Chia sẻ với VietNamNet sáng 14/8, Nguyễn Minh Quân (19 tuổi, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) cho biết em có tổng điểm 3 môn xét tuyển khối A đạt 22,3 điểm. Yêu thích ngành Sư phạm Vật lý nên em đăng ký cả 3 nguyện vọng đều vào ngành học này:  nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nguyện vọng 2 là Trường ĐH Sài Gòn và nguyện vọng 3 là Trường ĐH Đồng Nai.

Tuy nhiên, ở nguyện vọng 1, Quân thiếu 0,45 điểm khi điểm chuẩn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM là 22,75, em cũng trượt nguyện vọng 2 vào Trường ĐH Sài Gòn dù chỉ thiếu 0,04 so với điểm chuẩn.

Sau khi trượt nguyện vọng 1 và 2, Quân đặt niềm hy vọng sẽ trúng tuyển nguyện vọng 3 vào Trường ĐH Đồng Nai.

“ĐH Đồng Nai nâng điểm chuẩn lên 24,7, tức cao nhất trong tất cả các ngành, để đánh trượt thí sinh vì không đủ điều kiện mở lớp. Đến ngành Sư phạm Toán mà điểm chuẩn cũng mới chỉ là 18. Nhà trường không thông báo cho thí sinh để thay đổi nguyện vọng nên em vẫn tự tin mình đỗ đại học”, Quân nói.Thế nhưng, nam sinh đã vô cùng bất ngờ khi điểm chuẩn của ngành Sư phạm Vật lý năm nay được Trường ĐH Đồng Nai đẩy lên tới 24,7. Theo Quân, năm ngoái ngành học này chỉ 17 điểm và từ trước đến nay điểm chuẩn ngành học này không bao giờ vượt quá 20.

Minh Quân cho biết em cảm thấy quá bất công khi bỗng dưng bị lấy mất cơ hội vào đại học. “Nếu trường không đủ điều kiện mở lớp thì từ đầu ghi như vậy làm gì. Thí sinh như em không biết nên mới đăng ký ai ngờ lại tiếp tục như thế này. Nếu trường thông báo không tuyển sinh thì chắc chắn em có thể chọn được một trường đại học khác. Kể cả không học được Sư phạm Vật lý thì em học những ngành học khác liên quan đến Vật lý cũng được. Đằng này trượt đại học vì lý do vô lý”, Quân bức xúc.

Bức bối của Quân là hoàn toàn có cơ sở khi điểm chuẩn của ngành này được đẩy lên cao nhưng lại không hề có thí sinh nào trúng tuyển. Trong khi Bộ GD-ĐT cũng chỉ quy định điểm sàn đảm bảo chất lượng cho các ngành sư phạm năm nay là 18.

{keywords}
Các nguyện vọng của Quân đăng ký. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Về điều này, đại diện Trường ĐH Đồng Nai xác nhận trường cố tình đẩy điểm chuẩn lên cao để đánh rớt thí sinh, bởi những ngành này chỉ có 2, 3 thí sinh trúng tuyển. Do vậy, trường không thể mở lớp. Việc đánh rớt để các em tìm cơ hội vào trường khác.

Lý do này theo Quân khó chấp nhận, bởi thực tế đây là năm thứ hai em thi đại học. Năm ngoái, Quân cũng từng trúng tuyển vào Trường ĐH Đồng Nai và cũng đã trúng tuyển ngành Sư phạm Vật lý. Tuy nhiên, khi đó vì chỉ có 11 thí sinh trúng tuyển nên trường không đủ điều kiện để mở lớp nên đã quyết định cho các thí sinh như Quân lựa một ngành học khác trong trường để theo học.

Sau đó, Quân lựa chọn ngành Sư phạm Toán nhưng học hết 1 học kỳ đầu, thấy không có sự đam mê, Quân quyết định ôn thi lại năm 2019.

Nam sinh không ngờ năm nay, Trường ĐH Đồng Nai vẫn thông báo tuyển sinh và lại nâng điểm đánh trượt thí sinh với lý do tương tự.

“Đáng lý ra em sẽ không ghi nguyện vọng vào Trường ĐH Đồng Nai nếu trường không công bố tuyển sinh. Nhưng trong đề án tuyển sinh trường vẫn công bố năm nay lấy 10 chỉ tiêu vào ngành Sư phạm Vật lý, em nghĩ vậy chắc chắn nên tiếp tục đăng ký nguyện vọng”, Quân chia sẻ.

Đây không phải lần đầu các trường ĐH, CĐ nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh. Câu chuyện này từng xảy ra từ năm ngoái khi hàng loạt các trường địa phương cũng có điểm chuẩn cao nhưng không có thí sinh trúng tuyển.

Trong khi đó, phát biểu tại hội nghị về công tác tuyển sinh 2019 và thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều giáo dục đại học ngày 17/7, đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho hay các trường đại học không đủ điều kiện mở lớp, cần chủ động thông báo cho thí sinh để các em thay đổi nguyện vọng, tránh để trình trạng tự động nâng điểm chuẩn cao để đánh trượt thí sinh như năm 2018.

"Nhà trường có quyền từ chối cung cấp dịch vụ"

Khi đã thực hiện cơ chế tự chủ trong đào tạo thì nhà trường có quyền từ chối cung cấp dịch vụ. Hiện nay, có một số ngành đặc thù Nhà nước đặt hàng các trường đào tạo. Với những ngành này, dù có ít thí sinh thì nhà trường cũng phải tổ chức đào tạo. Chẳng hạn như: Nhà nước đặt hàng cho một số trường ĐH đào tạo nhân lực ngành Điện hạt nhân, Triết học... Giả sử trường chỉ tuyển sinh được 5 - 10 thí sinh thì họ vẫn phải tổ chức đào tạo. Nếu anh cố tình không đào tạo sẽ là vấn đề bất thường.

Nhưng ở một số lĩnh vực, ngành nghề mà có nhiều cơ sở giáo dục cùng đào tạo thì sẽ thực hiện theo cơ chế tự chủ trong tổ chức đào tạo. Tức là các trường sẽ phải căn cứ vào điều kiện cần và đủ để đáp ứng quá trình đào tạo đó. Do đó nếu chỉ có một vài thí sinh trúng tuyển thì liệu rằng, có bảo đảm điều kiện cần và đủ để nhà trường tổ chức đào tạo hay không?

 PGS.TS Phạm Mạnh Hà – Phó Chủ nhiệm Khoa Các khoa học GD Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nói trên Giáo dục và Thời đại

 

 

Thí sinh có thể xét tuyển đợt 2

Trong lúc còn thời gian điều chỉnh nguyện vọng, trường có thông báo, gặp gỡ thí sinh đăng ký nguyện vọng vào một số ngành không tuyển sinh được của ĐH Đồng Nai, khuyên các em thay đổi nguyện vọng sang ngành khác. Riêng thí sinh Nguyễn Minh Quân, người đạt 22,3 điểm và bị đánh rớt ngành Sư phạm Vật lý, không có mặt. Đối với trường hợp này, TS. Trần Minh Hùng cho rằng em có thể xét tuyển đợt 2 vào trường ĐH Đồng Nai, với mức điểm 22.3, Quân hoàn toàn có cơ hội đậu đại học. Sau ngày 15-8, trường sẽ có thông báo xét tuyển đợt 2.

Theo Pháp luật TP.HCM

 

 Thanh Hùng

Trường đại học nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh

Trường đại học nâng điểm chuẩn để đánh trượt thí sinh

Vì có quá ít thí sinh trúng tuyển Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM đành nâng điểm chuẩn hai ngành Công nghệ sau thu hoạch và Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng để đánh rớt thí sinh.