Việt Nam có 'kỳ lân' thứ hai

Sau VNG, Việt Nam đã có kỳ lân thứ hai. Theo báo cáo kinh tế số E-Conomy SEA năm 2020, VNPay chính thức trở thành kỳ lân công nghệ thứ hai tại Việt nam sau VNG, tức là startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên.

Thông qua các ứng dụng ngân hàng, VNPay thu hút hơn 15 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. VNPay được cho là chính thức đạt trạng thái "kỳ lân" sau vòng gọi vốn năm ngoái từ Softbank Vision Fund và quỹ đầu tư nhà nước GIC. 

Trước đó, VNG là “kì lân” đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực Internet, dựa trên nền tảng công nghệ cung cấp dịch vụ tới người dùng đầu cuối.

Trong toàn khu vực Đông Nam Á, VNPay và VNG xếp cùng hàng ngũ với 11 kỳ lân công nghệ gồm: Bigo, Bukalapak, Gojek, Grab, Lazada, Razer, OVO, Sea Group, Traveloka và Tokopedia. Trong số này, chỉ mới có Grab và GoJek được gọi là “siêu kì lân” khi được định giá trên 10 tỷ USD.

{keywords}
Dòng vốn khủng đổ vào Startup Việt

Gọi được vốn triệu đô

Giai đoạn ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đang chứng minh được lợi thế của việc áp dụng công nghệ số trên thị trường. Theo các chuyên gia, khủng hoảng kinh tế được xem là phép thử để startup chứng minh tính bền vững của mình. Sẽ có những startup thích nghi được.

Trong bối cảnh dịch bệnh, hàng loạt rạp phim đóng cửa, kinh doanh ảm đạm, Beta Corporation - đơn vị sở hữu chuỗi rạp phim giá rẻ Beta Cinemas - vừa hoàn tất thỏa thuận và nhận vốn đầu tư 8 triệu USD từ Quỹ đầu tư Daiwa PI Partner (Nhật Bản). Trước đó, Beta đã gọi vốn thành công từ Vietnam Investment Group - VIG và Tập đoàn Tài chính Blue Hồng Kông.

Cùng số vốn đầu tư, OnPoint - nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ phát triển thương mại điện tử Việt Nam - công bố gọi vốn thành công 8 triệu USD trong vòng Series A từ một số nhà đầu tư, trong đó dẫn đầu là Quỹ đầu tư Kiwoom của Hàn Quốc và Quỹ đầu tư Tăng trưởng Việt Nam DAIWA-SSIAM II (DAIWA-SSIAM Vietnam Growth Fund II L.P). Đến nay, tổng số vốn OnPoint huy động được đã lên mức 8 chữ số.

Trong mảng du lịch, Vntrip gọi thành công 7 triệu USD trong vòng huy động vốn mở rộng Series B. Thông tin được ông Lê Đắc Lâm, đồng sáng lập kiêm CEO công ty, chia sẻ với Tech in Asia. Tuy nhiên, đại diện của startup du lịch này không đề cập tên nhà đầu tư. Với vòng gọi vốn mới, Vntrip đã huy động được tổng cộng 20 triệu USD.

Còn ở lĩnh vực thực phẩm và chăm sóc sức khỏe, BuyMed - một startup B2B về phân phối dược phẩm trực tuyến (thuocsi.vn) công bố nhận được khoản đầu tư trị giá 2,5 triệu USD trong vòng tiền Series A. Dẫn đầu vòng gọi vốn này là chương trình tăng tốc khởi nghiệp Surge của Sequoia Capital Ấn Độ và Genesia Ventures.

Riviu - startup đánh giá ẩm thực Việt Nam - công bố nhận vốn 3,6 triệu USD từ nhà đầu tư ngoại. Mô hình kinh doanh của startup này có nhiều điểm tương đồng với Meituan-Dianping, công ty Trung Quốc chuyên về đánh giá nhà hàng, khách sạn, và dịch vụ.

Thương vụ khủng của năm, Affirma Capital công bố đầu tư 34 triệu USD (khoảng 790 tỷ đồng) vào Công ty Nhân sự Siêu Việt (Siêu Việt Group) - đơn vị sở hữu TimViecNhanh, Vieclam24h, MyWork và ViecTotNhat. Công ty cho biết sẽ dùng khoản đầu tư này để mở rộng thị phần cũng như triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng cho khách hàng.

Báo cáo của Do Ventures về tình hình đầu tư vào startup Việt năm 2019 và nửa đầu năm 2020 cho thấy, sau khi số vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam đạt ngưỡng cao kỷ lục trong năm 2019, với 123 thương vụ đầu tư trị giá 861 triệu USD thì 6 tháng đầu năm 2020, con số này chỉ đạt 222 triệu USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.

{keywords}
Kỳ vọng thêm nhiều kỳ lân

Mảng màu xám

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra những hạn chế của các startup Việt. Nhiều startup từng gọi vốn thành công hàng triệu USD rơi vào cảnh lao đao, trục trặc trong việc quản trị, dẫn đến nhiều nhà sáng lập hay CEO phải nói lời chia tay với doanh nghiệp mà mình dốc sức xây dựng.

Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, nhận định, trong bối cảnh hậu Covid-19, việc gọi vốn trở thành một trong những thách thức lớn nhất của startup giai đoạn đầu. Tuy nhiên, thách thức thật sự không nằm ở việc thiếu nguồn vốn mà nằm ở tầm nhìn và kỹ năng gọi vốn của các nhà sáng lập.

Các startup nhập cuộc với một tinh thần nhiệt huyết, lăn xả, tuy nhiên, việc phân bổ năng lượng thiếu hợp lý đã dẫn đến tình trạng “đuối sức” ở những giai đoạn tiếp theo khi khả năng lãnh đạo, chiến lược thu hút nhân tài, quản lý vẫn còn “mỏng”. Nếu không khắc phục được điều này, startup Việt sẽ mãi chỉ dừng lại trong việc hùng mạnh về số lượng ở giai đoạn ý tưởng.

Do đó, năm 2020 chứng kiến sự thất bại của một số startup Việt, trong đó đáng chú ý là Leflair và WeFit - hai công ty khởi nghiệp từng được đánh giá cao và gọi vốn thành công số tiền triệu USD.

Đầu năm 2019, Leflair huy động thành công 7 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B từ hai quỹ GS Shop (Hàn Quốc) và Belt Road Capital Management (Campuchia), nâng tổng số tiền được đầu tư lên gần 12 triệu USD.

WeFit là nền tảng ứng dụng di động, cung cấp cho người dùng các gói dịch vụ tập luyện và chăm sóc sắc đẹp cơ bản tuyên bố dừng hoạt động vào tháng 5. Năm 2019, startup này công bố gọi vốn thành công 1 triệu USD từ các quỹ đầu tư CyberAgent Capital, KBInvest và một số nhà đầu tư thiên thần khác. Trước đó, công ty từng được quỹ đầu tư ESP Capital đầu tư 155.000 USD vào năm 2017.

Từng tham vọng mở hơn 300 cửa hàng trên toàn quốc, Soya Garden - chuỗi đồ uống sữa đậu nành được đầu tư bởi Tập đoàn EGroup của Shark Thủy đã sớm phải đóng cửa hàng loạt, khi chỉ còn 23/50 cửa hàng đã được mở trước đó tính đến tháng 5/2020. Nhà sáng lập Hoàng Anh Tuấn đã rời ghế CEO, sau khi công ty liên tiếp đón nhận những chỉ số và thông tin kinh doanh không khả quan.

Kỳ vọng thêm nhiều kỳ lân

Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam là một trong những “cường quốc startup”, dẫn đầu về số lượng. Thế mạnh của hệ sinh thái hiện nay là giới trẻ có thể khởi nghiệp với ý tưởng cực kỳ nhanh, kỹ thuật tốt về mặt phát triển sản phẩm và công nghệ.

Các nhà đầu tư đang có sự tin tưởng rất lớn vào tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam và kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành thị trường đầu tư lớn trong khu vực và thế giới. Ông Don Lam, đồng sáng lập và Giám đốc Điều hành Tập đoàn VinaCapital, nhận định, thị trường khởi nghiệp Việt Nam tiếp tục thu hút ngày càng nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bà Nguyễn Thái Hải Vân cho rằng, nhìn nhận một cách bao quát và khách quan, môi trường đầu tư của Việt Nam đã thay đổi rất nhiều so với 3-5 năm về trước.

Nếu so sánh với các nước trong khu vực hay trên thế giới thì Việt Nam đang thăng hạng rất rõ rệt. Sự hấp dẫn của môi trường đầu tư và cơ chế chính sách trở nên thông thoáng hơn. Đặc biệt, cam kết từ phía Chính phủ về mặt thay đổi cơ chế chính sách và tâm huyết về mặt thúc đẩy môi trường khởi nghiệp, cụ thể là sự thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ KH-ĐT). Vì thế, khi nhìn vào bối cảnh thực tại, cộng đồng startup tại Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội bứt tốc.

Trên đà phát triển đó, thực hiện chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần 4, Chính phủ đã quyết tâm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đặt mục tiêu có ít nhất 5 unicorn vào năm 2025 và 10 unicorn vào năm 2030.

Duy Anh