Theo dự thảo mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành, nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học chỉ còn 10 mục; không còn phân loại chính quy hay vừa học vừa làm, loại khá hay giỏi. Những cách gọi như "bằng kỹ sư", "bằng bác sĩ" cũng sẽ bỏ.
Văn bản này là hướng dẫn cụ thể của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/7/2019).
Bằng giỏi chỉ có giá trị trong thời gian ngắn
Ông Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết năm 1999, Bộ GD-ĐT đã nêu ý tưởng dù dạy bằng phương thức nào thì "mục tiêu đào tạo" và "chuẩn đầu ra" cũng chỉ có một. Từ năm 1998, ĐHQG TP.HCM đã thống nhất tinh thần dù học theo phương thức nào thì cũng phải đạt những yêu cầu chung như nhau và đến năm 2000 thì có văn bản chỉ đạo dùng chung chương trình đào vừa làm vừa học và chương trình chính quy.
Tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, từ năm 2008 đã thực hiện chương trình vừa làm vừa học và chương trình chính quy cùng mã môn học, cùng chuẩn đầu ra.
Ông Thắng cho rằng việc bỏ phân loại tốt nghiệp là hợp lý. Bằng tốt nghiệp chỉ là minh chứng người đó hoàn thành chuẩn đầu ra của một chương trình đào tạo.
"Một cá nhân khi tốt nghiệp có thể là khá, giỏi nhưng 7-10 năm sau thì quan trọng nhất là làm được gì. Xếp loại chỉ có tác dụng trong một thời gian nhất định"- ông Thắng nói. Còn câu hỏi như một số đơn vị tuyển dụng không phân biệt được người giỏi người kém thì đã có kết quả học tập ở bảng điểm để nhận biết.
"Các đơn vị tuyển dụng đang dần chuyển qua đánh giá năng lực người làm nên bằng cấp chỉ là ngưỡng đầu tiên. Khi tốt nghiệp nước ngoài, bằng của tôi cũng không ghi loại hình gì" - ông Thắng khẳng định.
Đại diện một trường ĐH nói vui từ khi tốt nghiệp rồi đi làm ổn định tới nay ông chưa nhìn lại bằng tốt nghiệp của mình. "Do vậy việc ghi hay không ghi phân loại tốt nghiệp, hình thức đào tạo không có nhiều ý nghĩa. Khi tuyển dụng, người ta nhìn bảng điểm nữa chứ đâu nhìn cái bằng. Hơn nữa xếp loại bằng cấp chỉ thể hiện ở một thời điểm nhất định".
Theo ông Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, việc bỏ ghi xếp loại và hình thức đào tạo trên bằng là đúng thông lệ quốc tế vì đa số các nước đã bỏ.
"Chất lượng đào tạo đã ngang bằng đâu mà không ghi"
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thắng thắn "Tôi không đồng ý".
"Chất lượng đào tạo đến giờ này đã ngang bằng đâu mà không ghi trên bằng. Muốn vậy phải đặt chuẩn đầu ra cho tất cả các ngành, các hệ đào tạo như nhau. Đầu vào thi đề như nhau và cùng nhau thi đầu ra, rồi tiếng Anh".
Ông Dũng cho rằng hiện nay nhiều người nhìn nhận chất lượng giữa các hình thức đào tạo có sự cách biệt khá lớn, do vậy bằng cấp không thể ngang ngau. "Nếu làm vậy người học sẽ tận dụng kẽ hở để đi học tại chức, chuyên tu vì đỡ tốn kém, nhẹ nhàng mà cũng có bằng như chính quy".
Ông cũng cho rằng nên giữ việc ghi xếp loại khá, giỏi...trên văn bằng "để sinh viên phấn đấu".
Theo ông, một số nước bỏ ghi nhiều nội dung cụ thể trên bằng như Úc hay Anh, nhưng chất lượng đào tạo của Việt Nam chưa thể tương xứng được để làm như họ.
Ngành y học 6 năm nhất định phải ghi bằng bác sĩ
Cũng theo dự thảo này, tất cả sinh viên tốt nghiệp đại học đều có được ghi là bằng cử nhân. Sẽ không còn ghi những bằng đặc trưng với ngành nghề như "bằng kỹ sư", "bằng kiến trúc sư", "bằng bác sĩ", "bằng dược sĩ"…
Ông Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho rằng thời gian đào tạo y hiện nay là 6 năm, do vậy, mới có đề xuất đào tạo ngành y chia thành 2 giai đoạn là 4 năm và 6 năm. Nếu mô hình này được thông qua, sau khi hoàn thành 4 năm học tại trường, sinh viên sẽ được cấp bằng Cử nhân khoa học y học. Còn nếu sinh viên học thêm 2 năm nữa sẽ được cấp bằng bác sĩ.
"Do vậy với ngành y, bằng bác sĩ hay cử nhân tùy thuộc vào kết thúc thời gian học ở giai đoạn nào. Nếu kết thúc ở 4 năm thì cấp bằng cử nhân là đúng nhưng nếu học đủ 6 năm thì bắt buộc phải là bằng bác sĩ"- ông Tuấn nói.
Về việc bỏ hình thức đào tạo trên bằng, ông Tuấn cho hay, ngành y có đào tạo chính quy và đào tạo liên thông. Việc bỏ ghi hình thức đào tạo trên bằng tốt nghiệp chỉ nên thực hiện với điều kiện đào tạo liên thông và chính quy phải cùng một chuẩn đầu ra.
"Đúng là nên bỏ, nhưng vấn đề đặt ra là chuẩn đầu ra có giống nhau hay không"- ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn không cần thiết phải ghi loại tốt nghiệp trên bằng vì nhiều nước trên thế giới đã thực hiện điều này. Các đơn vị khi tuyển dụng sẽ có bảng điểm để xác định học lực của sinh viên.
Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM cũng thông tin, tại trường hiện nay mỗi năm chỉ có 1-2 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi. Trong khi đó ở các trường khác đào tạo có đạo tào ngành y sinh viên tốt nghiệp loại giỏi rất nhiều. Vậy việc ghi giỏi trong bằng tốt nghiệp "sẽ không phản ánh được điều gì".
'Nhà tuyển dụng có thể xem bảng điểm, sinh viên cũng không mất đi động lực học tập vì được thể hiện trên bảng điểm".
Cũng theo ông Tuấn, xu thế trường y là không đánh giá bằng điểm số mà sẽ đánh giá bằng việc đạt hoặc không đạt theo một bộ chuẩn nhất định. Lý do là đánh giá bằng điểm số và xếp loại sẽ tạo ra cạnh tranh lẫn nhau, nhưng không tạo việc gắn kết khi làm việc nhóm. Trong khi đó ngành y đòi hỏi phải làm việc nhóm, để có sự giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và lao động.
Điều 38 Văn bằng giáo dục đại học
|
Lê Huyền
Sẽ bỏ phân loại khá hay giỏi, chính quy hay tại chức trên bằng tốt nghiệp đại học
- Văn bằng tốt nghiệp đại học sẽ không còn ghi “Chính quy” hoặc các hình thức học tại chức, theo một dự thảo vừa đưa ra lấy ý kiến.