Giá điện tăng 8,36%: Không hề
Thời gian qua, nhiều người dân tỏ bất ngờ khi cầm trong tay hoá đơn tiền điện. Theo đó, giá điện của nhiều hộ gia đình tăng gấp 2-3 lần so với tháng trước.
Theo lý giải của ngành điện, việc tăng giá này là do thời điểm này thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao. Thêm vào đó, giá điện đã chính thức tăng 8,36% kể từ 20.3.
Thế nhưng, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, giá điện không chỉ tăng lên 8,36% như ngành điện đã tuyên bố. Nhiều hộ sử dụng điện ghi nhận hoá đơn điện tăng lên 50-70% so với các tháng. Chuyên gia này cho rằng, lý giải của ngành điện cho việc tăng giá vừa qua chỉ là một góc độ, nguyên nhân chủ yếu là ở sự bất hợp lý của biểu giá điện.
Biểu giá điện sinh hoạt được chia làm 6 bậc. |
Về nguyên tắc, Chính phủ chỉ quy định mức giá điện bình quân. Mức giá bình quân sau khi được điều chỉnh từ ngày 20.3 là 1.864 đồng/kWh. Chính phủ giao cho Bộ Công Thương xây dựng biểu giá điện đạt được 2 mục đích: Thứ nhất là đảm bảo chính sách an sinh xã hội (tạo điều kiện cho người nghèo); thứ 2 khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm điện.
Chính vì thế, Bộ Công Thương đã không để giá điện sinh hoạt một bậc mà phải chia làm nhiều bậc, để tránh tình trạng, người nghèo chịu giá điện quá cao, mà người giàu lại chịu giá điện rẻ, dẫn đến việc sử dụng lãng phí.
"Thế nhưng, biểu giá điện của Bộ Công Thương xây dựng hiện nay theo 6 bậc lại không hề hợp lý", chuyên gia Ngô Trí Long khẳng định.
Biểu giá điện chỉ có lợi cho ngành điện?
PGS.TS Ngô Trí Long |
Phân tích về điểm bất hợp lý của biểu giá điện hiện nay, chuyên gia Ngô Trí Long cho biết, chỉ có giá điện bán lẻ sinh hoạt bậc 1 (từ 0 -50kWh) và bậc 2 (từ 51-100kWh) là thấp hơn so với giá điện bán lẻ bình quân (1.864 đồng/kWh), còn lại từ bậc 3 đến bậc 6, giá điện bán lẻ lại cao hơn nhiều so với giá điện bình quân.
Trong khi đó, hầu hết các hộ gia đình đều phải sử dụng điện trong mức từ trên 100kWh trở lên, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay. Như vậy, ngành điện đã tính một mức giá có lợi cho mình. Người dân dùng càng nhiều điện thì càng phải nộp nhiều tiền.
"Chính phủ giao cho ngành điện tính toán để doanh thu bán điện chia cho sản lượng điện thương phẩm phải bằng giá điện bình quân (1.864 đồng/kWh) nhưng với biểu giá điện 6 bậc như hiện nay thì người hưởng lợi là ngành điện, người dân sẽ chịu thiệt", chuyên gia này khẳng định.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, biểu giá điện cần được chia nhỏ nhiều bậc thêm nữa, không chỉ dừng lại ở 6 bậc như hiện nay. Người dân dùng bao nhiêu điện trong khoảng nào thì sẽ trả tiền bấy nhiêu.
"Theo tôi, mấu chốt hiện nay là cần xây dựng lại biểu giá điện cho phù hợp. Và trách nhiệm này thuộc về Cục Điều tiết Điện lực của Bộ Công Thương", ông Long nói.
Trước đó, phát biểu tại buổi họp "Công bố quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019" chiều 20.3, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, chúng ta có 6 bậc thang đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Với mức điều chỉnh tăng giá 8,36%, mỗi khách hàng sử dụng điện ở mức 50kWh sẽ phải trả thêm 7.000 đồng/tháng. Các khách hàng sử dụng từ 50 đến 100 kWh/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 14.000 đồng, tăng 8,4%. Đối với khách hàng sử dụng đến 200 kWh/tháng sẽ phải trả thêm 31.600 đồng. Khách hàng sử dụng tới 300 kWh sẽ phải trả 53.100 đồng. Khách hàng sử dụng đến 400 kWh sẽ phải trả 77.200 đồng/tháng. |
(Theo Lao Động)