- Các doanh nghiệp đã có công văn giải trình về việc sản phẩm thương hiệu xuất hiện trên các clip YouTube vi phạm và dừng các quảng cáo trên mạng này.
Ngay sau khi có thông tin về việc nhiều nhãn hàng của doanh nghiệp quảng cáo trên các video clip YouTube vi phạm, các doanh nghiệp đã kiểm tra. Báo cáo giải trình của Vinamilk cho biết, Vinamilk có ký hợp đồng truyền thông với công ty truyền thông WPP (Mediacom) để truyền tải nội dung đến công chúng mà không ký hợp đồng quảng cáo trực tiếp với đơn vị phát hành và sở hữu phương tiện quảng cáo Youtube.
Theo quy định rõ ràng giữa Vinamilk và Mediacom, quảng cáo của Vinamilk khi đăng trên các nền tảng quảng cáo khác, bao gồm YouTube, cần đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật về quảng cáo của Việt Nam.
Vì vậy, việc YouTube sắp xếp gắn các phim quảng cáo của Vinamilk vào các clip nhạy cảm và có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật xuất phát từ phía YouTube dưới sự kiểm soát của Mediacom. Việc làm trên hoàn toàn trái với cam kết trên hợp đồng giữa Vinamilk và Mediacom.
Nhiều doanh nghiệp Việt dừng quảng cáo trên YouTube |
Vinamilk cho biết, doanh nghiệp đang yêu cầu phía đối tác Mediacom xác minh và làm việc với Youtube để dừng phát các quảng cáo trên các clip này. Vinamilk tạm đình chỉ các kế hoạch quảng cáo trên YouTube cho đến khi Mediacom và YouTube có báo cáo gửi Vinamilk để đưa ra giải pháp khắc phục, không để xảy ra tình trạng tương tự, đảm bảo tuân thủ hoàn toàn pháp luật Việt Nam.
Một số doanh nghiệp khác cũng đã dừng các quảng cáo gắn trên YouTube để làm việc với bên thứ ba. Đại diện truyền thông của Samsung cho biết, hiện Samsung vẫn đang chờ thông tin và hướng dẫn của Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử.
Trước đó, theo Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử, Bộ TT&TT, nhiều thương hiệu sản phẩm đang kinh doanh tại Việt Nam có những vi phạm nghiêm trọng trong các clip quảng cáo chạy trên YouTube. Các clip có nội dung xấu độc trên YouTube lại xuất hiện quảng cáo của các nhãn hàng đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam như sản phẩm Vaseline, Comfort (Unilever); sản phẩm Pampers, Ariel (P&G); Sendo (FPT), Samsung Việt Nam, Yamaha,...
Các chuyên gia đánh giá, nếu doanh nghiệp đồng tình hoặc bỏ mặc cho quảng cáo trên các clip như vậy thì đương nhiên là đã vi phạm pháp luật quảng cáo.
Bên cạnh đó, hình ảnh quảng cáo của một số nhãn hàng lớn ở Việt Nam cũng xuất hiện trên các clip như vậy sẽ gây tổn hại đến thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp. Họ còn bị thiệt hại vì một số người tiêu dùng chân chính sẽ nghi ngờ, thậm chí tẩy chay.
Duy Anh