Động thái mới của GoViet
Một vài tuần nữa, GoViet sẽ hợp nhất ứng dụng và thương hiệu với Gojek, trở thành Gojek Việt Nam. Tin từ ứng dụng đặt xe công nghệ GoViet cho hay, GoViet quyết định tận dụng sự hợp tác với tập đoàn Gojek để mở rộng quy mô một cách hiệu quả.
Việc hợp nhất nền tảng công nghệ của GoViet với Gojek sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng. Khách hàng có thể truy cập cùng một ứng dụng Gojek ở tất cả các quốc gia có sự hiện diện của Gojek, bao gồm Việt Nam, Indonesia, Singapore và Thái Lan.
Cách đây 2 năm, GoViet chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam, cạnh tranh với Grab. GoViet hiện hoạt động trên ba lĩnh vực: gọi xe (GoBike), giao hàng (GoSend), và đặt đồ ăn (GoFood).
Cuộc đua dịch vụ vận chuyển và giao hàng |
Được kỳ vọng là đối thủ xứng tầm với Grab khi ra mắt, GoViet nhanh chóng gây chú ý với tuyên bố của lãnh đạo công ty mẹ Go-Jek rằng hãng đã giành được 35% thị phần xe ôm công nghệ tại TP.HCM chỉ sau hơn 1 tháng hoạt động.
Vào tháng 8/2019, chỉ một năm sau khi ra mắt, GoViet đã đạt 100 triệu đơn hàng. Sáu tháng sau, vào tháng 2/2020, GoViet đã tăng gấp đôi số lượng đơn hàng để đạt 200 triệu, kết nối hàng triệu người dùng với 150.000 đối tác tài xế và 80.000 đối tác nhà hàng.
Năm 2019 chứng kiến sự biến động nhân sự ở cả ba nền tảng Grab, Go-Viet và Be. Về phía Go-Viet, cuối tháng 3/2019, ông Nguyễn Vũ Đức, CEO đầu tiên của Go-Viet, chính thức rời ghế.
Đến tháng 4/2019, bà Lê Diệp Kiều Trang được bổ nhiệm vào vị trí CEO Go-Viet. Tuy nhiên, nữ CEO này cũng rời Go-Viet chỉ sau vỏn vẹn 5 tháng. Đến cuối tháng 12/2019, ông Trần Thanh Hải cũng tuyên bố rời khỏi vị trí CEO của Be Group.
Tuy nhiên, theo ứng dụng này, Việt Nam vẫn tiếp tục là một thị trường trọng điểm trong chiến lược mở rộng quốc tế của Tập đoàn Gojek. Sự thay đổi này khẳng định cam kết mạnh mẽ của Gojek về đầu tư dài hạn vào Việt Nam, nhằm tạo ra và nhân rộng tác động tích cực về mặt kinh tế - xã hội cho hệ sinh thái bao gồm các khách hàng, đối tác tài xế, đối tác nhà hàng và doanh nghiệp, nhỏ và siêu nhỏ, cùng với các nhà cung cấp dịch vụ.
Thông tin mới nhất, ông Phùng Tuấn Đức, đồng sáng lập và nguyên Giám đốc Vận hành GoViet, vừa được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của Gojek tại Việt Nam.
Cuộc đua thị phần
Cuộc đua trên thị trường đặt xe công nghệ luôn diễn ra gay cấn. Đứng đầu vẫn là Grab. Sau khi mua lại hoạt động của Uber tại Đông Nam Á vào tháng 3/2018, Grab gần như "một mình một chợ" trên thị trường Việt Nam trị giá nửa tỷ USD. Grab đang chứng minh vị trí thống lĩnh trên thị trường khi đã có mặt ở 43 tỉnh.
Năm 2019 cũng đánh dấu hàng loạt cột mốc đáng nhớ của Grab. Sau nhiều năm “chinh chiến", Grab đang sở hữu một hệ sinh thái đa dịch vụ có thể coi là hoàn thiện nhất trên thị trường: GrabCar, GrabBike, GrabFood, GrabExpress, hợp tác với Agoda và Booking.com để đặt phòng khách sạn, hợp tác với Moca để làm ví điện tử,... và gần đây nhất là tiên phong ra mắt mô hình “căn bếp trung tâm" - GrabKitchen.
Cuộc chiến giữa các đại gia |
Với thị trường giao thức ăn, Grab dẫn số liệu của hãng nghiên cứu Kantar cho biết 87% người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát lựa chọn GrabFood là dịch vụ thường xuyên sử dụng nhất.
Giữa tháng 12/2018, thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ chào đón tân binh “Be” của Công ty CP BE Group - một công ty công nghệ trong nước. “Be” tuyên bố đi một con đường khác ngay từ khi ra mắt, định vị mình là một công ty kinh doanh lĩnh vực vận tải, đồng thời thu chiết khấu tới 25%, ngang với chiết khấu của Grab.
Mới đây, ứng dụng mang tên MyGo thuộc Tập đoàn Viettel, đã được triển khai vào ngày 1/7. Dịch vụ này được triển khai trên khắp 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Ngay sau khi gia nhập thị trường xe công nghệ tại Việt Nam, để chứng minh tiềm lực tài chính không thua kém bất kỳ đối thủ nào, Go-Viet đã sử dụng triệt để công thức giá rẻ như “cho không”.
Trong khi đó, FastGo cũng tung ra cả chục nghìn suất 0 đồng cùng với tặng mã khuyến mãi, tặng tiền cho khách hàng. Áp dụng chương trình khuyến mại lớn như tặng gói trợ giá từ 10.000-20.000 đồng/cuốc xe và tuyên bố không tăng giá vào giờ cao điểm.
Còn Grab đang thật sự quyết liệt trong mục tiêu trở thành siêu ứng dụng hàng đầu tại Việt Nam. Trên thực tế, người dùng cũng khó rời đi nếu đã quen với tốc độ và sự tiện lợi từ các dịch vụ trong hệ sinh thái Grab.
Thị trường đặt xe còn rộ tin đồn Be sáp nhập với FastGo. Tuy nhiên, phía Be đã phủ nhận thông tin thông tin trên. Về phía FastGo, đại diện ứng dụng gọi xe này cũng không đưa ra thêm bình luận gì liên quan tới tin đồn sáp nhập.
Dù mới xuất hiện tại Việt Nam chưa đầy 5 năm, nhưng lĩnh vực gọi xe đã phát triển nhanh chóng, hiện đạt quy mô lên tới 1,1 tỷ USD. Giai đoạn 2015-2019, trung bình mỗi năm thị trường gọi xe ở Việt Nam tăng trưởng 57% - cao nhất ở Đông Nam Á.
Cuộc chiến vẫn tiếp tục và sẽ có người rời đi trong âm thầm. Như câu chuyện của Mai Linh Bike, dù có giá cước hấp dẫn, không tăng giá vào giờ cao điểm, nhưng hãng này lại gần như không có khuyến mại hấp dẫn khách hàng, ứng dụng chậm, số lượng lái xe hạn chế khiến nhiều khách hàng thất vọng về sự trải nghiệm.
Duy Anh