Tháng 3/2021, các nhà đầu tư điện gió đã họp với UBND tỉnh Quảng Trị về tiến độ các dự án năng lượng, đặc biệt là điện gió. Hầu hết nhà đầu tư kêu ca khó khăn mà nhất là chậm giải phóng mặt bằng. Các nhà đầu tư tính toán: Nếu đến 31/3, chậm nhất 15/4 chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng vị trí nào thì coi như việc đầu tư vị trí đó thất bại.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, nhiều tình huống "oái oăm" khi giải phóng mặt bằng dự án điện gió lại xuất hiện khiến DN 'bó tay' phải kêu lên UBND tỉnh Quảng Trị.

Công ty CP Điện gió Khe Sanh vừa có văn bản phản ánh những bất cập khi tiến hành giải phóng mặt bằng dự án điện gió tại địa phương này. Qua đó cho biết, thông tin dự án chưa đền bù đã san ủi đất của dân là không đúng.

{keywords}
Giải phóng mặt bằng điện gió ở Quảng Trị và nhiều địa phương khác đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Lương Bằng

Theo đó, để triển khai dự án điện gió, DN đã bồi thường giải phóng mặt bằng cho 6 hộ gia đình theo danh sách quy chủ có xác nhận/làm chứng của chính quyền địa phương. Đó là hộ ông Nguyễn Văn Thuyết, hộ ông Lương Đình Bảo Sơn, hộ ông Nguyễn Văn Thanh, hộ ông Hồ Ta Ai, hộ ông Hồ Văn Cóc, hộ ông Hồ Văn Chưm. Các hộ dân nêu trên đều cam kết thửa đất này đã canh tác nhiều đời nay và được chính quyền, nhân dân địa phương chứng kiến. Sau khi được công ty chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, các hộ tự thu hoạch nông sản và bàn giao đất cho nhà đầu tư. Công ty đã nhận bàn giao đất và tiến hành thi công công trình trên đất.

Bất ngờ, sau khi đã hoàn thành đền bù, hộ gia đình ông Trần Quang Liệu cầm sổ đỏ (có một phần cấp trùng với sổ đỏ của các hộ Nguyễn Văn Thuyết, Lương Đình Bảo Sơn, Nguyễn Văn Thanh), nhận là đất của mình và đòi tiền. Tình huống đẩy DN vào thế khó thì không thể đền bù hai lần trên cùng 1 mảnh đất.

“Tiền đã nhận, hạng mục đã thi công thì người đân dùng sổ đỏ được cấp để ra đòi tiền với giá 3,5 tỷ/10.315 m2 đất, tương đương 340.000 đồng/m2. Trong khi đó, giá đất đền bù theo quy định của UBND tỉnh Quảng Trị là 3.190 đồng/m2. Mức giá ông Liệu đòi hỏi gấp 106 lần so với đơn giá do UBND tỉnh Quảng Trị ban hành”, đại diện DN phản ánh.

Không chỉ chỉ là chuyện tiền, theo phân tích của DN, việc chi trả phải theo danh sách quy chủ, cán bộ địa phương đã đi cùng cán bộ nhân viên công ty vào từng hộ gia đình đang canh tác trên mảnh đất đó. Xảy ra việc tranh chấp như trên DN không thể tự giải quyết mà phải báo cáo các cấp có thẩm quyền để giải quyết. Nhà đầu tư không thể và không bao giờ đền bù 2 lần trên 1 mảnh đất cho hai đối tượng khác nhau. Việc này là vi phạm pháp luật.

Tình huống 'oái oăm' đẩy DN đẩy DN đến chỗ mắc kẹt. Trong khi phải chờ cơ quan chức năng giải quyết cũng như người dân tự chứng minh quyền lợi của của mình còn kéo dài. Còn DN thì gánh thiệt hại vì phải dừng và chờ.

Chuyện tương tự như trên không chỉ đơn lẻ mà đã xảy ra nhiều trường hợp, ở nhiều địa điểm khác nhau. Thậm chí, không chỉ người dân mà có cả các đối tượng khác là DN ở địa phương. Tình trạng có vẻ ngày càng 'nóng' khi hàng loạt nhà đầu tư ở Quảng Trị cũng như Tây Nguyên cũng đang lâm cảnh tương tự. Thậm chí, có những hộ không có sổ đỏ, không canh tác, thấy các hộ khác đòi đền bù cũng ra chặn đường đòi đền bù trên đất công, đất thuộc nhà nước quản lý, không giao cho hộ nào, chỉ là đất trống đồi trọc. Điều này khiến hình ảnh môi trường đầu tư trở nên xấu đi trong mắt nhà đầu tư.

Trước thực tế này, đại diện các nhà đầu tư mong muốn, “Chính quyền cần vào cuộc tháo gỡ với quan điểm chính thức, rõ ràng, mạch lạc là tại ai, giải quyết thế nào?. Nếu trả tiền cho người có sổ đỏ thì những người đã nhận phải trả lại tiền để DN trả cho người kia. Còn nếu trả cho những người canh tác lâu như đã quy chủ, thì người có sổ đỏ nhưng không hề sử dụng đất phải thôi. Doanh nghiệp không thể trả hai lần cho cùng một diện tích đất”.

{keywords}

Tại cuộc họp mới đây, ông Võ Duy Tấn, Giám đốc công ty CP điện gió Phong Liệu cũng phản ánh thực tế nhiều nhà đầu tư “kêu trời” khi một số hộ dân đòi gấp 100-300 lần giá đền bù theo quy định: "Một số hộ đưa ra yêu sách gấp 4-5 lần giá chúng tôi đang làm. Ví dụ như trụ VT28, diện tích thu hồi vĩnh viễn 360m2, hộ dân yêu cầu thu hồi hết đất với giá bồi thường 4 tỷ đồng", ông Tấn dẫn ví dụ.

Mới đây, các nhà đầu tư nhà đầu tư điện gió kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương gia hạn áp dụng giá FIT do nhưngnhững khó khăn về giải phóng mặt bằng cũng như tác động của dịch bệnh Covid-19.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương nên hỗ trợ doanh nghiệp điện gió bằng cách kéo dài giá FIT thêm 6 tháng hoặc 1 năm nữa để các nhà đầu tư có cơ hội hoàn thành dự án. Bởi lẽ việc chậm tiến độ hoàn toàn do các nguyên nhân khách quan.

Lương Bằng

Thủ phủ điện gió Việt Nam: Khó tin 1 sào đất đồi hét giá 4 tỷ đồng

Thủ phủ điện gió Việt Nam: Khó tin 1 sào đất đồi hét giá 4 tỷ đồng

Hướng Hóa đang trở thành thủ phủ điện gió Việt Nam. Nhà đầu tư đang chạy đua kịp thời hạn hưởng giá ưu đãi. Ăn theo đó cuộc đua tăng giá đòi bền bù cao. Khó tin 1 sào đất đồi ở đây hét giá tới 4 tỷ đồng.