Cú thoái lui giúp Mỹ lên đỉnh

Một thỏa thuận "đình chiến" đã tạm thời chấm dứt căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc trong suốt hơn 1 năm qua, giúp chứng khoán Mỹ tăng lên đỉnh cao lịch sử, vàng có lúc tụt giảm ở mức thấp nhất trong vòng 1 năm.

Trong phiên giao dịch 3/7, cả 3 chỉ số chứng khoán quan trọng của Mỹ: chỉ số tầm rộng S&P 500, công nghiệp Dow Jones và công nghệ Nasdaq đều bứt phá và lập đỉnh cao kỷ lục trong lịch sử thị trường chứng khoán Mỹ.

Chỉ số Dow Jones tăng hơn 179 điểm lên 26.966 điểm. S&P 500 tăng gần 23 điểm lên 2.995,8 điểm. Nasdaq tăng hơn 61 điểm lên 8.170,23 điểm.

Đây là diễn biến ngược dòng của chứng khoán Mỹ trong bối cảnh một loạt các số liệu cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang giảm tốc và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới ngưỡng 2%, thấp nhất kể từ tháng 11/2016 - một tín hiệu tiêu cực về nền kinh tế số 1 thế giới. 

{keywords}
Ông Doanld Trump cho phép các doanh nghiệp Mỹ bán linh kiện và phần mềm cho Mỹ.

Sở dĩ chứng khoán Mỹ tăng lên đỉnh cao lịch sử bất chấp nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu đi xuống là bởi giới đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất và đó cũng là kết quả của cuộc đình chiến được nhất trí một cách chóng vánh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tháng 6 vừa qua.

Cuộc họp khiến các thị trường thế giới đồng loạt đảo chiều. Các cổ phiếu công nghệ Mỹ tăng mạnh trở lại sau khi chính quyền ông Trump cho phép các nhà sản xuất chip và công nghệ bán linh kiện và phần mềm cho tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc.

Trong một tuyên bố mới nhất trên Bloomberg TV, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho rằng, chỉ số công nghiệp Dow Jones thậm chí sẽ đạt 30 ngàn điểm nếu Fed hạ lãi suất theo lộ trình tăng trưởng của Tổng thống Trump hay hiệp định thương mại Mỹ - Mexico được thông qua.

Sự bứt phá của chứng khoán Mỹ, nếu đúng như vậy, là quá ngoạn mục, trong bối cảnh thâm hụt thương mại của Mỹ lên cao nhất 5 tháng, hoạt động lĩnh vực dịch vụ chững lại, các số liệu nhà ở, sản xuất, đầu tư, tiêu dùng trong quý 2,... đều có dấu hiệu đi xuống.

Trên thực tế, dấu hiệu nền kinh tế Mỹ chững lại không phải bây giờ mới xuất hiện, mà trong phần lớn tháng 3 đã có hiện tượng đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đảo ngược, chênh lệch lợi suất trái phiếu 3 tháng và 10 năm giảm về bằng 0.

Cả hai loại trái phiếu khi đó giao dịch quanh ngưỡng 2,5% và đó là dấu hiệu của thị trường lo ngại về tăng trưởng kinh tế yếu trong tương lai cũng như dự tính về chu kỳ giảm lãi suất của Fed, khiến các NĐT chuyển sang nắm giữ các trái phiếu kỳ hạn trung và dài hạn.

Lộ diện toan tính của ông Trump

Cũng trong hôm 3/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc và châu Âu cố tình làm suy yếu đồng nội tệ, thao túng tiền tệ và bơm tiền vào hệ thống tài chính của mình nhằm đạt được các lợi thế cạnh tranh với Mỹ.

Ông Trump cũng cho rằng, Fed cần nới nỏng chính sách tiền tệ và Mỹ cần có phản ứng tương xứng, hoặc tiếp tục chứng kiến các nước khác tiếp tục thao túng tiền tệ như đã nhiều năm nay. 

Lời kêu gọi của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc tiếp tục ở mức thấp: gần 6,88 NDT đổi 1 USD trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc suy yếu và nhiều công ty lớn đã và có kế hoạch rời Trung Quốc như Apple, Samsung, HP, Dell,...

{keywords}
Cuộc chiến Mỹ-Trung là lâu dài.

Có những thời điểm NDT rớt khỏi ngưỡng 6,9 NDT đổi 1 USD và giới đầu tư lo ngại đồng tiền của Trung Quốc có thể bật khỏi chốt chặn 7 NDT đổi 1 USD và có thể gây ra cơn bão giảm giá tiền tệ trên thế giới.

Công bằng mà nói, nền kinh tế Trung Quốc đã có sự chuyển đổi cơ cấu. Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn chiếm khoảng 20% GDP, mỗi một sự sụt giảm xuất khẩu đều ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế tới tỷ lệ thất nghiệp, an sinh xã hội,... Suy giảm xuất khẩu là không thể, giảm giá đồng NDT là một trong những giải pháp.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng quyết định giữ nguyên lãi suất ở các mức thấp kỷ lục cho đến ít nhất là giữa năm 2020, thậm chí tuyên bố hồi giữa tháng 6 cho thấy có thể giảm lãi suất thấp hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát đang khá thấp ở khu vực eurozone.

Sau cú đăng tweet kêu gọi nới lỏng tiền tệ, chứng khoán Mỹ đã những chuyển động tích cực. Trước đó, ông Trump đã rất nhiều lần kêu gọi Fed giảm lãi suất để tăng tính cạnh tranh của Mỹ với các nước mà ông cho là đang thao túng tiền tệ.

Tại cuộc họp báo sau hội nghị G20 tại Nhật, ông Trump cho biết, Fed đã không giúp đỡ gì trong cuộc cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn “đang chiến thắng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung”.

Trước cuộc gặp lịch sử với ông Tập Cận Bình tại G20, chủ tịch Fed Jerome Powell cho hay Fed sẽ tiếp tục “đợi và xem” (wait-and-see) và rằng không bị ảnh hưởng bởi "các lợi ích chính trị ngắn hạn".

Trong một động thái mới nhất, theo AP, ông Trump sẽ đề cử Christopher Waller, Judy Shelton vào Hội đồng Thống đốc Fed. Shelton là cố vấn kinh tế cho tổng thống trong chiến dịch tranh cử năm 2016 và là người luôn chỉ trích Fed và ủng hộ việc cắt giảm lãi suất giống như quan điểm của ông Trump. Trả lời báo chí gần đây, Shelton cam kết sẽ đưa lãi suất về mức thấp nhất về 0% trong vòng 2 năm nếu được bổ nhiệm.

Việc bổ nhiệm những người cùng quan điểm là bước đi tiếp theo của ông Trump nhằm kiểm soát các vấn đề chính sách liên quan tới việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hiện tại, Mỹ bước vào các vòng tái đàm phán đầu tiên với Trung Quốc, nhưng với quan điểm rất cứng rắn mà ông Trump đã đưa ra: “Bất kỳ thỏa thuận nào được đưa ra, lợi thế sẽ phải nghiêng về phía Mỹ”.

Trong khi chờ đợi Fed giảm lãi suất để có thêm lợi thế với Trung Quốc, ông Trump đang chĩa mũi dùi sang EU với đề xuất áp thêm thuế lên 4 tỷ USD hàng hóa khu vực này.

Một nền kinh tế vững hơn và chứng khoán ở đỉnh cao lịch sử... là thế mạnh trong các cuộc đàm phán. Trong khi đàm phán bắt đầu trở lại, theo Nikkei, nhiều tập đoàn lớn vẫn đang lên kế hoạch rời Trung Quốc, điển hình như HP, Dell, Microsoft, Amazon,... không chỉ để né tránh hậu quả của chiến tranh thương mại mà còn vì các rủi ro dài hạn tại đất nước tỷ dân như sự bất ổn, chi phí gia tăng, rủi ro an ninh quốc gia. Đông Nam Á và Ấn Độ được xem là nơi hấp dẫn trong những năm tới.

Nhiều dự báo cho rằng, một khi kinh tế Mỹ giữ được nhịp tăng trưởng cao thì trước cuộc bầu cử Mỹ 2020 có thể là thời điểm thích hợp để ông Trump tung ra những đòn nặng ký vào Bắc Kinh, tránh những lời chỉ trích của các ứng cử viên Dân Chủ về sự hòa hoãn với Trung Quốc.

V. Hà