Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán hệ thống phòng không S-300 cho Iran dường như là một nỗ lực của Moscow để biến đất nước Trung Đông thành thị trường vũ khí béo bở mới cho mình.

Tờ The Moscow Times đăng bài viết nhận định:

Khi cộng đồng quốc tế đang tiến gần hơn tới một thỏa thuận hạt nhân với Iran thì triển vọng nới lỏng các lệnh cấm vận quốc tế đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này có thể mang lại cho các nhà sản xuất vũ khí những cơ hội bất ngờ.

“Iran cần tái trang bị gần như toàn diện quân đội. Nước này sẽ cần phải chi khoảng 40 tỷ USD để hiện đại hóa” - Ben Moores, một nhà phân tích cấp cao của công ty phân tích công nghiệp vũ khí (IHS) nói với tờ The Moscow Times hôm thứ Ba.

Moscow muốn thâu tóm thị trường đó nhưng vẫn còn nhiều rào cản phải vượt qua.

Rào cản đối với thị trường Iran

Quyết định nới lỏng lệnh cấm của LHQ về cung cấp vũ khí tấn công cho Iran phụ thuộc vào việc:

Thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân Iran và nhóm P5+1 đạt được hôm 2/4 có trở thành thỏa thuận chính thức sau các cuộc đàm phán cuối cùng diễn ra vào tháng 6 hay không.

Nếu thỏa thuận này đạt được, rào cản lớn nhất của Nga để thâm nhập vào thị trường Iran sẽ là sự phản đối chính trị từ Israel và cả từ phía Iran.

Moscow từng là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Tehran nhưng sau đó đã rút khỏi mối quan hệ này để củng cố quan hệ gần gũi hơn với phương Tây sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

{keywords}

Hệ thống phòng không S-300

Sự “thay lòng” này của Moscow, cùng với quyết định đình chỉ chuyển giao hệ thống S-300 cho Tehran vào năm 2010, đã khiến Iran giận dữ.

Chính phủ Iran sau đó đã đệ đơn kiện lên tòa án quốc tế ở Geneva đòi Nga bồi thường 4 tỷ USD thiệt hại do vi phạm hợp đồng.

Theo Siemon Wezeman, một chuyên gia tại Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI): “Nga chắc chắn đã mất uy tín khi hủy bỏ thỏa thuận S-300”.

“Song, Iran không có nhiều sự lựa chọn và Nga nhìn chung khá công khai ủng hộ Iran” – Wezeman nói, cho rằng điều này sẽ giúp Moscow thuận lợi hơn trong các cuộc đàm phán cung cấp vũ khí với các quan chức Iran trong tương lai.

Tuy nhiên, Nga còn phải vượt qua sự phản đối của Israel đối với thỏa thuận S-300 và các thương vụ khác mà Moscow chưa hẳn đã muốn như vậy.

“Israel đã ngầm ủng hộ Putin ở Ukraine và ông ấy sẽ không hy sinh mối quan hệ này để đổi lấy một khoản tiền lớn” - Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ (CAST) ở Moscow cho biết.

“Miễn là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn cầm quyền… Nga sẽ không chuyển giao các hệ thống S-300 cho Iran” – Pukhov nói.

Cơn khát tiền

Theo tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport, Nga hiện là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới.

Tuy nhiên, theo IHS, đà tăng trưởng xuất khẩu vũ khí của Nga dự kiến sẽ chững lại.

Một số khách hàng lớn nhất của Nga, như Venezuela, đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu từ dầu mỏ.

Song giá dầu đã giảm một nửa kể từ mùa hè năm ngoái, khiến cho ngân sách của những quốc gia này hứng chịu áp lực lớn.

{keywords}

Nhiều khách hàng lớn của Nga đang chuyển sang mua vũ khí Mỹ. Ảnh: Máy bay vận tải C-130J của Ấn Độ

Nga cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi giá dầu lao dốc và cần tìm các thị trường mới để khai thác và bù đắp những xu hướng này.

Quốc gia xuất khẩu dầu mỏ như Iran cũng chịu ảnh hưởng bởi giá dầu giảm mạnh nhưng nhu cầu lớn về khí tài quân sự có vẻ vẫn biến nước này trở thành một thị trường vũ khí lớn.

Đối thủ cạnh tranh

Sự thâu tóm của Nga đối với thị trường vũ khí Iran vẫn chưa thể được đảm bảo, dù Moscow có làm hài lòng Tehran bằng các hệ thống S-300 hay thỏa thuận hạt nhân với Iran thành công và các lệnh cấm vận của LHQ được nới lỏng.

Theo Wezeman, Moscow sẽ vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà cung cấp khác như Trung Quốc, nhất là khi quốc gia châu Á này “có thể cung cấp các hệ thống vũ khí tương tự (như Nga) và còn từng thể hiện sự ủng hộ chính trị đối với Iran”.

Trong khi một số quốc gia châu Âu như Italy có thể tiến tới cung cấp vũ khí cho Iran thì các nhà phân tích nhận định rằng, Mỹ và những đồng minh thân cận của Washington sẽ né tránh các thỏa thuận vũ khí với Iran, ngay cả khi thỏa thuận đã đạt được.

“Tuy nhiên, trong một số trường hợp, Nga có thể cung cấp một số hệ thống mà các nhà sản xuất khác không thể, chẳng hạn như các hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu” – Pukhov nói.

{keywords}

Tiêm kích MiG-29 của Iran

Iran đang rất cần máy bay chiến đấu. Các tiêm kích đánh chặn của nước này vẫn là những chiếc MiG-29 từ thập niên 70. Các máy bay còn lại của không quân Iran cũng không mới hơn là bao.

Pukhov ước tính rằng Iran sẽ tìm mua ít nhất 24 máy bay mới và hợp đồng này có thể trị giá tới 3 tỷ USD, phụ thuộc vào thông số kỹ thuật và vũ khí trong thỏa thuận.

Ngoài máy bay chiến đấu, Iran sẽ còn mua những hệ thống khác.

Theo Moores, “các ưu tiên (đối với Iran) sẽ là trực thăng, khinh hạm, máy bay chiến đấu, hệ thống liên lạc, radio và các hệ thống phòng không”.

Nga có sức cạnh tranh khá lớn trong nhiều lĩnh vực được đề cập.

Theo số liệu của IHS, năm ngoái, xuất khẩu trực thăng và máy bay có cánh cố định đóng góp lần lượt 2,2 tỷ USD và 4,4 tỷ USD vào tổng giá trị xuất khẩu vũ khí Nga.

Ngoài ra, Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất của Nga là hãng xuất khẩu thân tàu lớn nhất thế giới, với giá trị xuất khẩu tàu ngầm đạt 900 triệu USD và tàu mặt nước 400 triệu USD.

Cũng trong năm 2014, Saudi Arabia, đối thủ lớn nhất của Iran trong khu vực đã vượt qua Ấn Độ để trở thành quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

Theo IHS, Saudi đã mua hơn 6.4 tỷ USD khí tài quân sự, chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ.

Trong khi đó, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), một đối thủ khác của Tehran, đã trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ 4 thế giới trong năm 2014 khi dành 2,2 tỷ USD để mua vũ khí.

Trái ngược với 2 đối thủ, quân đội Iran đang ngày càng trở nên lạc hậu khi vẫn sử dụng các thiết bị của Mỹ có từ những năm 1970.

(Theo Trí Thức Trẻ)