Trước thực trạng trên, nhiều Trung tâm Dịch vụ việc làm của các địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối việc làm cho người lao động.

Cuối năm 2020 và đầu năm nay, trước khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai đã tổ chức được 2 sàn giao dịch việc làm trực tiếp (ngày 21/12/2020 và 11/1/2021).

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, khi địa phương thực hiện giãn cách để phòng chống dịch, hoạt động này phải tạm ngừng. Ngay sau khi hết giãn cách, Trung tâm liên tục tổ chức các sàn giao dịch việc làm, nhưng với hình thức trực tuyến để vừa làm tròn vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động, vừa tuân thủ nghiêm các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn trong phòng dịch Covid-19.

Tính từ sau giãn cách xã hội đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai đã tổ chức được 11 sàn giao dịch việc làm trực tuyến (trung bình 4 sàn/tháng), hỗ trợ doanh nghiệp và lao động kết nối việc làm.

{keywords}
Cán bộ Trung tâm dịch vụ việc làm Đồng Nai thực hiện sàn giao dịch việc làm trực tuyến hỗ trợ việc làm cho người lao động, đáp ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19. Ảnh: Thanh Huy

Bà Trần Thùy Trâm, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết tại 11 sàn giao dịch việc làm trực tuyến này cùng với 2 sàn tổ chức theo hình thức trực tiếp, đã có 237 lượt đơn vị tham gia, tư vấn 3.679 lượt người, tiếp nhận 2.944 hồ sơ. Số người được tuyển dự kiến 2.427 người.

Thống kê từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai đã tư vấn việc làm cho 55.013 lượt lao động, đạt 72,93% so với năm 2020, đạt 94,85% kế hoạch năm.

Trong đó tư vấn việc làm cho người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp là 44.510 người. Tư vấn cho người lao động đến tham dự Sàn Giao dịch việc làm và đối tượng khác là 10.503 lượt lao động. Giới thiệu việc làm 6.071 lượt lao động, đạt 104,67% kế hoạch năm.

Kết quả giải quyết việc làm (bao gồm công tác giải quyết việc làm cho lao động tham gia Sàn, lao động tư vấn sau sàn và lao động thất nghiệp) là 5.640 lao động, tỷ lệ 72,61% so với năm 2020, đạt 102,55% kế hoạch năm 2021.

Tại tỉnh Bắc Kạn, Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng thực hiện đa dạng hóa các kênh thông tin, lên phương án tổ chức phiên giao dịch bằng hình thức trực tuyến trên fanpage, phỏng vấn online.

Đồng thời, Trung tâm cũng thiết lập đường dây tư vấn, giới thiệu việc làm qua website, cập nhật liên tục các vị trí việc làm cần tuyển dụng để người lao động lựa chọn, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Vào thứ 4 hằng tuần, Trung tâm tổ chức tư vấn trực tuyến với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh và thông tin qua mạng xã hội Facebook, Zalo…

Lãnh đạo Trung tâm cho biết trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Kạn sẽ tiếp tục đa dạng các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm; phấn đấu đến cuối năm đạt mục tiêu 500 người có việc làm mới. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Cũng để đảm bảo công tác phòng chống dịch, thay vì tổ chức tuyển dụng lao động trực tiếp tại sàn giao dịch như trước đây thì hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình đã tổ chức các phiên giao dịch việc làm dưới hình thức online, đăng thông tin tuyển dụng lên website để người lao động trực tiếp trao đổi với nhà tuyển dụng.

{keywords}
Các thông tin ngay trên trang chủ của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình

Trung tâm này cũng đã gửi nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nhu cầu tìm việc của người lao động đăng ký tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình lên Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm (Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) để người lao động cũng như các doanh nghiệp của Ninh Bình có thông tin cung - cầu lao động được rộng rãi hơn. Người lao động dễ dàng tham khảo nhu cầu công việc ở địa phương khác, có thể tìm được cơ hội ứng tuyển công việc phù hợp.

Theo ông Lã Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Ninh Bình, thì việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối việc làm cho người lao động, đặc biệt là tổ chức các phiên giao dịch việc làm online sẽ giúp kết nối người lao động và nhà tuyển dụng, mà cả hai bên không cần phải vất vả đi lại trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay

Tại Hà Nội, để hỗ trợ việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố, trong thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã triển khai các hoạt động kết nối, tư vấn, giới thiệu việc làm; thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động theo nhiều hình thức.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, gần đây nhất, trung tâm đã tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến hỗ trợ cho khoảng 80 doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 với hơn 8.600 vị trí việc làm.

Thực tế cho thấy hiện nay, việc tuyển dụng lao động của doanh nghiệp, việc tìm kiếm việc làm của người lao động không chỉ diễn ra trong phạm vi của mỗi địa phương, khu vực mà đã trở nên rộng rãi hơn nhiều. Do đó, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc áp dụng công nghệ thông tin trong giao dịch việc làm là một phương thức phù hợp.

Nhiều lãnh đạo các Trung tâm Dịch vụ việc làm nhận định ngay cả khi dịch bệnh được khống chế thì việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các phiên giao dịch việc làm vẫn sẽ là một cách làm cần duy trì và phát huy, để những doanh nghiệp ở xa vẫn có thể tuyển dụng được lao động theo nhu cầu, hay người lao động vẫn có thể tìm thấy cơ hội việc làm của mình ở một vùng đất mới.

Phương Mai 

“Đón sóng” tuyển dụng, rộng mở cơ hội việc làm cho người lao động sau dịch Covid-19

“Đón sóng” tuyển dụng, rộng mở cơ hội việc làm cho người lao động sau dịch Covid-19

Khi nhiều doanh nghiệp đang trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19, đây là thời cơ để người lao động “đón sóng”, tìm kiếm cơ hội việc làm.