ở Úc, postdoc chỉ có thể đứng các lớp thực hành, rất hiếm khi được giao phụ trách lớp lý thuyết.

Quãng thời gian làm postdoc tại Đại học New South Wales đã giúp chị Ngân có thêm một số kinh nghiệm đứng lớp. Vì thế, đến tháng 4/2020, chị Ngân được nhận vào vị trí giảng viên khoa Toán tại Đại học Monash.

{keywords}

Tuy nhiên, ngay cả khi đã trở thành giảng viên chính thức, chị Ngân nói, người dạy cũng phải nỗ lực để đổi mới không ngừng.

“Các trường học Úc thường đánh giá giảng viên hàng năm thông qua những phiếu nhận xét từ phía người học. Do đó, để có thể nhận được đánh giá tốt nhất từ phía sinh viên, giáo viên cũng phải cố gắng cải thiện chất lượng giảng dạy. Điều này có thể thông qua việc học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, liên tục tìm kiếm phương pháp mới giúp học sinh dễ tiếp thu hơn, đồng thời luôn phải chuẩn bị bài thật kỹ trước khi đến lớp”.

Đòi hỏi chất lượng giáo dục cao, nên giảng viên ở Úc cũng nhận được những đãi ngộ rất tốt. Mỗi năm, giảng viên thường có 40% thời gian dành cho giảng dạy, 40% thời gian dành cho việc nghiên cứu. Đối với ngành Toán thường khó tìm kiếm nguồn tài trợ nghiên cứu hơn, nên giảng viên có thể xin nguồn tài trợ từ Chính phủ, miễn dự án đó khả thi và mang lại những giá trị thực tiễn.

Giảng viên cũng được tạo điều kiện đi gặp các đối tác trong và ngoài nước. Kinh phí chuyến đi có thể lấy từ các nguồn tài trợ của trường hoặc các tổ chức khác.

“Thông qua sự cởi mở đó, giảng viên cũng được tạo điều kiện để mở rộng mạng lưới và trau dồi kiến thức chuyên môn trong chính lĩnh vực của mình”, TS Lê Kim Ngân cho hay.

Để theo đuổi con đường làm Toán chuyên nghiệp

Là người nghiên cứu và giảng dạy về Toán, theo TS Lê Kim Ngân, “có một câu hỏi muôn thuở nhưng rất nhiều học sinh không thể trả lời được là ‘Học Toán xong để làm gì?’”. Điều này, chị Ngân cho rằng, một phần lỗi đến từ việc giáo dục ở cấp phổ thông.

“Ở Úc, khi học sinh học về cách tính diện tích, giáo viên thường đặt ra những bài rất thực tế để các em thấy được, những công thức này có thể ứng dụng chứ không hề hoài phí. Đến bậc đại học, lợi ích của Toán càng được trình bày rõ rệt trong việc giải quyết các vấn đề thực tế. Nhờ đó, học sinh thấy được vai trò của những kiến thức Toán mà cuộc sống cần đến”.

{keywords}

Khi đã hiểu ‘học Toán để làm gì’, việc theo đuổi con đường làm toán chuyên nghiệp cũng dễ dàng hơn. Tất nhiên, theo TS Lê Kim Ngân, vẫn cần có nhiều yếu tố để những người trẻ theo đuổi được trên con đường làm Toán, nhưng quan trọng nhất vẫn là phải có đam mê, có khả năng và phải thật kiên trì.

“Để trở thành một nhà Toán học chuyên nghiệp, rất cần phải có niềm yêu thích Toán. Bởi vì, định nghĩa của sự chuyên nghiệp là việc cống hiến hết mình cho công việc. Bên cạnh đó, cũng cần phải có khả năng thì một người mới có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của họ.

Cuối cùng, cần phải có sự kiên trì. Một người cần phải mất nhiều năm trong cuộc đời mới có thể trở thành nhà toán học thực thụ. Nhưng đổi lại, họ sẽ có được niềm vui sau khi nhận được những thành quả của nhiều năm kiên trì ấy. Chắc chắn, ‘không ai có được niềm vui từ những câu đố được giải chỉ trong 5-10 phút’, TS Lê Kim Ngân nói.

Người trẻ dễ dàng xin học bổng du học ngành Toán

Trước đây, việc xin học bổng đi du học ngành Toán khó khăn hơn do các trường đại học thế giới chưa biết nhiều đến các đại học Việt Nam. Nhưng giờ đây, nhiều trường của Việt Nam đã có tiếng tăm và nhận được sự đánh giá cao từ các trường quốc tế, do đó sinh viên cũng thuận lợi hơn khi xin học bổng du học ở các quốc gia như Mỹ, Úc,…

Tuy nhiên, nếu có thể, sinh viên vẫn nên viết ít nhất một bài báo khoa học (có thể đứng tên cùng thầy cô nếu chưa thể tự viết). Bài báo sẽ là một điểm cộng rất lớn cho việc xin học bổng.

Các em cũng hoàn toàn có thể yên tâm rằng, chỉ cần học tốt môn chuyên ngành đã có đủ sức cạnh tranh với các sinh viên quốc tế khác (nếu như điểm những môn học khác không quá cao). Bởi giờ đây, có rất nhiều trường chỉ lấy những môn chuyên ngành để xét điểm cạnh tranh xin học bổng.

TS. Lê Kim Ngân

Thúy Nga

Tiến sĩ người Việt tại Úc chỉ các ‘cửa ải' khi học tiếng Anh

Tiếng Anh thay đổi cuộc đời cậu học trò chèo ghe đi học

Năm 1996, khi bước chân vào đại học, tân sinh viên Nguyễn Văn Kiền mới học những từ tiếng Anh đầu tiên.  

Nữ trưởng khoa tuổi 27 từ chức để 'làm lại từ đầu'

Nữ trưởng khoa tuổi 27 từ chức để 'làm lại từ đầu'

TS Nguyễn Thị Lan Hương (sinh năm 1978) đã chọn cách ra đi sau hơn 9 năm công tác để bắt đầu lại con đường nghiên cứu sâu hơn về giáo dục đại học.

Cô giáo Việt là người châu Á duy nhất dạy sư phạm tiếng Anh ở Nam Úc

Cô giáo Việt là người châu Á duy nhất dạy sư phạm tiếng Anh ở Nam Úc

Trong buổi phỏng vấn cho vị trí giảng viên tại trường ĐH Úc, khi được hỏi: “Tại sao chúng tôi nên lựa chọn bạn”, TS Tuyết Mai thẳng thắn trả lời: “Vì ngoài kinh nghiệm, tôi còn có sự đồng cảm với sinh viên”.