Khó khăn trong ngắn hạn
Năm 2021, Việt Nam thực sự đối mặt với Covid-19 ở một quy mô và mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều so với năm 2020. Nền kinh tế, vì vậy, bị ảnh hưởng nặng nề đồng thời cũng bộc lộ rất nhiều vấn đề cả trong ngắn và trung hạn.
Đó là những nhận định của TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp (Trung tâm thông tin và dự báo KTXH quốc gia - NCIF) trình bày tại Diễn đàn “Nhịp đập kinh tế Việt Nam” với chủ đề “Tài chính cho phục hồi và phát triển bền vững” ngày 5/11.
Dự báo tăng trưởng cho cả năm 2021 được chuyên gia NCIF đưa ra. |
Theo ông Trần Toàn Thắng, không chỉ ảnh hưởng ngắn hạn, Covid-19 trong giai đoạn 2020-2021 cho thấy khả năng ảnh hưởng tới một số yếu tố dài hạn của tăng trưởng. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động dưới tiềm năng tăng, cấu trúc lao động thay đổi do dịch chuyển giữa các ngành, vốn đầu tư sụt giảm do đầu tư công không thể giải ngân đúng tiến độ, đầu tư tư nhân và FDI đều tăng chậm. Đường tiềm năng tăng trưởng có xu hướng đi xuống từ mức trung bình 7,3% xuống còn 2,5%.
Trước những cơ hội và rủi ro cả bên trong và bên ngoài, đại diện NCIF đánh giá kinh tế quý IV/2021 khó có khả năng phục hồi nhanh, và vì vậy tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam trong điều kiện tốt nhất sẽ vào khoảng gần 2%, khả dĩ hơn là khoảng từ 1,5-2%.
Trong trường hợp phục hồi chậm và nhiều tình huống xấu do kiểm soát dịch bệnh, kinh tế 2021 có thể tăng trưởng ở mức khoảng 0,8%.
Sang năm 2022, tùy vào bối cảnh thuận lợi cả trong và ngoài nước, tăng trưởng GDP được các chuyên gia của NCID dự báo trong khoảng 5,8% và 6,7% trong kịch bản cao.
Nền kinh tế cần được tạo đà cho sự hồi phục, trở lại đường đua tăng trưởng. Ảnh: Lương Bằng |
Nhìn mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thấp nhất kể từ sau Đổi mới 1986, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương vẫn chỉ ra điểm tích cực là vĩ mô vẫn ổn định, tăng trưởng xuất khẩu nhìn chung khả quan, cam kết FDI tiếp tục tăng.
Các chính sách hỗ trợ của Việt Nam được cho là chưa đủ mạnh. Nguồn: NCIF |
Để Việt Nam trở lại đường đua tăng trưởng, TS Võ Trí Thành cho rằng, Việt Nam cần một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với quy mô đủ lớn, diện đủ rộng, thời gian đủ dài (2022-2023).
Trong đó, vị chuyên gia này nhắc đến một vấn đề vốn đang gây tranh luận hiện nay là nguồn lực chi cho chương trình hỗ trợ là như thế nào khi quy mô lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng và ngân sách ngày càng eo hẹp, nợ công tuyệt đối vẫn tăng cao.
Ông Thành liệt kê các nguồn lực là tăng chi, bội chi ngân sách và vay với giả định “chấp nhận thâm hụt ngân sách thêm 2%, từ 4-6% GDP thì sẽ có 7 tỷ USD cho chương trình này”; tiết kiệm chi thường xuyên; sử dụng một phần nào đó dự trữ ngoại hối; tạo nguồn lực qua cải cách thủ tục, cắt giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp.
Bao phủ vắc xin và kiểm soát Covid-19
Trong ngắn hạn, TS Trần Toàn Thắng cho rằng giải pháp cần thiết nhất là có các biện pháp kiểm soát hợp lý Covid-19 kết hợp với gia tăng độ bao phủ vắc xin. Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn ngắn hạn vẫn cần khẩn trương thực hiện, tuy nhiên, cần chú ý về chi phí thực hiện cũng như hiệu lực thực thi chính sách tương đối thấp hiện nay.
Trong dài hạn, cần chú ý cải thiện năng suất lao động, môi trường kinh doanh, đặc biệt cần coi chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế như một cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới thể chế chính sách, thực thi nghiêm kỷ luật công vụ và có những điều chỉnh phù hợp với phân cấp quản lý nhà nước.
Nguy cơ nợ xấu tăng cao đang hiện hữu. Biểu đồ: NCIF |
“Các biện pháp thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là đầu tư cải thiện hạ tầng số và thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số là cần thiết. Đồng thời, tận dụng gói hỗ trợ để phát triển một số ngành mũi nhọn, cải thiện chuỗi cung ứng và phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam”, TS Trần Toàn Thắng chia sẻ.
Ông Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cao cấp của UNDP (Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc) đánh giá: Phản ứng tài khóa của Việt Nam đối với đại dịch là chưa đủ. Việc thu hẹp tiêu dùng tư nhân sẽ dẫn đến những thiệt hại đáng kể và tăng trưởng GDP chậm hơn mức cần thiết. Sự hồi phục sẽ chậm hơn do sự sụt giảm cầu sẽ dẫn đến phá sản.
Từ kinh nghiệm các nước, ông Jonathan Pincus lưu ý “không khuyến khích đầu cơ”. Theo đó, cần giảm bớt sự hấp dẫn của đầu cơ vào đất đai và tài sản tài chính như thuế (thuế tài sản và nhà cửa); hạn chế tín dụng cho các hoạt động đầu cơ; hạn chế cho vay quá mức đối với tài sản và cổ phiếu.
Dù nguồn lực cho chương trình phục hồi kinh tế là vấn đề, nhưng ông Võ Trí Thành nêu quan điểm “tiền là khó nhưng không phải khó nhất. Điều khó nhất là tiền vào đâu, đúng chỗ, đúng thời điểm”.
Bởi nếu vào sai, hệ quả sẽ xảy ra như gói kích cầu năm 2009, nền kinh tế rơi vào vòng xoáy “lạm phát cao - tăng trưởng thấp - doanh nghiệp suy kiệt”.
“Chúng ta có nhiều khẩu hiệu như biến nguy thành cơ, nhưng tôi thích nói ‘vượt nguy tận cơ’; tư duy lại thiết kế lại; xây dựng lại; hành động phải quyết liệt và tốc độ”, ông Thành nhấn mạnh.
Lương Bằng
Hàng chục tỷ USD giải cứu kinh tế, cảnh báo 'phản ứng phụ'
Giảm thuế, giảm lãi suất, hỗ trợ tiền mặt cho dân... là những giải pháp đang được nghiên cứu với quy mô lớn chưa từng có. Song việc tính toán 'liều lượng' phải phù hợp với tình hình thực tế để không khiến việc hỗ trợ gây ‘phản ứng phụ’.