Nhìn lại các mốc thời gian 9 tháng qua so với từng mốc tương ứng năm 2015, tăng trưởng xuất khẩu có nhích lên nhưng không đáng kể, vẫn xa mục tiêu tăng 10% so với năm 2015. Trong khi đó, chỉ 3 tháng nữa là khóa sổ năm 2016.

Trụ cột xuất khẩu không vững

Hai trụ cột xuất khẩu là công nghiệp và nông nghiệp không vững. Lần đầu tiên sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp trong năm 2016 tăng trưởng âm. Đây là năm thứ ba liên tiếp ĐBSCL không có mùa nước nổi, nắng hạn với xâm ngập mặn gây thiệt hại kép về trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Sự cố môi trường ven biển 4 tỉnh miền Trung cũng tác động tiêu cực.

Mục tiêu tăng 9-10% so với năm 2015 của ngành công nghiệp cũng lắm gian nan. Ngành chế biến, chế tạo có mức tăng cao nhất nhưng vẫn không cõng nổi sự sa sút của ngành khai khoáng, mà trọng tâm là dầu khí. Ngành dệt may đơn hàng xuất khẩu chững lại từ quý II và bắt đầu giảm từ quý III.

{keywords}
Xuất khẩu gạo Việt Nam bị Campuchia vượt mặt

Kết cục, tăng trưởng GDP từ mức 6,7% năm 2015, có thời điểm chỉ đạt trên 5 đến dưới 6% năm 2016, khiến việc đạt mục tiêu tăng GDP năm nay khá nhọc nhằn.

Thực tình, chúng ta cũng có điểm sáng như xuất khẩu rau quả. Lần đầu tiên rau quả đã đuổi kịp rồi vượt xuất khẩu gạo. 9 tháng, gạo xuất khẩu đạt 1,69 tỷ USD thì rau quả vọt lên 1,8 tỷ USD, gần bằng kim ngạch của chính mặt hàng này cả năm 2015.

Thực ra, không chỉ vượt gạo, xuất khẩu rau quả đã vươn lên xếp thứ 3/9 trong số các mặt hàng nông lâm, thủy sản.

Đạt được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực trong hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, chủ động, bắt nhịp với hội nhập, song do hậu quả của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu khiến lượng cầu của thị trường thế giới chưa hồi phục. Dung lượng tiêu thụ hàng Việt Nam không ngoài vòng.

Thua xa nước láng giềng

Đầu tiên phải kể đến xuất khẩu gạo. Giá gạo xuất khẩu hiện giảm thấp, lượng còn sa sút hơn. Nguyên nhân là do sự giảm nhu cầu cùng với việc thay đổi chính sách kiềm chế nhập khẩu ở các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam, và không loại trừ áp lực từ việc Thái Lan xả kho gạo tồn kho. Châu Á là khu vực thị trường chính về gạo của Việt Nam giảm nhiều, tình hình tương tự lặp lại ở châu Phi.

Ngoài ra, phải kể đến “hiện tượng Campuchia”. Quốc gia này mới tham gia thương trường gạo quốc tế vài năm, chậm hơn ta khoảng hai thập kỷ, song hiệu quả không hề chậm. Trong khi gạo ta vẫn quê mùa, phải qua mối lái, thị trường trung gian thì gạo Campuchia đã 3 năm liên tiếp giành được danh hiệu gạo ngon nhất thế giới, và có tới 8 thương hiệu được trưng bày tại Hội chợ thương mại lương thực tổ chức ở Bangkok (Thái Lan).

Không phải đâu xa, gạo Campuchia đang tấn công gạo Việt ngay trên “thánh địa gạo” - ĐBSCL, đấy là chưa kể ăn gạo Thái đã thành quen với nhiều gia đình Việt. Điều này buộc Việt Nam phải hạ dự báo mức xuất khẩu gạo năm 2016 từ 6,5 triệu tấn xuống còn 5,7 triệu tấn - mức thấp nhất trong 8 năm năm gần đây và nay chỉ dám là 4,9 triệu tấn.

{keywords}

Thường thì hàng năm, xuất khẩu quý IV vẫn tăng trưởng bứt phá. Cùng với đó, nhiều cam kết có lợi cho Việt Nam từ các FTA bắt đầu có hiệu lực.

Kế đến là xuất khẩu dệt may, không chỉ gặp khó về sản xuất đã đành còn phải đối mặt với các đối thủ mới toanh ngay bên cạnh. Campuchia, Myanmar, Bangladesh,... được ưu đãi thuế nhập khẩu dêt may vào Mỹ là 0%, trong khi Việt Nam vẫn phải chịu thuế lên tới 17%. Giá nhân công tại các nước này cũng thấp hơn nên hút hết đơn hàng. Muốn được ưu đãi về thuế theo Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam phải chờ tới 2018.

Ngoài ra, sản xuất điện thoại và các mặt hàng điện tử đã đến ngưỡng công suất thiết kế, không có mốt độc chiêu, giá “khủng”, nên mức tăng phổ biến là một con số, nếu có hai con số thì cũng khiêm tốn, không bùng nổ như hồi mới khai trương, tới 3 con số.

Về đồ trang sức, 9 tháng qua xuất khẩu tăng cao nhất trong tất cả các mặt hàng chủ lực (64,5%) song kim ngạch còn xa mới tới 1 tỷ USD, trong khi năm 2010 đã là 2,8 tỷ USD.

Xuất khẩu than chỉ bằng nửa cùng kỳ năm ngoái, đáng quan ngại là lượng nhập về cao gấp 17 lần lượng xuất, tiền chi ra mua than gấp 10 lần tiền bán than.

Nhập khẩu năm nay cũng thất thường. Dù 3 kỳ tỷ lệ tăng trưởng không giống nhau, lần lượt là 4,8%, 0,5% và 1,3% (3 quý đầu năm nay) song có điểm giống nhau là nhóm hàng “cần nhập khẩu” mức tăng thấp hơn mức tăng trưởng chung còn các nhóm hàng “cần phải kiểm soát” và “hạn chế nhập khẩu” thường có mức tăng cao hơn mức tăng chung của nhập khẩu.

Hàng cần nhập khẩu chủ yếu là nguyên, nhiên, vật liệu tăng chậm lý giải cho việc sản xuất, đặc biết là sản xuất hàng xuất khẩu ì ạch.

Hàng phải kiểm soát và hạn chế nhập tăng cao hơn không thể là điều đáng khích lệ. 9 tháng 2016, riêng ô tô nguyên chiếc các cỡ, các kiểu là gần 76.900 chiếc, ngốn 1,737 tỷ USD, góp mặt cho vấn nạn “ra ngõ là thấy tắc đường”.

Nhìn tổng thể 9 tháng qua, Việt Nam luôn xuất siêu và tăng dần, lần lượt 0,8 tỷ USD (quý I), 1,5 tỷ USD (quý II) và 2,2 tỷ USD (quý III). Tuy nhiên, điều tưởng là hay này thực sự lại đáng buồn khi khối doanh nghiệp FDI luôn xuất siêu thì khối doanh nghiệp trong nước lại ồ ạt nhập siêu.

Thời gian còn lại không nhiều mà mục tiêu còn xa vì nhiệm vụ để lại cho quý IV không nhẹ. Năm 2016, muốn tăng 10% so với 2015 thì tổng kim ngạch xuất khẩu phải được 180 tỷ USD, quý cuối phải “cõng” 52 tỷ USD, bình quân mỗi tháng chót phải gánh 17,3 tỷ USD - điều mà 9 tháng qua chưa tháng nào đạt được.

Nguyễn Duy Nghĩa