Bộ KH&CN đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về khu công nghệ cao, trong đó bao gồm các nội dung cơ bản như: các chính sách, quản lý nhà nước đối với khu công nghệ cao,...

Cần thiết và rất cấp thiết

Bộ KH&CN cho hay, sau khi Luật Công nghệ cao ra đời (năm 2008) và có hiệu lực, nhiều khái niệm, quy định liên quan đến công nghệ cao, khu công nghệ cao đã được luật hóa. Đồng thời, các pháp luật chuyên ngành về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế,… đều đã được xây dựng, cập nhật, sửa đổi, bổ sung.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, quy chế khu công nghệ cao chưa được xây dựng mới và ban hành để thay thế quy chế theo Nghị định số 99/2003/NĐ-CP. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2003 của Chính phủ vẫn là văn bản trực tiếp quy định về quy chế khu công nghệ cao.

Ở thời điểm hiện tại, quy chế khu công nghệ cao theo Nghị định số 99/2003/NĐ-CP cũng như các văn bản được xây dựng, ban hành để hướng dẫn nghị định đã quá lỗi thời, có nhiều điểm không còn phù hợp và không theo kịp với thực tiễn phát triển của các khu công nghệ cao trong cả nước.

Chẳng hạn, các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với khu công nghệ cao từ trước đây không còn phù hợp, đặc biệt sau khi một số Luật chuyên ngành ra đời và/hoặc được sửa đổi, bổ sung, cập nhật thì các ưu đãi được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Hay việc thiếu quy định cụ thể về điều kiện, trình tự và thủ tục thành lập, mở rộng khu công nghệ cao gây khó khăn cho địa phương trong việc đề xuất cũng như cơ quan quản lý nhà nước trong việc xử lý hồ sơ.

V.v...

{keywords}

Một nhà máy đặt tại Khu CNC Hòa Lạc 

Như vậy, qua một thời gian dài thực hiện Nghị định số 99/2003/NĐ-CP, đặc biệt là sau khi Luật Công nghệ cao ra đời, đã nảy sinh rất nhiều vấn đề bất cập từ thực tiễn triển khai cũng như phát sinh những đòi hỏi mới từ chính thực tiễn.

Đây là những luận cứ quan trọng để Bộ KH&CN trình Chính phủ xem xét, chấp thuận đề nghị xây dựng nghị định quy định về khu công nghệ cao.

Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng nghị định, Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng nghị định và giao Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về khu công nghệ cao.

Như vậy, việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành Nghị định quy định về khu công nghệ cao nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động của khu công nghệ cao là cần thiết và rất cấp thiết.

Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư

Dự thảo Nghị định gồm 7 Chương, 33 điều với các nội dung cơ bản như: Phương hướng xây dựng, phương án phát triển khu công nghệ cao; thành lập, mở rộng khu công nghệ cao; Quy hoạch xây dựng, giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu công nghệ cao; Các loại hình hoạt động trong khu công nghệ cao; Các chính sách đối với khu công nghệ cao; Quản lý nhà nước đối với khu công nghệ cao...

Khoản 1 Điều 16 (Chương IV) quy định các loại hình hoạt động trong khu công nghệ cao bao gồm: nghiên cứu và triển khai, ứng dụng, phát triển công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, thương mại hóa các sản phẩm công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; sản xuất sản phẩm công nghệ cao; đổi mới sáng tạo; cung ứng dịch vụ công nghệ cao và các dịch vụ thiết yếu khác.

Điều 23 (Chương V) nêu rõ: Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao; Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ phát triển công nghệ cao trong từng giai đoạn nhất định, Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng một số khu công nghệ cao.

Các ưu đãi đầu tư đối với khu công nghệ cao được nêu trong Điều 24 (Chương V):

Theo đó, khu công nghệ cao là địa bàn ưu đãi đầu tư và thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo pháp luật về đầu tư.

Hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư; thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư trong khu công nghệ cao thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư.

Ưu đãi về đất đai, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu - thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của dự án đầu tư vào khu công nghệ cao thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai và pháp luật về thuế.

Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt được áp dụng để khuyến khích phát triển một số dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư. Mức ưu đãi và thời hạn áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai.

Tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư vào khu công nghệ cao được cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động, thương mại theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” và các vấn đề liên quan khác trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Doanh nghiệp khu công nghệ cao có đầy đủ quyền hạn, nghĩa vụ của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan.

Minh Vy