Đầu năm 2021, Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT xây dựng Nghị quyết về phát triển DN giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 1,3-1,5 triệu DN. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hết năm 2020, Việt Nam có khoảng 810 nghìn DN đang hoạt động. Để đạt mục tiêu trên, theo tính toán, tốc độ tăng trưởng số lượng DN trong 5 năm liền phải đạt từ 12-14%/năm. Tính ra, mỗi năm sẽ có thêm khoảng 100.000-150.000 DN mới đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, năm 2021, do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid, DN rút lui khỏi thị trường tăng cao. Giới chuyên môn nhận định, kết thúc năm 2021 số DN còn hoạt động sẽ thấp hơn so với năm 2020. Trong khi đó, những vướng mắc về môi trường kinh doanh chậm được cải cách liệu mục tiêu trên có trở thành hiện thực?
Tháo chốt, bỏ giấy phép con
Các DN cho biết, thời gian qua với chủ trương mỗi địa phương là một “pháo đài” phòng chống dịch nên nhiều địa phương ưu tiên chống dịch với mong muốn “sạch bóng Covid” và điều này đã ảnh hưởng đến DN, gây ra nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
Môi trường kinh doanh đang xấu đi. |
Thực tế, tại nhiều địa phương, hàng trăm chốt thiết lập tại các cửa ngõ ra vào để kiểm soát dịch bệnh. Những tấm bê tông chặn ngang tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nhưng cũng gây ra các hệ lụy cản trở những nỗ lực vận chuyển hàng hóa. Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam than thở, khi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, mỗi địa phương làm một kiểu, tác động tiêu cực đến hoạt động vận chuyển hàng hóa. Để tồn tại được, các DN đã khó khăn, lại thêm khâu vận tải không thuận lợi nên khó khăn nhân đôi.
Đặc trưng của hoạt động sản xuất, kinh doanh là kết nối theo chuỗi, không phân biệt địa giới hành chính. Do đó, khi các địa phương áp dụng những chính sách, quy định khác nhau về giãn cách, về kiểm soát vận tải hàng hóa; chống dịch theo kiểu “ngăn sông cấm chợ”... khiến nguyên liệu đầu vào không đến được các nhà máy, sản phẩm làm ra bị tồn kho, không tiêu thụ được, đó là cách nhanh nhất đẩy DN đến nguy cơ đường phá sản.
Thống kê mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm 2021, có tới 90,3 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng, có 10 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.
Tuy nhiên, số liệu trên có thể chưa phản ánh được thực sự số DN thực tế rút lui khỏi thị trường, bởi trong điều kiện nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, nên các DN không thể làm thủ tục. Số lượng lớn DN rời thị trường là điều đáng báo động và chưa từng xảy ra trong 10 năm qua. Giới chuyên môn ước tính, từ nay đến hết năm 2021, số lượng DN ngừng hoạt động hoặc giải thể ở mức 120.000.
Phong tỏa, cách ly quá rộng, quá dài đã phải trả giá cao khi kinh tế bị ảnh hưởng, DN và người dân gặp khó khăn. Tuy nhiên, khi chuyển sang “sống chung với Covid”, vẫn còn rất nhiều những nỗi lo, phản ánh của DN về những ngáng trở trong sản xuất, kinh doanh. Ở một số địa phương, nguy cơ “giấy phép con” lại hoành hành, khiến các DN khó có thể khôi phục hoạt động.
Thủ tục gia nhập thị trường của DN vẫn còn rắc rối và chồng chéo. |
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cho rằng, các DN đã kiệt sức lắm rồi. Nếu để xảy ra tình trạng một số tỉnh “đẻ” thêm “giấy phép con”, tiếp tục những quy định gây khó, không khác gì “giáng thêm một đòn nữa” chắc chắn DN sẽ “ngã quỵ” hẳn.
Chưa kể, việc khôi phục lại sản xuất kinh doanh còn gặp phải thách thứ lớn đó là thiếu lao động. Hàng triệu lao động bỏ về quê tránh dịch, đã để lại khoảng trống quá lớn cho các DN. “Họa vô đơn chí”, không biết có bao nhiêu DN đủ nghị lực đứng dậy được?
Cải cách mạnh mẽ hơn
Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng, Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ, cho biết, vào năm 2017 Viện đã kiến nghị Chính phủ, trong số 4.000 điều kiện kinh doanh, cần phải cắt bỏ đi 3/4. Nhưng khi ban hành văn bản, Chính phủ chỉ yêu cầu cắt giảm, đơn giản hoá 50%. Năm 2018, các Bộ, ngành rất rầm rộ cắt giảm, đơn giản hoá theo chỉ đạo của Chính phủ.
"Nhưng tôi cho rằng không thực chất bao nhiêu cả. Chúng tôi kiến nghị cắt giảm, bãi bỏ, chứ không đơn giản hoá", ông nói. Bởi, với "đơn giản hoá" thì chỉ cần bỏ một từ, một dòng trong điều kiện kinh doanh cũng hoàn thành nhiệm vụ. Chính vì vậy, không có tác động thực chất đến môi trường kinh doanh, cũng như hiệu ứng tích cực đến DN. Cải cách kiểu nửa vời đã dẫn tới nguy cơ, các điều kiện kinh doanh đang phục hồi trở lại.
Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, công cuộc cải cách, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, hỗ trợ DN gia nhập thị trường vừa qua vẫn chưa thực chất. Các Bộ, ngành khẳng định đã cắt giảm được tới 60% điều kiện kinh doanh nhưng đó là trên giấy tờ, còn thực tế chỉ được khoảng 30-40%. Thủ tục gia nhập thị trường của DN vẫn còn rắc rối và chồng chéo.
Năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN, trong đó đặt ra mục tiêu có 1 triệu DN hoạt động vào cuối năm 2020 nhưng đã không thành. Giới chuyên môn nhận định, nguyên nhân chính là môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều rào cản đối với các DN khi tham gia thị trường.
Vì vậy, giai đoạn 2021- 2025, nếu không có những cải cách mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, thay đổi cách ứng xử gây bất lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thì giấc mơ về 1,3-1,5 triệu DN vào năm 2025 sẽ là một chặng đường kéo dài.
Trước khó khăn do ảnh hưởng Covid, đại diện các DN và hiệp hội mong muốn có một chiến lược khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới. Điều quan trọng là Việt Nam phải hành động ngay bây giờ, để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, đồng thời không bị tụt hậu trong quá trình phục hồi kinh tế.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, không chỉ cần hành động ngay mà còn cần có chương trình thúc đẩy kinh tế một cách toàn diện mới đem lại hiệu quả. Nếu không, sự phục hồi sẽ rất chậm chạm và phải hứng chịu nhiều đau đớn.
Trần Thủy
Nguy cơ vướng 'giấy phép con' khắp nơi
Bình thường mới, các DN phải được hoạt động, lao động phải được dịch chuyển, hàng hóa phải được lưu thông. Tuy nhiên, nguy cơ “giấy phép con” khiến DN gặp nhiều vướng mắc