- Câu chuyện DN tư nhân Việt Nam ngày càng nhỏ đi đã được biết đến từ thời điểm 2009 với các điều tra khảo sát của nhiều cơ quan chức năng. Vậy mà đến nay, gần 10 năm trôi qua, tình trạng này vẫn không được cải thiện.  

Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2017 - do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố - cho thấy, các DN dân doanh của Việt Nam, dù gia tăng về số lượng thành lập nhưng lại nhỏ đi đáng kể về quy mô vốn và lao động trung bình.

DN ngày càng nhỏ

Một DN dân doanh điển hình hiện nay có chưa đến 20 nhân viên và 1,2 tỷ đồng (54.000 USD) vốn đầu tư cố định. Chỉ 14% số DN hoạt động chính trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo; 11% xuất khẩu trực tiếp hay gián tiếp thông qua các nhà cung cấp và 6% cung ứng hàng hoá hoặc dịch vụ cho các DN FDI hoạt động tại Việt Nam.

{keywords}
Các DN dân doanh của Việt Nam nhỏ về quy mô vốn và lao động trung bình.

Cụ thể, theo  báo cáo PCI 2017, trên 50% số DN khảo sát có ít hơn 10 lao động, 85% số DN có dưới 50 lao động. Tỷ lệ đóng góp vào GDP của khu vực tư nhân chính thức đã tăng lên trong 2 năm trở lại đây, song vẫn chưa trở lại mức đỉnh cao từng đạt được trước khi gia nhập WTO.

Vào thời điểm lẽ ra các ngành sản xuất cần củng cố và các DN Việt Nam cần phát triển vững mạnh để có thể cạnh tranh trên trường quốc tế, thì họ lại đang nhỏ đi, cả về quy mô đầu tư và lao động, báo cáo nhận xét.

Câu chuyện DN tư nhân Việt Nam ngày càng nhỏ đi, đã được biết đến từ thời điểm 2009, với các điều tra khảo sát của nhiều cơ quan chức năng. Vậy mà đến nay, gần 10 năm trôi qua, tình trạng này vẫn không được cải thiện.

Sau 30 năm đổi mới, chúng ta vẫn chưa có được một thế hệ các doanh nghiệp ngang tầm thế giới. Đây là một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam hiện nay. Năng lực hạn chế của các DN dân doanh sẽ ảnh hưởng tới khả năng cải thiện năng suất và gia tăng quy mô để cạnh tranh trên thị trường quốc tế, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới”, do VCCI tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Trường Đại học kinh tế (ĐHQGHN) kể: "Chúng tôi có dịp trao đổi với hộ kinh doanh gia đình, nuôi lợn ở một xã có liên kết với hộ kinh doanh nước ngoài ở Thái Lan. Hộ bên Thái Lan cung cấp vốn, giống còn hộ Việt Nam có nhiệm vụ xin phép xây dựng chuồng trại, dịch tễ,... Mô hình kinh doanh của họ phát triển khá tốt, hộ Thái Lan có mong muốn để hộ Việt Nam nâng cấp mô hình này lên. Tuy nhiên, khi bàn bạc và xem xét kỹ, họ đã quyết định không nâng cấp, vì phát sinh quá nhiều chi phí không chính thức đối với từng cấp".

{keywords}
 DN dân doanh chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng...

Còn nhiều rào cản

Theo ông Sơn, các rào cản liên quan đến môi trường đầu tư và kinh doanh phải nhắc đến là thủ tục hành chính, chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận thông tin và các nguồn lực về vốn, đất đai...

Mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có những cải cách tích cực, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn khoảng cách lớn giữa quy định và thực thi các luật này, ông Sơn nhận xét.

VCCI cũng cho biết, rào cản cho sự phát triển, tăng trưởng của DN, bao gồm gánh nặng quy định pháp luật, khả năng tiếp cận tài chính, đất đai, sự thiếu minh bạch và chi phí không chính thức. Việc cải tiến những yếu tố này đã tốt lên theo từng năm nhưng chưa thực sự góp phần tạo nên những DN mang tầm quốc tế.

Với nội tại DN thì vấn đề quan trọng nhất là đội ngũ quản lý yếu kém. Các nhà quản lý DN dân doanh của Việt Nam nhiều trường hợp chỉ tốt nghiệp trung học, bắt đầu sự nghiệp kinh doanh từ hộ gia đình hoặc đi lên từ vị trí nhân viên trong các DNNN. Với họ, việc nắm bắt cơ hội, những cải cách đều không cao và ít hướng tầm nhìn đúng cho sự phát triển đi lên của DN.

Điều đáng nói là DN dân doanh hiện nay chủ yếu hoạt động ở các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng,... ít tham gia vào các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp, nên những đóng góp vào nền kinh tế đất nước cũng hạn chế. 

{keywords}
Các doanh nghiệp nhỏ ít đầu tư cho thiết bị công nghệ

Bên cạnh đó, hơn 50% DN dân doanh vay vốn ngân hàng chủ yếu để trang trải hoạt động, chứ ít đầu tư cho đổi mới sáng tạo, thiết bị máy móc hay công nghệ. Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao rất thấp, so với các nước trong khu vực, chỉ đạt 2%. Nguồn vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ rất thấp, khoảng 0,2-0,3% tổng doanh thu.  Đặc biệt, tại Việt Nam, trình độ thiết bị công nghệ trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực tư nhân chỉ bằng 3% mức trang bị kỹ thuật trong các DN lớn. 

Một số khảo sát cho thấy, nếu Việt Nam xuất khẩu 10 đồng thì trong đó có 7,4 đồng của DN FDI. Điều này không chỉ thể hiện sức khỏe yếu kém của DN dân doanh, mà còn chỉ ra sự phát triển chưa bền vững của nền kinh tế Việt Nam. 

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, cho rằng thách thức của việc thiếu vắng các DN có quy mô vừa khiến cho Việt Nam không thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Vai trò của các cụm công nghiệp trong kết nối kinh doanh rất hạn chế. Đồng thời, có rất ít mối liên kết giữa DN nhỏ với DN có quy mô lớn hơn. Các DN nhỏ Việt Nam chưa tạo được độ tin cậy cao với các tập đoàn đa quốc gia.

Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa Việt Nam, có hiệu lực từ 1/1/2018, được kỳ vọng sẽ tạo sự thay đổi cho DN nhỏ phát triển. Luật này được đánh giá là tôn trọng quy luật thị trường. Nhà nước hỗ trợ trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu và khả năng cân đối nguồn lực. Đồng thời, khuyến khích DN khu vực tư nhân phát triển, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để DN hoạt động và sáng tạo.

Trần Thủy