- Đây là một trong 3 vấn đề được nhóm nghiên cứu khoa học của ĐHQG Hà Nội nêu ra tại hội thảo khoa học “5 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Thành tựu và Thách thức” diễn ra sáng 18/9.
Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS Nguyễn Quý Thanh (Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) nhìn nhận, sau 4 năm tổ chức, kỳ thi THPT quốc gia bám sát yêu cầu Nghị quyết 29 "đã cho thấy những chuyển biến tích cực".
PGS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: VNU)
Vẫn còn gian lận
PGS Thanh nhận định việc tổ chức một kỳ thi tại các cụm địa phương đã tạo nên sự đồng thuận xã hội vì đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, tiết kiệm, giảm áp lực cho thí sinh, gia đình.
Thêm vào đó, việc các thí sinh thi trắc nghiệm với tất cả các môn ngoại trừ môn Ngữ văn đã giảm bớt hiện tượng quay cóp, chép bài nhau. Học sinh không thể học lệch, học tủ mà phải nắm được kiến thức tổng quát mới đạt kết quả cao. Nhờ đó đã không còn hiện tượng lò thi hay “phao thi”.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực ấy vẫn có những bất cập.
Cụ thể, vẫn còn một số tiêu cực gian lận trong quá trình triển khai công tác chấm thi ở một số địa phương.
Kết quả thi chưa đảm bảo tính ổn định. Ví dụ, có những năm tỉ lệ điểm 10 cao đột biến đã gây ra băn khoăn trong dư luận xã hội về tính trung thực, khách quan của kết quả thi.
Tuy nhiên, GS Thanh cho rằng, vẫn cần thiết tiếp tục duy trì mô hình thi THPT quốc gia như hiện nay để đảm bảo tính ổn định, phát huy những điểm tích cực.
“Muốn phát huy được điều đó, trước nhất cần phải bổ sung, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi, câu hỏi tích cực đồng thời hoàn thiện kỹ thuật trong công tác tổ chức thi.
Ngoài ra cần phát huy triệt để tính ưu việt của bài thi chuẩn hóa, trong đó cần bảo mật tối đa cho câu hỏi đã được chuẩn hóa, sử dụng điểm thi năng lực để dư luận không còn phải băn khoăn về kết quả thi vì độ khó của kỳ thi qua các năm là khác nhau” – GS Thanh chia sẻ.
Đề xuất tổ chức ma trận chấm thi để chống tiêu cực
Còn PGS.TS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) lập luận rằng: Thi THPT không phải là kỳ thi tuyển chọn mà là kỳ thi nhằm đánh giá học sinh đủ năng lực để hoàn thành khối THPT. Vì vậy, có thể có nhiều học sinh đạt điểm cao, nhưng cũng có thể là không cao. "Không thể đòi hỏi sự ổn định về số % điểm giỏi hay khá qua các năm mà phải phụ thuộc vào năng lực của học sinh".
PGS.TS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (Ảnh: Thúy Nga)
Bà Nga giới thiệu 3 xu hướng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia: Xu hướng thứ nhất, không thi THPT quốc gia. Hiệu trưởng các trường THPT sẽ cấp giấy chứng nhận hoàn thành THPT cho học sinh. Xu hướng này có ít nước đi theo, tiêu biểu như Hàn Quốc hay Úc. Tuy nhiên ở Úc đã có kỳ thi khác lồng ghép vào.
Xu hướng thứ hai, tổ chức thi THPT trong đó có sự vào cuộc của các tổ chức, cơ quan Nhà nước (ở đây là các Bộ) điều hành tổ chức. Một số quốc gia đi theo xu hướng này như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Hà Lan, Phần Lan.
Xu hướng thứ ba, có thi THPT nhưng do các đơn vị khảo thí chuyên nghiệp đứng ra tổ chức và một năm thi nhiều lần.
Trong 3 xu hướng này, xu hướng thứ hai và thứ ba được áp dụng nhiều ở các nước tiên tiến và một năm tối thiểu thi 2-3 lần. Ví dụ ở Mỹ, các tổ chức khảo thí chuyên nghiệp thi 4-6 lần/ năm. Các thí sinh tự do thi, đăng ký theo nguyện vọng thi để tự đánh giá năng lực của mình.
“
Tham gia Hội thảo có hơn 400 đại biểu đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành, cơ quan Trung ương; đại diện lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, trường đại học, trường phổ thông cùng các chuyên gia, các nhà khoa học.
Bà khẳng định sự cần thiết vẫn duy trì kỳ thi THPT quốc gia và đề xuất: Trong thời gian đợi chờ sự thay đổi lớn, năm 2019-2020, cơ chế tuyển sinh cần phải làm chặt hơn nữa để tránh các hiện tượng tiêu cực. Song song với đó, phần mềm chấm thi, quản lý thi phải được hoàn thiện.
Ngoài ra, cần có một "ma trận tổ chức chấm thi" để tránh hiện tượng bắt tay nhau giữa các tỉnh. "Ma trận" này sẽ phức tạp hơn việc chấm chéo giữa các tỉnh với nhau.
Về lâu dài, bà Nga nói có thể tổ chức 2-3 lần/năm; tổ chức thi trên máy tính thí nghiệm vào năm 2021-2023 trên tinh thần tự nguyện. Đến năm 2024, hình thức này sẽ được áp dụng chuyên nghiệp.
Cần những con số thuyết phục hơn
Góp ý về báo cáo của PGS Nguyễn Quý Thanh, PGS.TS Hoàng Minh Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng, những phân tích, đề xuất nói trên mới chỉ đưa ra dựa vào cơ sở lý luận nghiên cứu từ các văn bản, chính sách mà chưa đưa ra những con số thuyết phục.
“Tôi nghĩ rằng, khi đánh giá về 5 năm đổi mới theo Nghị quyết của Trung ương cần bám sát vào những nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết đề ra".
Ông Sơn khuyến nghị nhóm nghiên cứu nên tập trung làm rõ kết quả đạt được mức độ như thế nào ở 4 điểm.
Thứ nhất là yêu cầu "giảm áp lực tốn kém cho xã hội". Điều này tất cả chúng ta đều thấy rõ nhưng vẫn cần số liệu để thuyết phục. Bằng những con số minh chứng sẽ thuyết phục được toàn xã hội.
Thứ hai là "tạo độ tin cậy, trung thực bằng cách thay đổi đề thi, cách thức ra đề thi, tổ chức coi, chấm thi, nâng cao trách nhiệm của các trường đại học, các Sở GD&ĐT và các trường THPT". Rõ ràng, so với những năm trước kia, việc thi THPT quốc gia đã có sự thay đổi lớn trong quan điểm, trong tính nghiêm túc của các trường đại học cũng như các Sở GD&ĐT và các trường THPT. Việc tạo độ tin cậy như thế nào cũng cần phân tích, làm rõ để thuyết phục xã hội.
Thứ ba, nhóm nghiên cứu cần phải đi sâu vào yêu cầu "đánh giá đúng năng lực học sinh" về mặt khoa học và số liệu thực tế, thông qua những khảo sát học sinh phổ thông, khảo sát giáo viên và các trường đại học.
Cuối cùng là yêu cầu "cơ sở cho tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học". Ông Sơn nhìn nhận việc tổ chức thi xét tuyển đại học đã có sự chuyển biến lớn, trơn tru và thuận tiện hơn, "đúng theo tinh thần Nghị quyết 29".
"Còn một điều tôi muốn góp ý thêm, là chúng ta chưa nhắc đến phẩm chất của thí sinh. Rõ ràng, với một sinh viên, ngoài yếu tố năng lực thì phẩm chất cũng rất quan trọng. Ở các trường đại học nước ngoài còn thêm một vòng phỏng vấn nhằm có thể đánh giá được phẩm chất người học. Tôi đề xuất cũng nên nghiên cứu điều này".
Thúy Nga
Đề xuất 6 giải pháp đổi mới thi THPT quốc gia 2019
6 nhóm giải pháp đã được đại diện các Sở GD-ĐT đề xuất tới Bộ GD-ĐT để kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được tổ chức tốt hơn.
Sẽ điều chỉnh về kỹ thuật một số khâu trong quy trình tổ chức thi THPT quốc gia
Đó là 1 trong những giải pháp được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ thị ưu tiên tập trung thực hiện trong năm học 2018 – 2019.
Đề cao hơn nữa tính nghiêm túc kỳ thi THPT quốc gia '2 trong 1'
Góp ý kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nên giữ nguyên kỳ thi "2 trong 1" nhưng đề cao hơn nữa tính nghiêm túc.
Bộ Giáo dục: Đề thi THPT quốc gia 2018 có những câu hỏi độ khó cao
Đó là một trong những hạn chế của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 mà Bộ GD-ĐT thừa nhận tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 do Bộ GD-ĐT tổ chức sáng nay 2/8.
Những kỷ lục chưa từng có ở các vụ bê bối thi THPT quốc gia 2018
Những sai phạm trong chấm thi THPT quốc gia 2018 được đánh giá là vụ gian lận chưa từng có trong lịch sử các kỳ thi quốc gia. "Kỷ lục" không hề vui vẻ này còn kéo theo những kỷ lục khác trong cả quá trình phanh phui.