Đây là kiến nghị được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng với cộng đồng DN và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh dịch Covid-19, sáng 26/9. 

59 nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ kinh doanh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Nghị quyết bao gồm 59 nhiệm vụ, giải pháp chia thành 4 nhóm chính. Trong đó, có 21 giải pháp liên quan đến sửa đổi, ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; 38 giải pháp liên quan đến hướng dẫn, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho DN; 18 nhiệm vụ cần hoàn thành trong tháng 9/2021.

{keywords}
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Trước đó, ngày 20/7, Chính phủ ban hành Nghị quyết chuyên đề về phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Chính phủ chỉ đạo thực hiện tốt công tác vận tải, lưu thông hàng hoá giữa các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội với các địa phương khác; các địa phương không tự ý đặt ra các “giấy phép con” làm ách tắc, cản trở việc lưu thông hàng hoá...

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chỉ đạo về việc ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp.

Về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 bao gồm 12 chính sách hỗ trợ với tồng mức khoảng 26.000 tỷ đồng.

Trong đó nhiều chính sách trực tiếp hỗ trợ DN như giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ hộ kinh doanh; cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sàn xuất.

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện, sửa đổi Nghị quyết này theo hướng giảm bớt thủ tục, sát với thực tế nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng.

Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 với tổng giá trị khoảng 115.000 tỷ đồng. Đồng thời, cho phép thực hiện giảm trừ chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN, tồ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19...

Chính phủ còn thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Sớm công bố kế hoạch mở cửa

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua phản ánh của cộng đồng DN, hiện vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi, gây khó khăn về tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023. Trong đó có các giải pháp hỗ trợ DN phục hồi; tăng cường cho vay ưu đãi thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cùng với đó là đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ DN chuyển đổi số; sớm hoàn thiện trình Thủ tướng chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025.

Bộ Y tế tiếp thu, nghiên cứu một số kiến nghị của cộng đồng DN để sớm ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất.

Đáng chú ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Công thương tiếp tục theo dõi, đánh giá và xem xét phương án giảm chi phí các dịch vụ thiết yếu như điện, xăng với mức từ 10-30%.

Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sớm hoàn thành việc giảm miễn nộp đoàn phí công đoàn cho đoàn viên tại DN, hợp tác xã bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong năm 2021 và 2022 và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Với các địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế hoặc kế hoạch mở cửa. Địa phương cũng cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023.

Thu Hằng

Bình thường mới, 'trao quyền tự chủ' nhiều hơn cho doanh nghiệp

Bình thường mới, 'trao quyền tự chủ' nhiều hơn cho doanh nghiệp

Thiệt hại kinh tế mỗi ngày do giãn cách, cách ly là rất lớn. Hậu quả lớn hơn nếu bị dừng hoạt động quá lâu. Các doanh nghiệp mong muốn khôi phục sản xuất ngay.