Bắt đầu tiết dạy vào buổi sáng thứ Hai, lớp 9A3 của cô Hồng Lương chỉ có 31/45 học sinh tới trường học trực tiếp. Hai trong số những em phải chuyển sang học online là học sinh thuộc diện F0; số còn lại là F1 hoặc những em được cha mẹ xin cho học trực tuyến tại nhà.

Bản thân cô Lương cũng không bất ngờ về điều này.

“Không thể chậm trễ hơn được nữa, quan điểm của nhà trường và các giáo viên là dù chỉ có một em tới lớp, thầy cô cũng sẽ dạy trực tiếp một cách nghiêm túc và có trách nhiệm. Do đó, không thể vì lớp có quá ít học sinh mà chúng tôi nản lòng”, nữ giáo viên THPT ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho hay.

Học sinh không thể tới lớp, cô Lương được nhà trường trang bị hệ thống camera ghi hình tiết dạy, sau đó kết nối với thiết bị dạy học trực tuyến để các em không tới trường vẫn có thể theo dõi bài giảng tại nhà.

Tuy nhiên, việc vừa dạy học trực tuyến, vừa dạy học trực tiếp, theo cô Lương, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Không giống như trước đây, các bài giảng được thiết kế phù hợp với cách thức học trực tuyến, giờ đây khi kết hợp “on – off”, những học sinh không đến trường ít nhiều sẽ bị hạn chế trong việc tiếp thu bài giảng theo giáo án dạy trực tiếp của giáo viên. Giáo viên cũng không thể “phân thân” để dạy riêng cho những em này theo cách thiết kế của bài giảng trực tuyến.

Do đó, giáo viên sẽ vất vả hơn khi phải dạy bổ sung miễn phí cho những học sinh học trực tuyến vào một số buổi nhất định trong tuần.

{keywords}

Giáo viên vất vả hơn khi phải vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy học trực tuyến (Ảnh minh họa)

Chưa kể, theo cô Lương, giáo viên cũng “rất mệt” khi phải vừa dạy học trên bục giảng, vừa theo dõi học sinh thông qua màn hình máy tính.

“Khi đang giảng bài, giáo viên không thể theo dõi hết xem các em học online có đang lắng nghe được hay không. Nhiều khi vì gián đoạn kết nối, các em không nghe rõ lời cô hoặc không thể nhìn thấy chữ viết trên bảng. Nếu học sinh không tự giác phản ánh hoặc hỏi lại giáo viên, thầy cô cũng không thể nắm bắt được. Việc quan tâm đến những nhóm đối tượng này bị hạn chế nên dù giáo viên phải làm việc vất vả hơn, nhưng rất có thể vẫn có học sinh bị bỏ rơi phía sau”, cô Lương nói.

Còn cô giáo Hoàng Minh Trang, đồng nghiệp của cô Lương lại gặp phải khó khăn khác khi nhiều ngày trong tuần phải “chạy sô” giữa hai hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến.

“Đôi khi, vừa kết thúc tiết dạy trực tiếp cho khối 7, giáo viên phải chuyển ngay sang dạy học trực tuyến cho khối 6. Việc phải đảm nhiệm “nhiều vai” như thế khiến giáo viên gặp một chút quá tải vì phải liên tục vận dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học khác nhau, dù rằng nhà trường cũng đã rất chu đáo chuẩn bị phòng máy để thầy cô không bị chậm trễ khi chuyển giao giữa các tiết dạy”.

Áp lực rất lớn lên hiệu trưởng

{keywords}
Trường học được mở cửa trong nỗi ám ảnh chưa dứt về Covid-19. Ảnh minh họa: Trương Thanh Tùng

Hiệu trưởng một trường tư thục ở Hà Nội cho biết, khi học sinh đi học trở lại, khó khăn lớn nhất vẫn là chuyện thuyết phục phụ huynh đồng ý cho con em tới trường.

“Nếu như thầy cô gặp khó khăn vì lượng công việc tăng lên do phải vừa dạy học trực tuyến, vừa dạy học trực tiếp, thì với lãnh đạo nhà trường, cái khó là nỗ lực để vận động học sinh tới lớp. Do đó, thời gian qua, một mặt nhà trường vẫn phải tiếp tục tuyên truyền với phụ huynh về công tác phòng chống dịch của nhà trường, mặt khác cũng phải giúp phụ huynh yên tâm, tin tưởng và nhận thấy giá trị của việc cho học sinh tới trường học trực tiếp”.

Tuy nhiên, theo vị này, điều đó là không dễ do cần phải có thời gian để thay đổi quan điểm của những phụ huynh và học sinh còn e ngại.

Chia sẻ với VietNamNet, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cho hay, là người đứng đầu ngành giáo dục Nghệ An, bản thân ông cũng rất trăn trở khi số ca F0 trong ngành tăng những ngày gần đây, dù số tăng mỗi ngày không nhiều.

“Hiện, tính đến thời điểm này, khoảng 300-400 trường hợp giáo viên và học sinh diện F0, nhưng chúng tôi đã rất lo và yêu cầu rà soát, thực hiện nghiêm túc việc phòng chống dịch”.

Ông Thành cho hay, khi quan điểm hiện nay là phải sống chung một cách an toàn với F0, Sở GD-ĐT trao quyền tự chủ quyết định cho các trưởng phòng, hiệu trưởng các đơn vị trên cơ sở tham vấn ý kiến của Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp huyện, thị.

“Cũng cần phải chia sẻ với các hiệu trưởng bởi họ là người chịu áp lực nhất, sau đó tới các Trưởng phòng GD-ĐT rồi mới tới Ban Giám đốc Sở GD-ĐT”, ông Thành chia sẻ.

“Khi học sinh đi học trực tiếp thì thực sự áp lực về trách nhiệm lớn hơn nhiều. Thật sự cá nhân tôi cũng phải lo lắng hằng ngày. Bởi dù việc kiểm soát dịch bệnh của các nhà trường làm rất bài bản, nhưng nếu phía gia đình không cùng trách nhiệm thì rất khó.

Với tư cách là giám đốc Sở, tôi đã từng trao đổi trên nhiều diễn đàn với các phụ huynh rằng dù đến trường hay chưa thể đến trường thì nhà trường đều có giải pháp để đảm bảo quyền lợi và chất lượng học tập cho các con. Tuy nhiên, có những gia đình, có người F0 và học sinh là F1 nhưng phụ huynh vẫn giấu để cho đến trường hoặc chưa cách ly đủ đã cho đi học và rất phức tạp khi lỡ con trở thành F0”.

Ông Thành cho hay, một trong những lo lắng của ông là hiện nay việc tiêm phòng vắc xin đã cơ bản nhưng lại có thể phát sinh sự chủ quan của cộng đồng, cha mẹ học sinh, thậm chí ngay cả những người trong ngành giáo dục. “Nhiều gia đình vẫn cho các cháu đi liên hoan, du lịch, tham gia các hoạt động tập trung đông người ở bên ngoài. Như vậy nhà trường cũng không thể kiểm soát nổi, dẫn tới thiệt thòi cho chính bản thân và cả lớp của các cháu”, ông Thành nói.

“Hiệu trưởng hoặc giáo viên chủ nhiệm chỉ cần chủ quan, lơ là một chút có thể ảnh hưởng bao nhiêu học sinh, toàn trường và lan rộng ra cộng đồng thì cũng nguy hại. Bởi một trường ít thì khoảng một nghìn, nhiều thì trên hai nghìn học sinh, nếu có dịch sẽ lan tỏa ra bao nhiêu gia đình. Đó là việc mà tôi rất lo, mặc dù chưa xảy ra. Thật lòng cứ cuối mỗi buổi, các trường hoặc địa phương báo về mọi thứ an toàn thì tôi mới thở phào được, còn không thì lo lắm”, ông Thành nói.

Sở GD-ĐT Nghệ An đã bố trí đường dây nóng do một lãnh đạo văn phòng phụ trách liên lạc thường xuyên và một Phó Giám đốc Sở thường trực phụ trách. Dù vậy, đích thân ông Thành vẫn phải tham gia, chỉ đạo nóng.

"Mỗi ngày, chuyện gọi các trưởng phòng giáo dục để chỉ đạo công tác phòng chống dịch là chuyện hết sức bình thường. Thậm chí, khi có thông tin sự việc xảy ra, có những hôm, kể cả 11-12h đêm, vẫn liên hệ chỉ đạo giải quyết. Giai đoạn này, tôi cũng yêu cầu các Hiệu trưởng, Trưởng phòng GD-ĐT để máy điện thoại ở chế độ liên lạc được mọi lúc. Thậm chí, có những buổi tối vẫn phải triệu tập mọi người lên Sở để hội ý, họp thống nhất ra văn bản, quyết định ra chỉ đạo xử lý các tình huống”.

Ông Thành cũng cho hay, dù khó khăn, nhưng một điều rất may mắn, ngành giáo dục của nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của toàn bộ hệ thống chính trị, lãnh đạo của các huyện, thị trên địa bàn tỉnh và sự đồng lòng, hỗ trợ của phần lớn phụ huynh. Cũng theo ông Thành, chưa có học sinh nào của tỉnh bị chuyển biến nặng hay tử vong.

Thúy Nga - Thanh Hùng

Éo le học trò Hà Nội mang máy tính đến lớp học trực tuyến

Éo le học trò Hà Nội mang máy tính đến lớp học trực tuyến

Trong tuần đầu tiên khi học trò quay lại học trực tiếp, thay vì tới trường, cô giáo N.H.T phải dạy tại nhà do thuộc diện F1. Bất đắc dĩ, các học sinh trong lớp cũng phải chuyển từ học trực tuyến ở nhà sang học trực tuyến tại trường.