“Trói chân” doanh nghiệp

Phát biểu tại tọa đàm "Điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của DN: Vướng mắc và kiến nghị", ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá, công cuộc cải cách, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, hỗ trợ DN gia nhập thị trường đến nay vẫn chưa thực chất. Các bộ, ngành khẳng định đã cắt giảm được tới 60% điều kiện kinh doanh nhưng đó là trên giấy tờ, còn thực tế chỉ được khoảng 30-40%. Thủ tục gia nhập thị trường của DN vẫn còn rắc rối và chồng chéo.

Còn nhiều quy định thừa, không rõ ràng và phức tạp, liên quan tới quy hoạch đất đai, xây dựng, môi trường,... vẫn đang tồn tại. Đây chính là rào cản với các DN khi tham gia thị trường.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI), khó có thể đảm bảo cải thiện môi trường kinh doanh khi các điều kiện vẫn còn “trói chân” can thiệp vào quyền tự chủ của DN. Chẳng hạn như yêu cầu phải thiết lập hệ thống phân phối với mặt hàng rượu và xăng dầu, hay yêu cầu về phương án kinh doanh, xếp hạng tín nhiệm với ngành bưu chính; hoặc các điều kiện kinh doanh do hai cơ quan cấp phép cùng đánh giá, cùng làm căn cứ để cấp giấy phép cho một hoạt động kinh doanh,... là những điều rất bất hợp lý. 

{keywords}
Thủ tục gia nhập thị trường của DN vẫn còn rắc rối và chồng chéo.

Ngoài ra, nhiều vấn đề về đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định chồng chéo bởi các luật khác nhau. Ví dụ Luật Đầu tư 2014 có điều khoản về ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trong khi Luật Thương mại năm 2005 đã có quy định về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, hàng hóa dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Cả hai Luật đều điều chỉnh điều kiện của chủ thể kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM, chia sẻ, không thể phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ đã rất quyết liệt trong cắt giảm điều kiện kinh doanh thời gian qua giúp DN dễ dàng tham gia thị trường, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn rất nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý, ẩn dưới hình thức giấy chứng nhận, chứng chỉ chưa được cắt bỏ.

Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, xác định đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên quản rất chặt. Muốn xin giấy phép kinh doanh vàng, DN phải có chứng nhận môi trường, an ninh, phòng cháy chữa cháy, đáp ứng diện tích theo quy định. Vô lý hơn, muốn đăng ký kinh doanh tại địa chỉ nào thì người đứng tên phải có hộ khẩu thường trú tại đó từ 5 năm trở lên. Không những thế, Nghị định này lại gom cả hoạt động kinh doanh, mua bán vàng trang sức, đồ mỹ nghệ vào, trong khi các sản phẩm này không có khả năng tác động, điều tiết thị trường vàng miếng theo tiêu chuẩn quốc tế và ngoại hối.

Ý kiến từ một số chuyên gia tham dự tọa đàm cho rằng, có tình trạng triển khai một quy định, nhưng có tới vài ba, thậm chí cả chục cách hiểu, cách áp dụng khác nhau. Lý do là thiếu sự chi tiết, rõ ràng trong các điều khoản và sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Trong khi đó, cơ chế giải quyết vướng mắc hiện nay là đi một vòng từ DN lên các bộ, ngành sau đó lại quay về nơi xảy ra vướng mắc. Do không được giải quyết kịp thời nên gây thiệt hại rất lớn cho DN.

Bệnh vô cảm vẫn còn

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhấn mạnh, cộng đồng DN mong muốn việc rà soát, loại bỏ điều kiện kinh doanh, được cải thiện theo hướng kịp thời, cụ thể và có tính đột phá hơn thay vì “dàn hàng ngang” như trước đây.

{keywords}
Cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho DN, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Tại sao chúng ta liên tiếp cải thiện môi trường kinh doanh trong 4-5 năm qua mà tình hình vẫn nổi cộm? Mục tiêu đặt ra rất bóng bẩy nhưng tại sao thực hiện lại không hiệu quả? Ông Nam cho rằng, việc không tập trung vào xử lý, giải quyết những điểm yếu kém, vướng mắc là nguyên nhân hàng đầu, khiến làn sóng cải cách không được hiệu quả như mong muốn.

Trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy hải sản, có những quy chuẩn, tiêu chuẩn của ta còn khó hơn cả của Mỹ. Đại diện VASEP dẫn chứng, cách đây khoảng ba tuần VASEP đã có buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ về việc sửa các quy định liên quan tới cấp mã vạch cho các sản phẩm thủy, hải sản xuất khẩu.

“Tuy nhiên, phía Bộ nói rằng chúng tôi chỉ là một trong hàng trăm hiệp hội đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hơn nữa, sửa nghị định khó khăn lắm, mất nhiều thời gian lắm. Trong khi nghị định chừng nào còn chưa sửa, hàng hóa chừng đó vẫn còn phải nằm chờ tại cảng, vì hải quan vẫn phải làm theo quy định, DN chịu chi phí rất lớn”, ông Nam nói.

Luật sư Nguyễn Đức Mạnh, Công ty Luật Bizlink, kể công ty ông từng cảnh báo cơ quan quản lý về việc sẽ phát đơn khiếu nại, vì không xử lý hồ sơ của DN trong hơn một năm trời. Cảnh báo rồi nhưng tình hình vẫn dậm chân tại chỗ nên buộc phải gửi văn bản khiếu nại lên cấp cao hơn.

“Sau khi phát văn bản khiếu nại, họ lại xin xỏ chúng tôi rút đơn vì ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều cán bộ và hứa sẽ xem xét sớm. Vậy nhưng khi chúng tôi rút đơn tình hình không thay đổi. Bệnh thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, chỉ làm khi có lợi ích của cán bộ vẫn không thể giải quyết”, ông Mạnh bức xúc.

Do vậy, vị luật sư kiến nghị rất cần những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa, kiên quyết hơn nữa, triệt để hơn nữa để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho DN, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Ban Pháp chế VCCI vừa qua đã tiếp nhận 774 ý kiến phản ánh, kiến nghị từ các hiệp hội, DN gửi về. Từ kiến nghị của cộng đồng DN, nhóm nghiên cứu đã tiến hành rà soát 411 văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư kinh doanh, đưa ra 106 kiến nghị với các bộ, ngành.  Cụ thể, VCCI đề nghị các bộ, ngành sửa đổi 93 văn bản quy phạm pháp luật, 32 luật, 51 nghị định và 10 thông tư để khắc phục những chồng chéo, những rào cản về kinh doanh hiện nay.

Trần Thủy