Tốn kém, cần nguồn vốn “khủng”

Bộ GTVT ngày 7/11 vừa ký Quyết định số 2108/QĐ-BGTVT phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không Sa Pa (Lào Cai). Đây là cảng hàng không nội địa dùng chung cho cả dân dụng và quân sự, công suất 3 triệu hành khách/năm với 9 vị trí đỗ máy bay.

Theo đề xuất của tỉnh Lào Cai, dự án có tổng mức đầu tư lên tới 5.903 tỷ đồng.

Để có vốn làm sân bay, trước đó, vào tháng 7/2019, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, địa phương này kiến nghị Thủ tướng chấp thuận hình thức đầu tư hợp tác công - tư (PPP). Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 3.088 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 910,6 tỷ đồng. Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đầu tư 131 tỷ đồng, và quan trọng nhất là vốn kêu gọi nhà đầu tư 1.772 tỷ đồng.

{keywords}
Sự quá tải về cảng hàng không đang đặt ra vấn đề cấp thiết về đầu tư mới và nâng cấp (ảnh minh họa - Forbes)

Gọi vốn tư nhân vào xây dựng sân bay không chỉ riêng ở Lào Cai. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể từng chia sẻ, một loạt sân bay địa phương khác như sân bay Lai Châu, sân bay Nà Sản (Sơn La),... cũng rất cần nguồn vốn đầu tư.

Nếu căn cứ theo Quyết định 236 được Thủ tướng phê duyệt đầu năm nay, đến 2030, cả nước sẽ khai thác tổng cộng 28 sân bay gồm 15 sân bay quốc nội và 13 sân bay quốc tế. Hiện Việt Nam có 22 sân bay, ngoại trừ cảng Vân Đồn là do tư nhân đầu tư, 21/22 cảng còn lại đều do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, khai thác. Như vậy, trong vòng 10 năm tới ít nhất sẽ có thêm 6 cảng hàng không mới.

Vì thế, một loạt dự án đầu tư nâng cấp sân bay được đề xuất, với tổng chi phí có thể lên đến hàng tỷ USD, đang chờ được Bộ Giao thông Vận tải xem xét phê duyệt. Trong đó, vấn đề vốn luôn được quan tâm hàng đầu bởi ngân sách có hạn, trong khi các lời cảnh báo về nợ công liên tục được đưa ra, thì thu hút các nguồn vốn trong xã hội là phương án tối ưu.

"Trong lĩnh vực hàng không, chúng tôi sẵn sàng mời gọi nhà đầu tư. Như đối với sân bay Điện Biên, trong trường hợp ACV không thể đầu tư, chúng tôi sẽ huy động vốn tư nhân để nâng cấp” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân diễn ra hồi tháng 5 năm nay.

Trên thực tế, hàng loạt tỉnh thành khác đã xin đầu tư các cảng hàng không, trong đó có sự góp mặt của các nhà đầu tư tư nhân. Công ty CP Rạng Đông được Bình Thuận chọn làm nhà đầu tư của sân bay Phan Thiết với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 10.272,9 tỷ đồng.

Liên danh Văn Phú Invest và VCI xin đầu tư dự án sân bay Gò Găng tại Vũng Tàu kinh phí khoảng 1 tỷ USD và sân bay Lộc An do Công ty TNHH dự án Hồ Tràm đầu tư, với số vốn khoảng 4.250 tỷ đồng.

Hãng hàng không VietJet từng bày tỏ nguyện vọng muốn đầu tư sân bay Điện Biên và sân bay Cát Bi (mở rộng) nhưng chưa được phê duyệt. Hay, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cùng Tập đoàn FLC đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải về dự án nâng cấp sân bay Đồng Hới thành cảng hàng không quốc tế.

Cửa chưa mở rộng

Tốc độ tăng trưởng nóng của hàng không, cộng với sự quá tải về hạ tầng lâu nay khiến hàng loạt nhà đầu tư tư nhân nhảy vào đầu tư sân bay.

Hơn nữa, thực tế cho thấy, không cần phải có kinh nghiệm về đầu tư, quản lý và khai thác sân bay, hay phải là đơn vị “trong ngành”, doanh nghiệp tư nhân vẫn chứng tỏ mình làm được, và làm tốt là đằng khác. Điều đó càng khiến nhiều nhà đầu tư muốn chen chân vào lĩnh vực này. 

{keywords}
Vân Đồn - sân bay đầu tiên do tư nhân xây dựng tại Việt Nam

Điển hình thành công hay được nhắc tới là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, do Tập đoàn “ngoại đạo” Sungroup đầu tư. Với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD, sau 2 năm thi công, sân bay được đưa vào hoạt động từ cuối 2018. Vân Đồn có thể đón tất cả các loại máy bay hiện đại nhất, với 7 vị trí đỗ. Công suất nhà ga giai đoạn một là 2,5 triệu hành khách mỗi năm, dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2030.

Ngoài ra, sự thành công còn thể hiện ở liên danh các nhà đầu tư gồm ACV, tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), Nasco, VietJet… khi rót 3.700 tỷ đồng xây dựng nhà ga T2 sân bay quốc tế Cam Ranh, khánh thành giữa năm 2018. Năm 2015, Công ty cổ phần Đầu tư Thăng Long, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội,... cũng góp vốn cùng ACV mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng kịp phục vụ sự kiện APEC 2017.

Tuy nhiên, để được chấp thuận đầu tư (theo đúng quy hoạch) là việc không hề dễ dàng khi cơ quan quản lý phải cân nhắc về mức độ cần thiết của từng dự án ở mỗi địa phương, tránh kiểu đầu tư theo phong trào, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Chưa kể, quản lý, khai thác và vận hành cảng hàng không hiệu quả hay không cũng là cả vấn đề. Thực tế cho thấy không phải cứ tham gia kinh doanh cảng hàng không là có lãi. Bởi, trong số 21 sân bay ACV quản lý và khai thác, chỉ 8 sân bay có lợi nhuận, còn lại thu không đủ bù chi. Do đó, cần tính đến cả lợi ích lan tỏa từ hạ tầng hàng không mang lại, hay kinh doanh dịch vụ phi hàng không,...

Có ý kiến còn lo ngại về an ninh quốc phòng, nhưng điều này là thiếu cơ sở bởi tại sân bay Vân Đồn, nhà đầu tư tư nhân khai thác hoàn toàn cơ sở hạ tầng, trừ phần quản lý điều hành bay là do Nhà nước nắm giữ.

Chính vì thế, với dự án “siêu sân bay” Long Thành, việc chỉ định thầu cho ACV làm chủ đầu tư hay đấu thầu rộng rãi để thu hút nguồn vốn xã hội là chủ đề được tranh luận sôi nổi trên nghị trường Quốc hội.

Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, không lo ngại tư nhân thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư sân bay thì không làm được, mà minh chứng là sân bay Vân Đồn.

Trong khi, mặc dù có tiềm lực về nguồn vốn, nhưng nguồn vốn của ACV cũng chỉ đảm bảo được 1/3. Ngay trong giai đoạn 1, ACV cũng phải huy động bên ngoài khoảng 2.628 tỷ USD. Nếu vay của các tổ chức tài chính nước ngoài cũng phải tính vào nợ quốc gia. Trong khi đó, ta hoàn toàn có thể huy động được nguồn vốn của nhiều tập đoàn trong nước.

Điều này được ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, khẳng định tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân rằng, nếu được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng sân bay Long Thành, các doanh nghiệp tư nhân làm chỉ dưới 10 năm.

Ngay trong buổi thảo luận về dự thảo Luật đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Trừ những việc mà Nhà nước phải nắm yết hầu của nền kinh tế như tiền tệ, quốc phòng, an ninh,... còn nói chung là nên huy động vốn tư nhân”. Vì thế, với các dự án sân bay, không lẽ gì lại không mở rộng cửa đón nguồn vốn từ các nhà đầu tư có tiềm lực.

Ng. Hà