Không thể nhập hầu hết nguyên liệu đầu vào

Ngày 25/11, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Ông Cao Đức Phát, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho rằng: Phát triển công nghiệp vật liệu là vấn đề lớn đối với mọi quốc gia, nhất là đối với một nước đang thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một nền kinh tế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Chúng ta không thể nhập khẩu hầu hết nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp, nông nghiệp và các nền ngành kinh tế khác. Như vậy, giá thành các sản phẩm của nước ta sẽ cao hơn đối thủ cạnh tranh hoặc sẽ biến đất nước thành quốc gia gia công, làm thuê.

{keywords}
Ông Cao Đức Phát: Chúng ta không thể nhập khẩu hầu hết nguyên liệu đầu vào 

“Khi thị trường thế giới có biến động như đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp dựa chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu gặp khó khăn, nhiều ngành gặp khó khăn. Để xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh hiệu quả, tự chủ, phải tự chủ tối đa nguyên vật liệu nhưng phải là nguyên vật liệu bằng hoặc tốt hơn về chất lượng, rẻ hơn so với nhập khẩu”, ông Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng đề cập một trong những “điểm nghẽn” làm chậm tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu nước ta chưa đáp ứng cho các thị trường sản xuất trong nước và xuất khẩu.

Điều này dẫn tới phải nhập khẩu với tỷ trọng vật liệu công nghiệp quá nhiều từ nước ngoài, khiến giá thành các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam tăng cao, thiếu tính cạnh tranh; sản xuất nội địa thiếu tính tự chủ, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi giá trị ở nước ngoài.

“Sự đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước trong bối cảnh tác động của dịch bệnh thời gian qua khiến các ngành công nghiệp nội địa bị ảnh hưởng nặng nề là minh chứng rõ nét nhất cho hiện tượng này”, Bộ Công Thương dẫn chứng.

Sức ép cạnh tranh ngày một lớn

Theo Bộ Công Thương đánh giá: Về tổng thể, năng lực sản xuất công nghiệp vật liệu nước ta vẫn còn nhỏ, năng suất và chất lượng hạn chế. Tỷ lệ nội địa hóa sản xuất các loại vật liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chế tạo còn thấp, như vật liệu gang chế tạo (đạt dưới 30%); vật liệu nhôm, vật liệu đồng (khoảng 5%); hóa chất cho ngành nhựa, cao su vẫn phải nhập khẩu đến 70%; nguyên liệu cho ngành dệt may phải nhập khẩu gần 90% vải, 80% sợi,...

{keywords}
Nhập khẩu nguyên vật liệu qua cửa khẩu Lạng Sơn.

Việt Nam là nước phong phú về tài nguyên khoáng sản nhưng đa số có trữ lượng tài nguyên nhỏ so với quy mô của thế giới, chỉ có một số ít loại có quy mô tài nguyên tương đối lớn như dầu khí, than khoáng, bô-xít, titan,... Nhiều năm qua, hầu hết các loại tài nguyên khoáng sản của Việt Nam đã được huy động vào khai thác, sử dụng. Các loại khoáng sản kim loại ở Việt Nam như vàng, bạc, đồng, chì, kẽm, thiếc,... có trữ lượng không lớn, chỉ khai thác mấy chục năm nữa sẽ cạn kiệt và cũng không đảm bảo tiêu dùng trong nước.

“Những tài nguyên có trữ lượng lớn như bô-xít, titan tuy đã được khai thác nhưng mức độ chế biến chưa cao, hiệu quả giá trị gia tăng từ khai thác, chế biến còn hạn chế”, Bộ Công Thương nhìn nhận.

Đề cập đến nguồn tài nguyên, ông Cao Đức Phát chia sẻ: “Nước ta có tài nguyên phong phú, nhưng chúng ta không có tất cả. Chúng ta cũng không thể khai thác tất cả những gì có được cho thế hệ hôm nay. Tài nguyên phải được khai thác đúng đắn và được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả để không mất đi mà còn đem lại lợi ích cho mai sau”.

Do đó, khoa học công nghệ trước hết cần tập trung nghiên cứu phát triển các loại vật liệu trên cơ sở phát huy các nguồn tài nguyên sẵn có. Nước ta có trữ lượng bô xít, vonfram, ti tan,.. rất lớn nhưng phải tìm ra công nghệ khai thác và chế biến hiệu quả hơn thì mới có thể phát huy, làm giàu cho quốc gia.

Lãnh đạo Ban Kinh tế TƯ cũng bày tỏ quan ngại khi nhiều loại nông sản nước ta xuất thô hoặc mới chỉ qua sơ chế, phần lớn vật tư như phân bón, nguyên liệu làm thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, máy móc nông nghiệp phải nhập khẩu,... Điều đó làm ảnh hưởng lớn dến khả năng cạnh tranh và hiệu quả của ngành.

Ngoài nỗ lực giành thị phần trên thị trường quốc tế, Bộ Công Thương cảnh báo các doanh nghiệp cần lưu ý đến việc đối phó với áp lực cạnh tranh ngay trên sân nhà. Do Việt Nam cam kết xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với nhóm ngành công nghiệp vật liệu, sẽ có một lượng đáng kể sản phẩm công nghiệp vật liệu từ các nước thành viên CPTPP và các nước EU nhập về Việt Nam. Xu hướng này một mặt giúp giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp và tăng chất lượng nguồn nguyên vật liệu đầu vào, mặt khác, lại tạo sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước.

“Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho khoa học công nghệ, trong đó có khoa học công nghệ về công nghiệp vật liệu. Tuy nhiên, cần bàn về cơ chế và chính sách để nguồn lực của nhà nước được sử dụng hiệu quả hơn”, ông Cao Đức Phát nói.

Năm 1998, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10 về Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp đưa ra những chủ trương làm thay đổi cơ bản diện mạo của nông nghiệp nước nhà. “Có lẽ chúng ta vẫn cần một nghị quyết như vậy cho khoa học công nghệ nói chung, trong đó có khoa học công nghệ về vật liệu”, ông Phát đề xuất.

Lương Bằng

Bước qua phận làm thuê, vượt lên làm chủ để ngẩng cao đầu

Bước qua phận làm thuê, vượt lên làm chủ để ngẩng cao đầu

Ngay cả khi đón được sóng FDI, thành công của thu hút đầu tư nước ngoài phải dựa vào việc doanh nghiệp Việt có lớn lên, có vươn lên làm chủ được không hay chỉ mãi phận làm thuê.