Xác nhận với VietNamNet, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho hay cán bộ, giảng viên trong trường đã viết đơn gửi Ban chấp hành trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Quốc hội đối Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về vấn đề trích nộp tài chính.
Cụ thể, trường đã nhận văn bản của cơ quan này chỉ đạo kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lý tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi nộp thuế.
Mức nộp cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng là trường đại học công lập tự chủ tài chính, trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên cán bộ, giảng viên một trường đại học phản đối cơ quan chủ quản, một việc chưa có tiền lệ trong giáo dục đại học ở Việt Nam.
Ngày 11/06/2008, Trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng được Thủ tướng Chính phủ chính thức đổi tên thành Trường ĐH Tôn Đức Thắng và chuyển về trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Về mặt quản lý nhà nước, cơ chế tổ chức của trường được thực hiện như một trường công lập với cơ quan chủ quản là Tổng liên đoàn; về mặt tài chính, trường không nhận hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước và từ Tổng LĐLĐ Việt Nam. Tài sản được hình thành cho đến nay được coi là tài sản của Tổng LĐLĐ Việt Nam; không điều chuyển khỏi trường mà chỉ để phục vụ cho việc đào tạo của trường. Trường được tự quyết mức thu học phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo qui định như một trường đại học ngoài công lập.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng được thành lập vào năm 1997. Từ lúc thành lập cho đến khi chuyển qua các mô hình khác nhau (bán công, công lập tự chủ tài chính), trường không nhận chi thường xuyên và chi đầu tư từ ngân sách nhà nước hay công đoàn.
Mới đây, báo cáo tổng kết thực hiện kế hoạch 5 năm trong giai đoạn 2008-2013 và 2013-2018 của trường đưa ra những con số ấn tượng về sự thay đổi nhanh chóng. Chẳng hạn, từ chỗ 9 phòng-ban chức năng, 10 khoa, 2 trung tâm khoa học-công nghệ, 1 tạp chí tiếng Việt vào năm 2008; đến 2018, trường đã có một hệ thống giáo dục và khoa học-công nghệ với 61 đơn vị trực thuộc gồm: 17 khoa; 5 Viện nghiên cứu; 18 Phòng - Ban - Trung tâm chức năng; 1 Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học-công nghệ, 2 tạp chí tiếng Anh phát hành toàn cầu; 12 Trung tâm khoa học-công nghệ; 5 cơ sở trực thuộc và 01 công ty. Ngoài ra, còn có 63 nhóm nghiên cứu khoa học-công nghệ trọng điểm...
Nhân sự của trường từ chỗ có 360 người thì đến cuối 2018 đã có đội ngũ 1.340 cán bộ, giảng viên, viên chức. Nhân lực chuyên môn có trình độ tiến sĩ và đang hoàn tất nghiên cứu sinh tiến sĩ chiếm hơn 50%; trong số đó, 205 tiến sĩ và giáo sư là người nước ngoài.
Trường được biết đến là nơi có cơ sở vật chất hiện đại, đặc biệt chú trọng tới các hoạt động thể chất, thư viện, nghiên cứu khoa học...Tính đến cuối 2018, trường đã tạo ra tổng giá trị tài sản đã đầu tư vào cơ sở vật chất trên mặt đất hơn 2.200 tỷ đồng.
Từ quả trứng nở thành con gà có công sức chung... |
Trong quá trình đó, LĐLĐ TP HCM trước đây và Tổng LĐLĐ VN sau này (với tư cách là đơn vị quản lý Trường) đã tạo điều kiện hết sức như cấp vốn, cho vay vốn, giao quản lý, sử dụng đất đai, đề xuất cơ quan có thẩm quyền cấp đất, với số tài sản được giao cho Trường quản lý, sử dụng và cho vay lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trường có được cơ đồ như ngày hôm nay, không thể không nói đến sự quan tâm, tạo điều kiện của Tổng LĐLĐ VN và LĐLĐ TP HCM và công sức của cán bộ, đoàn viên công đoàn cả nước. Từ quả trứng nở thành con gà vàng, đó là công sức chung của nhiều người, nhiều thế hệ. Ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - Theo Dân Trí |
Lê Huyền - Song Nguyên
Lương giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng trung bình 17 triệu/tháng
- Thu nhập bình quân của giảng viên, viên chức của Trường ĐH Tôn Đức Thắng cao hơn 2 lần mức thu nhập bình quân đầu người của nhân dân TP. HCM. Nếu làm vượt giờ làm thêm người lao động của trường có đời sống dư dả.